📞

Thiếu điện, nhiều quốc gia Trung Đông chìm trong nắng nóng và bất ổn

Minh Vương 08:00 | 27/07/2021
Tình trạng thiếu điện trầm trọng giữa các đợt nắng nóng kỷ lục khiến hàng chục triệu hộ gia đình và doanh nghiệp tại Trung Đông rơi vào cảnh khó khăn.
Một người đàn ông châm cigar bằng nến trong lúc bị cắt điện tại Beirut, Lebanon ngày 10/7. (Nguồn: AFP)

Khó khăn chung

Tại Iran, thiếu hụt năng lượng là nguyên nhân đằng sau nhiều cuộc tuần hành tại một số thành phố lớn, khiến Tổng thống Hassan Rouhani phải lên tiếng xin lỗi. Các hoạt động tương tự cũng diễn ra tại Khuzestan, một tỉnh phía Tây Nam Iran nhằm phản đối tình trạng thiếu nước. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân đã khiến ít nhất 8 người thiệt mạng.

Thiếu điện cũng xảy ra tại nhiều thành phố khắp Iraq, sau khi chính quyền Baghdad chưa thể thanh toán khoản tiền điện và buộc Tehran phải tạm ngưng cung cấp điện như thỏa thuận trước đó. Theo AP, 4 đường dây truyền tải điện lớn giữa hai bên đã không hoạt động từ cuối tháng 6.

Ở Syria, mất điện đã là câu chuyện thường ngày. Có người cho rằng việc cắt điện ít xảy ra hơn tại thủ đô Damascus và vùng lân cận, cũng như khu vực ven biển do phe ủng hộ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad kiểm soát.

Tuy nhiên, phần còn lại không may mắn như vậy. Tại Bắc Damascus, người dân phàn nàn nhiều tháng nay rằng khu vực họ ở bị mất điện tới 20 tiếng/ngày. Tại Aleppo, tờ báo thân chính phủ Al-Watan cho biết thời gian cắt điện có thể kéo dài tận 8 tiếng/ngày.

Trong khi đó, tại Beirut, người dân đã dần quá quen với lịch cắt điện 3 tiếng/ngày. Ngành năng lượng Lebanon đã không thể cung cấp đủ điện trong 24 tiếng liên tục cho người dân kể từ khi nội chiến kết thúc năm 1990. Thậm chí, đôi lúc người dân còn chẳng biết điện sẽ bị cắt lúc nào.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế đang bên bờ vực sụp đổ, tình hình càng trở nên bi đát hơn. Giờ đây, Lebanon thậm chí không đủ tiền mua nhiên liệu. Hầu như mọi nguồn năng lượng của quốc gia này đều đến từ máy phát điện chạy dầu. Trang chủ công ty điện quốc gia cũng ngừng hoạt động.

Học giả Jessica Obeid tại Viện Nghiên cứu Trung Đông có trụ sở tại Washington nhận định thực trạng thiếu hụt năng lượng tại Trung Đông đang trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng cao. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề lại nằm ở công tác hoạch định, quản lý yếu kém và thiếu sự đầu tư vào hạ tầng cung cấp năng lượng của các quốc gia này trong nhiều năm qua.

Mạng lưới điện tại nhiều quốc gia Trung Đông đã lạc hậu và trở nên quá tải trong thời gian qua - Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Hệ quả nghiêm trọng

Thiếu điện kéo dài trong bối cảnh các đợt nắng nóng đỉnh điểm có thể để lại hệ quả khó lường cho một số quốc gia ở khu vực Trung Đông.

Đầu tiên, tình trạng này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng chục triệu gia đình và hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Đơn cử như tại Baghdad, các chủ doanh nghiệp than phiền rằng việc thiếu điện đã gây khó khăn chưa từng có, buộc họ phải dành tới hàng nghìn USD chi trả cho các máy phát điện tư nhân.

Ông Abdulkarim al-Zoubi, chủ một cửa hàng nước ép hoa quả nhỏ chia sẻ: “Thiếu điện, chúng tôi sẽ mất tất cả. Hoa quả không được bảo quản sẽ thối rữa. Do đó, chúng tôi phải làm mọi giá để có năng lượng. Bằng không, nơi này sẽ buộc phải đóng cửa”.

Thêm vào đó, thiếu hụt năng lượng trầm trọng và kéo dài tại các bệnh viện khiến các nỗ lực cấp cứu, thậm chí là chống dịch Covid-19 trở nên khó khăn hơn.

Đầu tháng 6, một người đàn ông Iran 62 tuổi, mắc bệnh về phổi được cho là đã chết sau khi máy thở ngừng hoạt động do lệnh cắt điện kéo dài 7 tiếng tại ngoại ô Tehran.

“Thiếu điện, chúng tôi sẽ mất tất cả. Hoa quả không được bảo quản sẽ thối rữa. Do đó, chúng tôi phải làm mọi giá để có điện. Bằng không, nơi này sẽ buộc phải đóng cửa.”

Tương tự, trong một đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, bác sĩ cấp cứu Mohamadreza Hashemian cho biết ông đã từng chứng kiến bệnh nhân trong Phòng điều trị tích cực tử vong sau khi máy thờ ngừng hoạt động vì thiếu điện. Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã phủ nhận thông tin này.

Thiếu điện trong điều kiện nắng nóng gay gắt cũng ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người. Nhiệt độ tại nhiều khu vực ở Trung Đông mùa hè này có lúc đạt 50 độ C, với Iran là 51 độ C. Các đợt nắng nóng kỷ lục này được cho là có liên quan tới cái chết thương tâm của nhiều trẻ em tại Lebanon và Iran.

Tuy nhiên, tìm kiếm giải pháp cho tình trạng thiếu điện là câu chuyện không hề đơn giản.

Trong bối cảnh mạng lưới điện nhiều nơi tại Trung Đông đang trở nên quá tải, cả các cơ quan nhà nước tới hộ gia đình đành phải dựa vào các máy phát điện tư nhân.

Song theo giới chuyên gia, những cỗ máy phát điện tự chế, chạy bằng dầu Diesel thường có hiệu năng thấp song lại sản sinh nhiều khói độc, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của các công nhân vận hành.

Theo các nhà hóa học tại Đại học American ở Beirut, sự phụ thuộc hoàn toàn của Lebanon vào các máy phát điện này để cung cấp năng lượng đủ 24 giờ/ngày đang khiến bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng.

Với tình hình trên, ước tính mỗi năm, Lebanon ghi nhận thêm 550 trường hợp ung thư và 3.000 ca tim mạch, gánh thêm chi phí khổng lồ về chăm sóc sức khỏe cùng các vấn đề liên quan lên tới 8 triệu USD.

Tìm kiếm giải pháp cho vấn đề thiếu điện sẽ là bài toán cấp bách cho các quốc gia Trung Đông trong thời gian tới.

(theo The Washington Post)