(Từ trái sang phải) Các Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian (Iran), Tần Cương (Trung Quốc) và Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud (Saudi Arabia) tại cuộc gặp ngày 6/4 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 6/4, các nhà ngoại giao hàng đầu của Saudi Arabia và Iran đã có mặt tại Bắc Kinh để hoàn tất thỏa thuận liên quan tới mở lại đại sứ quán, nối lại các chuyến bay trực tiếp giữa hai quốc gia, tái khởi động các thỏa thuận an ninh và thương mại song phương. Thành công trong thúc đẩy tiến trình bình thường hóa giữa hai quốc gia này cho thấy Bắc Kinh ngày càng muốn khẳng định vai trò của cường quốc toàn cầu, chứ không chỉ là “người khổng lồ” trong khu vực.
Không ít nhà phân tích và quan chức lo ngại rằng, Bắc Kinh đang lấp đầy khoảng trống Washington để lại ở khu vực Trung Đông. Tuy nhiên đến lúc này, phản ứng từ chính quyền của Tổng thống Joe Biden lại cho thấy một câu chuyện khác. Washington được cho là “thản nhiên” trước đột phá của Bắc Kinh tại khu vực Trung Đông. Một số khác nhận định Mỹ dường như đã “thở phào nhẹ nhõm” khi trút bớt gánh nặng. Đâu là lý do cho thái độ “lạ” này?
Không phải “trò chơi có tổng bằng không”
Thượng nghị sĩ Chris Murphy của đảng Dân chủ tại bang Connecticut, người đứng đầu tiểu bang Trung Đông của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhận định: “Không phải bất cứ điều gì giữa Mỹ và Trung Quốc đều là trò chơi có tổng bằng không”. Với ông, quan hệ Riyadh-Tehran được cải thiện đồng nghĩa với ít xung đột hơn và khiến Mỹ khó bị lôi kéo vào các cuộc đối đầu tại khu vực từng là “chảo lửa” này.
Số khác cho rằng, sự tham gia nhiều hơn của Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu giúp Mỹ chú trọng vào các ưu tiên an ninh quốc gia, bao gồm hỗ trợ Ukraine và vấn đề Đài Loan. Nó cũng giúp chính quyền của ông Biden sớm hoàn thành mục tiêu kết thúc nội chiến kéo dài tám năm tại Yemen.
“Không phải bất cứ điều gì giữa Mỹ và Trung Quốc đều là trò chơi có tổng bằng không.” - Thượng nghị sỹ Chris Murphy, tiểu ban Trung Đông-châu Phi của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhận định về thỏa thuận Saudi Arabia-Iran do Trung Quốc làm trung gian. |
Đó là chưa kể tới việc dù có muốn, chính quyền Mỹ cũng không thể đóng vai trò trung gian cho tiến trình này do Washington không có quan hệ ngoại giao với Tehran. Ông Martin Indyk, cựu đặc phái viên về đàm phán Israel-Palestine năm 2013-2014 phân tích: “Mỹ nên coi việc Trung Quốc làm trung gian hòa giải giữa Saudi và Iran là lợi ích cho cả đôi bên... bởi nếu thỏa thuận thất bại, Bắc Kinh sẽ phải chịu trách nhiệm và bước đột phá của nước này vào ngoại giao vùng Vịnh sẽ trở nên vô ích”.
Theo một trợ lý giấu tên của các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, sau khi nghe tóm tắt về thỏa thuận giữa Saudi Arabia-Iran, các nhà lập pháp Mỹ đã có nhiều ý kiến trái chiều. Một mặt, thỏa thuận sẽ làm giảm nguy cơ leo thang hạt nhân và xung đột trong khu vực. Mặt khác, cơ hội này đem đến cho Trung Quốc nhiều ảnh hưởng và vị thế ở Trung Đông, nơi Bắc Kinh chưa bao giờ là một thế lực chính trị.
Ngoài ra, việc Trung Quốc đảm nhiệm vai trò trung gian trong thỏa thuận Saudi Arabia-Iran không đồng nghĩa với việc Mỹ tự rút khỏi Trung Đông. Hiện Bắc Kinh mới chỉ tham gia vào một khía cạnh của chính trị khu vực, chứ không soán ngôi của Washington.
Trên khía cạnh khác, Mỹ đang hợp tác với Saudi Arabia để bình thường hóa quan hệ với Israel, phối hợp trong các hoạt động an ninh hàng hải, không gian mạng, phát triển cơ sở hạ tầng và viễn thông. Mỹ vẫn gửi hàng tỷ USD vũ khí, cùng lực lượng đồn trú 3.000 người để bảo đảm an ninh cho Riyadh trước các mối đe dọa khu vực.
Bất chấp ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Trung Đông cùng mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Bắc Kinh và Riyadh, Mỹ vẫn có vai trò bảo đảm an ninh quan trọng tại Saudi Arabia với nhiềukhí tài quan trọng, bao gồm hệ thống Patriot (ảnh). (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Món hời hay tổn thất?
Công bằng mà nói, vai trò của Trung Quốc trong thỏa thuận vẫn khiến Mỹ và thế giới ngạc nhiên. Nó chứng minh rằng Trung Quốc sẵn sàng tăng cường quan hệ với các đối tác ở xa như Iran và “ấp ủ” một kế hoạch dài lâu vì lợi ích ở khu vực này.
Một quan chức Trung Đông giấu tên cho biết: “Mỹ được cho là đang rời khỏi Trung Đông, Trung Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống đó… và giành chiến thắng tại đây”.
Trong khi đó, một trợ lý đảng Cộng hòa Mỹ nhận định, thỏa thuận Saudi Arabia-Iran do Trung Quốc thúc đẩy “không phải vấn đề lớn”. Song Bắc Kinh đang tranh thủ sự rút lui của Washington và “sẽ có nhiều nước khác tận dụng sự vắng mặt của Mỹ”.
Vì thế, trước mắt, Mỹ vẫn đang đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong thỏa thuận Saudi Arabia-Iran và coi đây là một “món hời”. Ông Matthew Duss, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và hiện là thành viên Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế nói: “Mọi nỗ lực làm giảm khả năng xảy ra xung đột giữa Iran và Saudi Arabia đều là điều tốt, bất kể bên nào làm trung gian hòa giải”.
| Sau nhiều năm căng thẳng, phái đoàn Saudi Arabia đến Iran thảo luận việc mở cơ quan ngoại giao Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ngày 8/4 thông báo các quan chức nước này đã đến Iran để thảo luận về các thủ tục mở ... |
| Thỏa thuận Iran-Saudi Arabia: Những bước tiến khả quan, 'khát vọng' hòa bình ở Trung Đông trỗi dậy? Iran và Saudi Arabia thể hiện thiện chí trong việc hiện thực hóa thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, mở đường cho sự hàn ... |
| Không phụ những nỗ lực của Saudi Arabia cho hòa bình, chính phủ Yemen hết lời khen ngợi Chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen hoan nghênh những nỗ lực ngoại giao đặc biệt của Saudi Arabia nhằm chấm dứt cuộc ... |
| Iran nhận định bình thường hóa với Saudi Arabia đem lại điều gì? Ngày 10/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani nhận định, việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa nước này và Saudi ... |
| Điểm tin thế giới sáng 13/4: Ngoại trưởng Syria bất ngờ tới Saudi Arabia, Thủ tướng Anh đón Tổng thống Mỹ, xả súng ở Nam Phi Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 13/4. |