Các trường đang đẩy mạnh việc phổ biến quy chế thi, cách nhận diện các thiết bị gian lận thi trong khi thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh: VGP) |
Một giáo viên trường THPT tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ mấy ngày nay, ông nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh, học sinh lớp 12 về việc các em học sinh nhận thông báo không được phép mang đồng hồ cơ vào phòng thi.
Điều này khiến thí sinh rất khó khăn trong phân bổ thời gian làm bài.
Theo giáo viên này, từng nhiều lần làm cán bộ coi thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông nhận thấy nhiều trưởng điểm thi còn yêu cầu tháo dỡ hết các đồng hồ treo tường trong phòng thi. Một số phòng thi khác có đồng hồ nhưng hết pin.
"Nếu như vậy, thí sinh chỉ có thể biết giờ thông qua các hiệu lệnh trống cũng như hiệu lệnh báo giờ của cán bộ coi thi. Tôi cho rằng điều này bất hợp lý" - giáo viên này cho hay.
Chị Phương Thanh - phụ huynh học sinh tại quận 1 băn khoăn bởi theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Bộ GD&ĐT, các vật dụng cấm mang vào phòng thi không có đồng hồ cơ.
Theo phụ huynh, đồng hồ cơ không có thiết bị điện tử nào nên cũng không phải quá lo lắng về vấn đề gian lận thi cử.
"Tôi có hỏi giáo viên chủ nhiệm của con rằng trong phòng thi có treo đồng hồ không nhưng cũng chưa nhận được phản hồi. Nếu đã quy định không cho thí sinh mang đồng hồ vào phòng thi thì các điểm thi cần bố trí đầy đủ đồng hồ treo tường, chạy đúng giờ tại phòng thi để thuận tiện cho học sinh theo dõi, phân bổ thời gian khi làm bài thi", chị Thanh nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh - cho biết Thành phố đang triển khai thực hiện tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo đúng quy chế và hướng dẫn số 1515/BGDĐT-QLCL ngày 7/4.
"Thí sinh được phép mang đồng hồ cơ vào phòng thi nhưng cũng cần phải đảm bảo quy định không có chức năng ghi âm, ghi hình, không thể xem hay truyền tín hiệu, không chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận thi cử", ông Nam nói.
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD&ĐT cho thí sinh mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam đối với môn địa lý (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).
Các vật dụng khác bị cấm mang vào phòng thi gồm: giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn, các loại vũ khí, chất gây cháy nổ và các tài liệu, thiết bị truyền và chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận thi cử.
Nếu cố tình mang vào, thí sinh bị đình chỉ thi, đồng nghĩa bị hủy kết quả toàn bộ bài làm, không được công nhận tốt nghiệp THPT.
So với trước đây, quy định này có hai điểm mới. Một là thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình, dù chỉ có chức năng ghi thông tin, không thể xem hay truyền tín hiệu.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT không quy định danh mục máy tính bỏ túi như những năm trước mà chỉ yêu cầu máy tính "không có chức năng soạn thảo văn bản".
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các hội đồng thi các tỉnh, thành phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an triển khai các giải pháp phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi.
Hướng dẫn cũng nhấn mạnh tới bối cảnh đang có sự diễn biến trở lại hoạt động quảng cáo, mua bán các loại thiết bị ngụy trang, thiết kế tinh vi, siêu nhỏ có tính năng ghi âm, ghi hình, đàm thoại bí mật, dễ sử dụng để gian lận thi cử.
"Yêu cầu các hội đồng thi chỉ đạo các điểm thi phổ biến đầy đủ, kiểm tra và nhắc nhở thí sinh để bảo đảm các vật dụng mang vào phòng thi (bao gồm cả các vật dụng thiết yếu liên quan đến việc bảo đảm sức khỏe bản thân) phải không chứa thông tin phục vụ mục đích gian lận thi cử và không có các tính năng lưu giữ, thu phát, truyền, nhận thông tin, hình ảnh dưới mọi hình thức. Các trường hợp vi phạm (dù vô tình hay cố ý) đều sẽ bị xử lý theo quy định" - hướng dẫn của Bộ GD&ĐT nêu rõ.
Năm 2022, cả nước có 50 em vi phạm quy chế và bị đình chỉ thi. Trong đó, 6 em mang và sử dụng tài liệu, 44 em khác mang và dùng điện thoại trong phòng thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra vào ngày 28-29/6 với hơn một triệu thí sinh. Thí sinh phải làm ba bài độc lập toán, ngữ văn, ngoại ngữ cùng hai bài tổ hợp là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc lịch sử, địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).