Đứng bán hàng dưới cái nắng hè oi ả của thủ đô Bangkok (Thái Lan), Kew, 26 tuổi - một phụ nữ Campuchia thỉnh thoảng lại phải ngồi xuống vỉa hè để nghỉ ngơi. Đang ở những tháng cuối thai kỳ, Kew trông khá nặng nề và mệt mỏi. Điều đặc biệt là cô không hay biết đứa trẻ trong bụng sẽ trở thành con của ai và sẽ được chuyển đến đâu sinh sống. Cô đơn giản chỉ là một người mang thai hộ và đây không phải là lần đầu tiên cô làm việc này.
Nhiều nước Đông Nam Á đang trở thành “thiên đường” của các đường dây đẻ thuê xuyên biên giới. (Nguồn: Reuters). |
“Lần đầu tiên đẻ thuê, tôi đã đưa con cho một cặp đôi đồng tính nam người Tây Ban Nha. Tôi không quan tâm nhiều lắm đến chuyện đấy, miễn là nhận được khoản tiền xứng đáng”, Kew nói.
Sau khi hoàn tất hai tháng thai kỳ cuối, Kew sẽ nhận nốt khoản thù lao 300.000 Bath (khoảng hơn 8.600 USD) phí đẻ thuê. Số tiền này đủ để Kew trả nợ cho gia đình, và mua được một mảnh đất nhỏ làm sinh kế. “Không có công việc nào cho tôi khoản thu nhập tốt như vậy”, Kew thừa nhận.
Đường dây xuyên biên giới
Giống như nhiều phụ nữ trong đường dây đẻ thuê xuyên biên giới, Kew không biết gì về lệnh cấm mang thai hộ mà Thái Lan thông qua từ năm 2015. Điều duy nhất mà cô được biết là cô sẽ được chuyển tới một miền quê ở Campuchia để hoàn tất việc sinh nở và giao lại đứa bé cho những người hoàn toàn xa lạ.
Chính phủ Thái Lan đã quyết định siết chặt quản lý dịch vụ đẻ thuê sau vụ việc cặp vợ chồng Australia thuê một cô gái Thái Lan mang thai hộ với giá 15.000 USD và sau đó bỏ lại đứa con trai mắc bệnh Down, chỉ mang về nước đứa con gái song sinh khỏe mạnh.
Và khi những quốc gia trước kia từng là trung tâm của dịch vụ đẻ thuê của châu Á như Ấn Độ, Nepal hay Thái Lan gia tăng lệnh cấm, thời gian gần đây, Campuchia lại trở thành “thiên đường mới” của dịch vụ này.
“Với ngân sách có hạn, rất nhiều cặp vợ chồng nước ngoài không thể có con đã thử vận may tại Campuchia, đặc biệt là các cặp đôi đồng tính”, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Families Through Surrogacy (tạm dịch: Gia đình thông qua mang thai hộ) Sam Everingham lý giải.
Ông Sam Everingham từng theo dõi rất nhiều đường dây môi giới dịch vụ đẻ thuê buộc phải chuyển từ Thái Lan sang Campuchia. Nhiều phòng khám ở thủ đô Phnom Penh còn cung cấp dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm (IFV) và chuyển nhượng phôi thai. Ở giai đoạn phát triển bùng nổ nhất (năm 2016), Campuchia có tới 50 đại lý và cá nhân môi giới.
Mức giá trung bình của dịch vụ đẻ thuê ở Đông Nam Á giao động từ 10.000 – 33.000 USD/ca, rẻ hơn rất nhiều so với mức 90.000 - 150.000 USD tại Mỹ hay nhiều khu vực khác. Dù vậy, đây lại là khoản thu nhập “mơ ước” của nhiều gia đình ở miền quê Campuchia, đặc biệt là các gia đình đang lâm vào cảnh nợ nần do cờ bạc.
Khi nhu cầu về dịch vụ này ngày càng tăng, thông tin về những người phụ nữ “đẻ thuê xuyên biên giới” như Kew cũng thường xuyên được cập nhật và đăng tải công khai.
“Dịch vụ đẻ thuê vẫn là khái niệm hoàn toàn mới ở Campuchia. Vẫn chưa có chế tài nào đủ mạnh nhằm hạn chế dịch vụ này, khiến cho cả các cặp vợ chồng và người đẻ thuê đều không được bảo vệ”, ông Sam Everingham cảnh báo.
Chuyển địa bàn
Tuy nhiên, cuối năm ngoái, Bộ Y tế Campuchia đã bất ngờ thông qua sắc lệnh cấm dịch vụ đẻ thuê tại quốc gia này. Bà Phon Puthborey - Phát ngôn viên của Bộ Các vấn đề về Phụ nữ Campuchia cho hay, Chính phủ đang thảo luận để đưa ra những quy định mới, nhằm ngăn chặn tình trạng xâm phạm quyền lợi và bóc lột phụ nữ đẻ thuê.
Và để đối phó với tình hình mới, các đường dây đẻ thuê xuyên biên giới lại tìm cách lách luật và chuyển địa bàn. Thay thế cho Campuchia, Lào là đích nhắm tiếp theo của những công ty môi giới dịch vụ này. Từ tháng 11/2016, nhiều công ty từng hoạt động tại Thái Lan và Campuchia đã bắt đầu triển khai các dịch vụ IVF tại Vientiane (Lào).
Theo đó, quy trình lại lặp lại giống như tại Campuchia khi phôi thai sẽ được cấy vào cơ thể một phụ nữ Lào trước khi người này được chuyển đến Thái Lan hoặc một quốc gia trong khu vực để được chăm sóc suốt thai kỳ.
“Tình trạng ở Lào hiện nay cũng giống như Campuchia đầu những năm 2016, khi luật pháp vẫn còn lỏng lẻo và đời sống của người dân đa phần còn gặp nhiều khó khăn”, đại diện một tổ chức phi chính phủ tại Lào cho hay.