📞

Thiết bị giúp biết kết quả xét nghiệm Covid-19 trong vòng 30 giây

Hoàng Châu 14:14 | 13/04/2022
Trong các nghiên cứu với mẫu xét nghiệm ở người, các nhà khoa học cho biết, tỷ lệ chính xác của thiết bị này lên đến 90%, tương đương độ chính xác của xét nghiệm PCR và cao hơn các bộ xét nghiệm nhanh.
Các nhà khoa học Mỹ vừa sáng chế ra thiết bị có thể cho kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 chính xác chỉ trong 30 giây. (Nguồn: ctsi.ufl.edu)

Các nhà khoa học thuộc Đại học Florida (Mỹ) vừa sáng chế ra thiết bị có thể cho kết quả xét nghiệm Covid-19 chính xác chỉ trong 30 giây. Sản phẩm được đánh giá là rất tiện lợi trong trường hợp lấy mẫu sàng lọc Covid-19 tại các sự kiện lớn hoặc sân bay.

Các nhà khoa học cho biết, thiết bị cho kết quả xét nghiệm tương đương với xét nghiệm PCR - vốn chỉ được tiến hành trong phòng thí nghiệm và có thể mất đến 24 giờ hoặc vài ngày mới cho ra kết quả. Không chỉ vậy, nó còn giúp tiết kiệm chi phí.

Thiết bị xét nghiệm mẫu nước bọt lấy bằng que thử giống với loại dùng để xét nghiệm glucose, song có chất hóa học khác. Que thử sau đó sẽ đưa ra tín hiệu đối với thiết bị bán dẫn và cho ra kết quả trong vòng 30 giây.

Trong các nghiên cứu với mẫu xét nghiệm ở người, các nhà khoa học cho biết, tỷ lệ chính xác của thiết bị này lên đến 90% - tương đương độ chính xác của xét nghiệm PCR và cao hơn các bộ xét nghiệm nhanh, thường mất khoảng 10-15 phút để cho ra kết quả.

Các nhà khoa học tin tưởng, chiếc máy nhỏ chạy bằng pin này có thể được dùng để phát hiện các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn ở nhiều mức độ, như ung thư hay đau tim và đặc biệt có thể giúp cắt giảm chi phí xét nghiệm trong ngành y tế.

Không chỉ vậy, thiết bị cảm biến được đánh giá là có tiềm năng lớn, thậm chí có thể cải tiến hoàn toàn cách thức xét nghiệm bệnh vốn được áp dụng đến nay.

Hiện, các nhà nghiên cứu của Đại học Florida đang hợp tác với các nhà nghiên cứu khác tại Đại học Yang Ming Chiao Tung ở Đài Loan (Trung Quốc) và có hợp đồng sử dụng giấy phép với công ty Houndstoothe Analytics ở New Jersey, để sản xuất thiết bị trên.

Các nhà nghiên cứu đang chờ sự chấp thuận từ Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).

(theo TTXVN)