Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu ngày 23/10. (Nguồn: Reuters) |
Cuối tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao nước này trục xuất 10 nhà ngoại giao phương Tây kêu gọi trả tự do cho ông Osman Kavala, nhân vật bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 4 năm qua do cáo buộc đứng đằng sau một số biểu tình lớn chống ông Erdogan năm 2013.
Sau tuyên bố gây sốc này, các Đại sứ quán có người nằm trong danh sách nêu trên gồm Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, New Zealand và Mỹ đều có phản ứng.
Ngay trước cuộc gặp của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này tối 25/10, Đại sứ quán Mỹ tại Ankara khẳng định vẫn tiếp tục tuân thủ Điều 41 của Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao, theo đó phái bộ ngoại giao không can thiệp công việc nội bộ nước sở tại. Canada, Hà Lan, New Zealand có tuyên bố tương tự. Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan bày tỏ sự hưởng ứng. Pháp, Đức vẫn chưa có phản ứng chính thức.
Tổng thống Tayyip Erdogan hoan nghênh tuyên bố trên, cho rằng “họ đã phải lùi bước trước sức ép” của chúng ta. Ông cho biết: “Chúng tôi không muốn tạo ra khủng hoảng. Đại sứ quán 10 nước đã xuống thang khi tuyên bố tuân thủ Công ước Vienna. Chúng tôi hy vọng từ nay các đại sứ sẽ hành động theo đúng cam kết”.
Vậy đâu là lý do khiến phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ lùi bước?
Không gì khác ngoài lợi ích.
Đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ tiếp tục tuân thủ Điều 41 Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao. (Nguồn: Middle East Online) |
Lợi ích chi phối
Giới chuyên gia cho rằng nếu lời đe dọa trước đó trở thành sự thực, nó sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Sinan Ulgen, nhà phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Ngoại giao tại Istanbul, nhận định Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp để cả hai vừa lòng: “Nếu lời đe dọa thành hiện thực, nhiều nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) có thể rút Đại sứ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ để thể hiện tình đoàn kết với Pháp và Đức”.
EU nói chung và Đức nói riêng là đối tác quan trọng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Kim ngạch thương mại giữa Ankara và Berlin năm 2020 lên tới 36,6 tỷ USD, với hơn 7.000 doanh nghiệp Đức đầu tư ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện có gần 1,5 triệu công dân Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như 1,5 triệu người Đức gốc Thổ sinh sống và làm việc ở Đức. Ankara cũng đã nỗ lực để trở thành một phần của khối này.
Do đó, căng thẳng với các nước châu Âu sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế và vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, ông Soner Cagaptay, chuyên gia ở Viện Nghiên cứu Washington về Chính sách Cận Đông nhận định trong vài tháng qua, Tổng thống Tayyip Erdogan đã thực hiện “ngoại giao lôi kéo” nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, kích thích tăng trưởng trong bối cảnh đồng Lira mất giá.
Theo đó, trong gần một năm qua, Ankara duy trì thái độ hòa hoãn hơn trong hợp tác với châu Âu và Washington. Nhà phân tích này nhận định, ông Erdogan muốn xây dựng mối quan hệ tốt với người đồng cấp Mỹ Joe Biden, củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.
Không sai nếu nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng trong hợp tác về kinh tế, đảm bảo an ninh và ổn định chính trị cho EU. |
Tính đến hiện tại, nỗ lực của ông Erdogan chưa hiệu quả. Ông từng bày tỏ sự thất vọng sau cuộc gặp với ông Biden bên lề họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại New York cuối tháng 9.
Tuy nhiên, ông sẽ có một cơ hội khác: Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Tổng thống Erdogan dự kiến gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden nhân Thượng đỉnh G20 tại Rome ngày 30/10, thảo luận về cải thiện quan hệ song phương, thúc đẩy hợp đồng mua 40 máy bay chiến đấu F-16 Block 70 hiện đang gặp lực cản từ Quốc hội Mỹ.
Giảm căng thẳng ngoại giao với đại diện của Mỹ tại Ankara vì thế sẽ tạo không khí tích cực cho cuộc gặp quan trọng tới giữa hai lãnh đạo.
Tương tự, phương Tây đạt được nhiều lợi ích trong duy trì quan hệ ngoại giao tốt với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara không chỉ là đối tác kinh tế lớn của EU và thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà còn là nhân tố then chốt xử lý khủng hoảng người nhập cư của EU.
Ngoài ra, nước này còn là cầu nối quan trọng giữa châu Âu với Nam Á, khu vực có tình hình chính trị - an ninh diễn biến ngày một phức tạp sau khi Mỹ rút quân và Taliban nắm quyền kiểm soát trở lại tại Afghanistan.
Do đó, không sai nếu nói Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng trong hợp tác kinh tế, đảm bảo an ninh và ổn định chính trị cho EU.
Căng thẳng song phương sẽ tác động tiêu cực đến lợi ích của cả hai bên. Vì thế, cả Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã chủ động hạ nhiệt, tìm cách tháo gỡ bất đồng thay vì tiếp tục đối đầu trong vấn đề này.
Lùi một bước, lợi cả đôi bên là vậy.
| Các nước phương Tây 'dập lửa', Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục 'đe nẹt', Mỹ ra cam kết Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và 10 nước phương Tây có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi đại sứ quán của những quốc gia ... |
| Sau 'đại chiến' 10 nước phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ gánh đòn đau đầu tiên Ngày 25/10, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã rớt giá xuống mức thấp kỷ lục sau khi cuối tuần qua, Tổng thống nước này ... |