📞

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Thế kẹt của người cầm trịch

Tiến Thành 10:10 | 04/12/2021
Dù coi mình là người cầm trịch trong các thỏa thuận hạt nhân với Iran nhưng xem ra Mỹ lại đang trong thế kẹt.
Để hồi sinh JCPOA, Washington phải đàm phán trực tiếp với Tehran. (Nguồn: DW)

Vẫn như các lần trước, Iran kiên quyết không ngồi thảo luận song phương với Mỹ trong khuôn khổ đàm phán vừa diễn ra tại Vienna, Áo, nhằm nối lại thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) ký giữa Iran với Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức.

Kể từ khi đơn phương rút khỏi JCPOA năm 2018, tất cả thông điệp mà Mỹ muốn truyền tải đều phải qua các kênh trung gian, chủ yếu là ba đồng minh Anh, Pháp, Đức. Tuy nhiên, so với Nga và Trung Quốc, những nước không đồng tình với việc Mỹ rút khỏi JCPOA, vị thế của các nước này không cho phép họ có quá nhiều tiếng nói.

Để hồi sinh JCPOA, Washington phải đàm phán trực tiếp với Tehran. Nhưng điều tưởng đơn giản này lại không dễ dàng. Iran cho rằng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trước nên Mỹ là người vi phạm. Muốn ngồi lại bàn khôi phục JCPOA thì trước hết Washington phải đơn phương dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Tehran để thể hiện thiện chí.

Có điều, chấp nhận yêu sách của Iran thì chẳng khác nào thừa nhận mình ở thế yếu. Thêm vào đó, các điều khoản mà Mỹ áp đặt với Iran kể từ khi rút khỏi JCPOA đâu có ít, tính ra tới hơn 1.000 lệnh các loại. Phải rà soát rồi xem bỏ từng bước thế nào cho tương xứng với động thái từ phía Iran, rồi lại phải kiểm tra xem Iran đã làm gì trong thời gian phá bỏ thỏa thuận,…

Chính trường Mỹ chắc cũng không dễ để yên cho ông Joe Biden thoải mái hành động. Hầu hết các nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối JCPOA vì cho rằng thỏa thuận này còn nhiều “lỗ hổng”, có thể giúp Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2022 đã cận kề. Bất cứ nhượng bộ nào của ông Joe Biden cũng có nguy cơ bị phe Cộng hòa lợi dụng, khiến đảng Dân chủ của ông mất ghế.

Đâu phải cứ mạnh là dễ cầm trịch.