Lái chiếc xe đa dụng hiệu Chevy, người đàn ông hướng thẳng tới bờ biển, nơi mọi người đang cố tìm cách tránh xa khỏi những cơn giận dữ của thiên nhiên.
Thực vậy, mỗi khi có thiên tai như bão, lũ, sóng thần, Mark Sudduth lại chuẩn bị đồ nghề lao vào những nơi nguy hiểm nhất, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất để chụp ảnh, quay phim, đo đạc các dữ liệu khí tượng, rồi qua đó, gửi thông tin cập nhật nhất cho các hãng thông tấn và các chuyên gia khí tượng thuỷ văn. Những hình ảnh Sudduth ghi được là thông tin quý giá để các nhà khoa học tìm hiểu bản chất của những hiện tượng thiên nhiên. Sudduth tâm sự: "Bão càng mạnh và càng nhiều phóng viên phải lánh đi thì những hình ảnh mà tôi ghi được càng quan trọng".
Ngay từ nhỏ, Sudduth đã mải mê theo dõi những cơn bão vốn chẳng bao giờ hiếm ở bờ biển quê hương Bắc Carolina. Năm 1996, đúng thời điểm bão Bertha đổ vào nước Mỹ, anh lập văn phòng đầu tiên chuyên đi săn bão. Tới nay, những đoạn phim anh quay được đã xuất hiện rất nhiều trên CNN và các hãng truyền hình lớn thế giới.
Trong nghề này, rủi ro và tai nạn song hành với thành công. Năm 2004, khi đang quay bão Charley đổ vào cảng Charlotte (bang Florida), Sudduth và một đồng nghiệp đã bị mắc kẹt trong ôtô và bị gió lốc hơn 230km/giờ lôi xềnh xệch suốt nhiều giờ. Một tháng sau, khi cơn bão Ivan ập vào, Sudduth lại được chứng kiến chiếc xe Isuzu của mình bị thổi tung lên trời. Nói chung, nguy hiểm chẳng bao giờ hết với những thợ săn bão liều mạng như Sudduth. Thế nhưng, như anh nói, "Tôi yêu công việc này, tôi thích mạo hiểm. Thà ở đây 1 phút còn hơn ở nhà xem truyền hình 15 tiếng mỗi ngày".
Tất nhiên, sự mạo hiểm của Sudduth không phải là mù quáng. Công việc của anh được giảm nhẹ bởi các phương tiện hiện đại. Trước đây, Sudduth phải mang máy quay tới sát khu vực bão để ghi hình và chỉ rút lui khi nguy hiểm đã cận kề. Năm 2005, thời gian khi bão Katrina chuẩn bị ập vào New Orleans, anh đã chế tạo một hệ thống camera điều khiển từ xa. Nhờ đó, anh có thể quay những đoạn video ngay trong những cơn lốc xoáy khi cơn bão đổ vào đất liền.
Hệ thống này gồm 2 máy quay phân giải cao nối với một hộp bằng cáp dài 20m. Trong hộp là 1 đầu ghi video chạy băng từ vì băng từ ít bị hỏng do nước biển hơn là file số hoá. 1 máy quay được nối với đầu ghi, máy kia nối với 1 máy tính xách tay qua bluetooth. Cả 2 máy đều được treo trên các cột vững chắc hoặc toà nhà cao tầng hướng về phía bão. Với chiếc máy tính xách tay, từ xa, Sudduth có thể thu hàng giờ liên tục truyền hình trực tiếp các diễn biến của bão. Đầu ghi còn lại trên bãi biển có tác dụng lưu giữ dữ liệu. Nhờ có thiết bị mới này, Sudduth đã ghi được nhiều hình ảnh có giá trị trong cơn bão Katrina năm 2005 và những cơn bão gần đây Gustav, Hanna và Ike.
Một ngày trước khi bão Ike tấn công bờ biển Texas, Sudduth và đồng nghiệp Mike Watkins đã có mặt ở đây chuẩn bị tác nghiệp. Và chỉ sau đó ít ngày, những hình ảnh ghi lại cơn cuồng phong Ike của Sudduth đã xuất hiện trên màn ảnh cả nước Mỹ. Có lẽ, cuộc đời 1 phóng viên, không ai lại không muốn được như thế.
Tuấn Minh (Theo AP, CNN)