Từ trái sang: Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Arabia Musaad bin Mohammed al-Aiban, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani tại cuộc họp tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 6/3. (Nguồn: CNN) |
Chiến thắng cho Iran?
Theo báo chí Israel, việc Iran và Saudi Arabia ký thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao trong vòng 2 tháng tới, dưới sự kết nối của Trung Quốc, đã giáng đòn mạnh vào tham vọng của Israel trong việc thiết lập một liên minh chiến lược khu vực để chống lại Iran.
Tờ Haaretz nhận định “giấc mơ của Israel thành lập một liên minh Arab chống Iran đã tan thành mây khói”. Thông tin về thỏa thuận giữa Iran và Saudi Arabia có thể vẽ lại “bản đồ bạn-thù” trong khu vực, đồng thời tạo ra những tác động toàn cầu.
Thỏa thuận hòa bình với Saudi Arabia mang lại cho Iran tính hợp pháp tối cần thiết trong thế giới Arab và có thể mở đường cho các thỏa thuận tiếp theo với các quốc gia Arab khác như Ai Cập, chấm dứt chiến tranh ở Yemen, dẫn tới một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng ở Liban và thậm chí sẽ giúp nối lại đàm phán khôi phục Thỏa thuận Hạt nhân Iran 2015.
Ngoài ra, thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran sẽ buộc Mỹ phải đánh giá lại vị thế của mình trong khu vực Trung Đông, bởi nó cho thấy, chính Bắc Kinh chứ không phải Washington hay Moscow có khả năng dàn xếp "mớ hỗn độn" trong khu vực xưa nay vẫn thuộc ảnh hưởng của Mỹ.
Theo Times of Israel, thông báo bất ngờ của Saudi Arabia về việc nối lại quan hệ với Iran đã tạo ra một rào cản mới đầy phức tạp trên hành trình mở rộng quan hệ ngoại giao của Israel với thế giới Hồi giáo.
Đây là một cú sốc đối với chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã công khai mục tiêu đưa Saudi Arabia vào liên minh khu vực chống Iran.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng tỏ ra thận trọng khi nhận định về những tác động thực chất của diễn biến mới trong hai cặp quan hệ Saudi Arabia-Iran và Saudi Arabia-Israel.
Chuyên gia quan hệ quốc tế theo dõi về Saudi Arabia, ông Aziz Alghashian cho rằng, Riyadh không quá coi trọng vai trò của Israel trong một mặt trận tiềm năng chống Iran.
Chuyên gia này giải thích: “Saudi Arabia hiếm khi hành động dựa trên quan điểm ‘kẻ thù của kẻ thù là bạn’, đặc biệt là trong các vấn đề chiến lược. Thông tin mới nhất cho thấy rõ ràng Saudi Arabia ưu tiên quan hệ với Iran hơn là quan hệ ngầm với Israel”.
Tuy nhiên, ông Alghashian nói thêm điều này không có nghĩa là các hoạt động hợp tác không công khai giữa Saudi Arabia và Israel sẽ dừng lại. Việc nối lại quan hệ với Iran chỉ là một biến số mới trong toan tính của Saudi Arabia.
Là quốc gia biểu tượng của thế giới Hồi giáo, Saudi Arabia sở hữu 2 địa điểm linh thiêng nhất bao gồm thánh địa Mecca và Medina. Bất chấp tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Hồi giáo Vùng Vịnh đang diễn ra mạnh mẽ với các Hiệp định Abraham, lâu nay Riyadh vẫn tuyên bố điều kiện tiên quyết để nước này tham gia với Israel là thực hiện giải pháp “hai nhà nước trong vấn đề Palestine”.
Mặt khác, trên thực tế Saudi Arabia vẫn đang mở hé các cánh cửa hợp tác với Israel như việc mở cửa bầu trời cho các chuyến bay thương mại, cho phép phóng viên Israel sang đưa tin nhân chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho phép tổ chức các diễn đàn hợp tác kinh tế.
Gần đây, Riyadh còn tiếp cận Washington đề xuất sẽ tham gia Hiệp định Abraham nếu Mỹ cam kết hỗ trợ chương trình hạt nhân dân sự.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bạo lực gia tăng với người Palestine ở Bờ Tây sau khi chính phủ mới tại Israel lên nắm quyền đã khiến tình hình thay đổi, Saudi Arabia không còn động lực sớm bình thường hóa quan hệ với Israel.
Hơn nữa, chuyên gia Brian Katulis tại Viện Trung Đông ở Washington cho rằng, việc Saudi Arabia-Iran nhất trí nối lại quan hệ có thể khiến khoảng cách giữa Israel và Saudi Arabia thêm nới rộng nếu như tới đây có thêm nhiều "quả ngọt" được sinh ra từ thỏa thuận này.
Biết đâu sẽ tốt cho tất cả
Theo chuyên gia Nicholas Heras tại Viện Chiến lược và chính sách New Lines, việc giành được thỏa thuận với Saudi Arabia là “một chiến thắng ngoại giao hiển nhiên với Iran". Ông Heras nhận định, Saudi Arabia đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng là chính phủ và người dân Israel không thể có sự ủng hộ của Riyadh nếu muốn tấn công quân sự Iran, ở bất cứ nơi nào trong khu vực.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng không quá bi quan về những hậu quả với Israel sau thỏa thuận Saudi-Iran.
Chuyên gia Fatima Abo Alasrar, hiện đang cộng tác tại Viện Trung Đông (Washington) đánh giá rằng thỏa thuận Iran-Saudi Arabia khá hẹp, chỉ tập trung vào các vấn đề cụ thể như mở lại sứ quán, nối lại hợp tác thương mại và an ninh khi bị tấn công.
Việc tỏ thái độ thiện chí với Iran cũng có thể được xem là một phần của nỗ lực lớn hơn của Saudi Arabia tìm cách hàn gắn quan hệ với Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ - hai quốc gia gần đây đang đứng về phía Iran.
Nếu coi đây là một xu thế thân thiện hóa giữa các quốc gia trong khu vực, thì thậm chí thỏa thuận Saudi-Iran còn có lợi cho Israel. Chuyên gia nghiên cứu về Saudi Arabia, ông Eyad Alrefai nhận xét: “Thỏa thuận này sẽ tạo ra một động lực có thể thúc đẩy khu vực chuyển động tới một tương lai hiểu biết, tôn trọng và hợp tác với nhau. Trong một môi trường như vậy, các quốc gia đều sẽ có lợi, mà chủ yếu là Israel”.
|