📞

Thiên đường du lịch Maldives chật vật bịt 'lỗ hổng' trong dịch Covid-19

07:06 | 20/06/2021
Quốc đảo Maldives đã mở cửa các khu nghỉ dưỡng để thu hút du khách, nhưng làn sóng đại dịch Covid-19 gia tăng gần đây lại làm lộ lỗ hổng y tế đáng lo ngại ở thiên đường du lịch này.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại trung tâm y tế Hulhumalé ở thủ đô Malé, Maldives. (Nguồn: New York Times)

Báo New York Times ngày 19/6 đưa tin, 59% dân số Maldive đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, nhưng quốc đảo này gần đây chứng kiến làn sóng lây nhiễm mới, gây thiệt hại nặng nề. Gần 50% trong tổng số 200 ca vong do Covid-19 của nước này được ghi nhận trong tháng 5.

Cơ sở điều trị Covid-19 lớn nhất ở Maldives có gần 300 giường bệnh và nguồn cung cấp oxy ổn định. Nhưng khi Maldives báo cáo tỷ lệ ca nhiễm cao nhất thế giới (tính theo đầu người) vào tháng trước, quốc đảo này lộ ra lổ hổng đáng lo ngại: cạn kiệt nguồn nhân viên y tế.

Mariya Saeed, người đứng đầu Cơ sở Y tế Hulhumalé ở thủ đô Malé, cho biết: "Ở thời điểm tệ nhất, một y tá thậm chỉ phải điều trị cho 20 bệnh nhân ở các khu bệnh viện nói chung".

Phụ thuộc vào nhân viên y tế nước ngoài

Đại dịch đã gây ra tình trạng thiếu nhân viên y tế trên khắp thế giới, buộc các chính phủ phải vào cuộc. Chẳng hạn như vào năm 2020, Tây Ban Nha đưa ra kế hoạch khẩn cấp nhằm tuyển dụng các sinh viên y khoa và các bác sĩ đã nghỉ hưu tham gia phòng chống dịch. Hồi tháng trước, tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đã yêu cầu các quan chức địa phương bắt đầu tuyển dụng sinh viên y khoa năm cuối.

Nhưng Maldives, một quần đảo gồm khoảng 1.200 hòn đảo ở Ấn Độ Dương, phải đối mặt với những thách thức khác thường. Nước này khó thu hút sinh viên y khoa bởi vì họ chỉ có duy nhất một trường đại học có khoa y. Vì vậy, hệ thống chăm sóc của nước này phụ thuộc phần lớn vào lao động nước ngoài. Trong đó, nhiều bác sĩ và y tá làm việc ở nước này đến từ Ấn Độ, một quốc gia đang đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh khổng lồ.

"Chúng tôi đã trao đổi với các nước như Bangladesh và Ấn Độ về việc tuyển dụng bác sĩ và y tá của họ", Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih nói với các phóng viên hồi tháng trước nói. "Nhưng họ cũng lắc đầu do cũng đang phải gồng mình chống chọi đại dịch kinh hoàng", ông nói thêm.

Khi số ca bệnh mới tăng lên đến 1.500 ca mỗi ngày hồi tháng 5, hàng trăm bệnh nhân Covid-19 đã đến cơ sở y tế Hulhumalé. Mặc dù mới được xây dựng từ năm 2020 với mục đích điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nhưng cơ sở này - gồm 16 bác sĩ và 89 y tá - vẫn chưa sẵn sàng.

"Chúng tôi luôn trong tâm thế chuẩn bị cho làn sóng Covid-19 mới nguy hiểm hơn nhưng dịch xuất hiện đột ngột và lớn thế này thì thật quá bất ngờ", Nazla Musthafa, cố vấn y tế chính phủ, cho biết.

Đứng trước tình hình khẩn cấp như thế này, trường y thuộc Đại học Quốc gia Maldives - thành lập vào năm 2019 với tổng số 115 sinh viên - đã gửi hàng chục sinh viên y tế và điều dưỡng đến hỗ trợ các cơ sở y tế ở Malé. Chính phủ cũng kêu gọi các y tá nghỉ hưu và những tình nguyện viên không có kinh nghiệm tham gia chống dịch.

Thực tế này cho thấy sự phụ thuộc lớn của quốc đảo này vào nhân viên y tế nước ngoài, một vấn đề mà chính phủ đảo quốc này nắm rõ ngay cả trước khi xảy ra đại dịch. Vào năm 2018, chỉ 20% trong số 900 bác sĩ và hơn 50% trong số gần 3.000 y tá của Maldives là dân trong nước, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng chăm sóc sức khỏe, một báo cáo của chính phủ cho biết.

Chủ tịch Viện Di cư và Phát triển Quốc tế có trụ sở tại miền Nam Ấn Độ, S Irudaya Rajan cho rằng: "Maldives cần một chiến lược tốt hơn nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung cấp bác sĩ và y tá nước ngoài như tài trợ cho sinh viên y khoa Ấn Độ sinh sống học tập ở Ấn Độ và yêu cầu họ làm việc ở Maldives trong vài năm sau khi tốt nghiệp".

Maldives đã mở cửa thu hút du khách quốc tế quay trở lại, nhưng giờ đây lại đối mặt làn sóng đại dịch mới nguy hiểm hơn. (Nguồn: Twitter)

Mối lo khủng hoảng tiếp theo

Maldives, một quốc gia đa số theo đạo Hồi với dân số khoảng 540.000 người, từng tự coi mình là một hình mẫu ứng phó với đại dịch cho các quốc gia nhỏ.

Nỗ lực truy vết và dựa vào địa hình đảo để làm chậm bùng phát dịch bệnh, chính phủ nước này đã hạn chế lây lan và duy trì các hoạt động trong nước cũng như thu hút du khách quốc tế quay trở lại các khu nghỉ dưỡng sang trọng, trụ cột của nền kinh tế đất nước. Vào tháng 4, các lễ hội Ramadan và các cuộc bầu cử hội đồng toàn quốc vẫn diễn ra như thường lệ.

Marjan Montazemi, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Maldives, cho biết nhiều người dân ở thủ đô Malé hiện có người thân trong đại gia đình đã qua đời vì dịch bệnh. "Vì những con số tử vong không lớn như ở các quốc gia khác dịch bệnh không thu hút sự chú ý. Nhưng đối với Maldives, điều đó là khá khó khăn", bà nói.

Các quan chức Maldives chưa xác nhận các biến chủng virus ảnh hưởng như thế nào đến đợt bùng phát mới nhất, nhưng các bác sĩ địa phương cho biết, biến thể Delta - được phát hiện lần đầu tiên ở nước láng giềng Ấn Độ, có thể đóng một vai trò nào đó.

Theo các chuyên gia, nhiều quốc gia khác như Ireland, Israel và New Zealand, cũng phụ thuộc rất nhiều vào nhân lực y tế nước ngoài. Nhưng không giống như các nước này, Maldives không có tiềm lực kinh tế mạnh. Điều đó có nghĩa là Maldives không thể cạnh tranh với các nước giàu để thu hút các bác sĩ và y tá nước ngoài, đặc biệt là thời kỳ đại dịch khiến lực lượng y tế của hầu hết mọi quốc gia đều bó tay.

(Theo Dân trí)