Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Riyadh, Saudi Arabia tháng 12/2022. (Nguồn: Foreign Affairs) |
Không chỉ dừng lại ở bàn đàm phán
Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia-Iran đã được hoan nghênh rộng rãi trong cộng đồng quốc tế và cũng gây ngạc nhiên về nhiều phương diện. Không có thông tin nào rò rỉ trước khi có thông báo rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra hoặc một thỏa thuận giữa hai đối thủ có ảnh hưởng trong khu vực gần đạt được.
Trên thực tế, các nhà ngoại giao cấp cao của Saudi Arabia và Iran đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trong 2 năm qua, với vai trò trung gian của Oman và Iraq mà không có báo cáo nào về một bước đột phá sắp xảy ra.
Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên lớn hơn là thỏa thuận được ký kết tại Bắc Kinh bởi các cố vấn an ninh quốc gia của Saudi Arabia và Iran.
Ảnh hưởng của Trung Quốc chủ yếu chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại. Tại Trung Đông đầy biến động, Trung Quốc dường như đã chọn duy trì quan hệ chặt chẽ với tất cả các bên, trong đó gồm cả Iran và Saudi Arabia.
Đối với các quốc gia và người dân ở Trung Đông, thỏa thuận mang tính bước ngoặt Saudi Arabia-Iran có thể được xem là một diễn biến tích cực, bất chấp những lo ngại và hoài nghi. Cuộc đối đầu Saudi Arabia-Iran đã tác động mạnh mẽ tới an ninh khu vực, do đó bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm bớt căng thẳng, cho dù là nỗ lực của Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu, đều đáng hoan nghênh.
Việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm căng thẳng trong khu vực và tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực giải quyết một số cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, điển hình là cuộc xung đột ở Yemen.
Tuy nhiên, để thỏa thuận Saudi Arabia-Iran có tác động tích cực đến phần còn lại của khu vực, nếu không muốn nói là toàn thế giới, hai bên cần thực hiện ngay các bước đi cần thiết.
Trong vòng 2 tháng đầu tiên, Saudi Arabia và Iran sẽ phải ký kết các chi tiết của thỏa thuận và trao đổi đại sứ. Một thỏa thuận ngừng bắn dài hạn ở Yemen và việc khởi động các cuộc đàm phán hòa giải có thể là một phép thử tốt để hai nước thúc đẩy quá trình hòa giải toàn diện, bao gồm cả việc giải quyết những khác biệt khu vực giữa họ.
Thỏa thuận Iran-Saudi Arabia không thể có tác dụng thần kỳ và ngay lập tức đối với tất cả những vấn đề phức tạp nêu trên. Tuy nhiên, đây chắc chắn là một bước đi đúng hướng và có thể là điểm khởi đầu cho quá trình xây dựng lại một trật tự thế giới công bằng và cân bằng hơn.
"Quả bom hẹn giờ" và năng lực của Bắc Kinh
Sự kình địch giữa Saudi Arabia và Iran luôn được coi là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh khu vực. Liệu quyết định khôi phục quan hệ ngoại giao của Riyadh và Tehran, với sự giúp đỡ của Bắc Kinh, có thể đóng góp vào sự ổn định thực sự ở Trung Đông?
Chắc chắn rằng các cuộc đàm phán chính trị giữa các đối thủ luôn tốt hơn so với xung đột. Tuy vậy, thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran có thể tạo ra những thành tựu an ninh khu vực rất hạn chế vì 3 lý do.
Thứ nhất là tham vọng khó lung lay của Iran. Thứ hai là Trung Quốc không sẵn sàng và không có khả năng đóng một vai trò an ninh quan trọng hơn trong khu vực. Thứ ba là mối lo ngại sâu sắc của Israel về chương trình hạt nhân của Tehran.
Nếu Iran không bị cô lập về mặt ngoại giao và nền kinh tế không gặp khó khăn nghiêm trọng, rất có thể nước này sẽ không có bất kỳ động thái nào để nối lại quan hệ với Saudi Arabia. Ngay khi gặt hái được những lợi ích từ thỏa thuận này, Tehran có thể sẽ vẫn không thể kiềm chế trong cách tiếp cận khu vực. Iran vẫn luôn kiểm soát Iraq và cũng sẽ không từ bỏ Yemen do vị trí chiến lược của nước này.
Đối với Trung Quốc, Bắc Kinh xứng đáng được ghi nhận vì đã thể hiện mình là một nhà trung gian quyền lực trong một khu vực có truyền thống chịu ảnh hưởng của Mỹ.
Nhưng giới quan sát quốc tế cho rằng thỏa thuận Iran-Saudi Arabia có thể tồn tại rất ngắn. Một khi Iran từ chối các cam kết của mình và đe dọa an ninh của Saudi Arabia một lần nữa, Trung Quốc sẽ không thể đóng bất kỳ vai trò kiểm soát hoặc răn đe có ý nghĩa nào.
Liệu Trung Quốc có thể mở rộng sự hiện diện quân sự ở Trung Đông? Họ có thể nhưng ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể thay thế Mỹ làm người bảo đảm an ninh ở Trung Đông.
Lý do then chốt tại sao Mỹ có thể kích hoạt các thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa các nước Arab và Israel, đầu tiên là thỏa thuận giữa Ai Cập-Israel, tiếp đến là thỏa thuận Jordan-Israel, vì Washington cung cấp các đảm bảo an ninh cho các bên đàm phán. Trung Quốc rất khó có thể làm được và chỉ ưu tiên các lợi ích kinh tế và năng lượng của mình trong khu vực này.
Đối với Israel, không điều gì có thể cải thiện an ninh khu vực bằng một giải pháp nhằm giải quyết thách thức từ chương trình hạt nhân của Iran. Khả năng Iran trở thành một quốc gia hạt nhân là một vấn đề hiện hữu.
Thỏa thuận Saudi Arabia-Iran không bao gồm chương trình hạt nhân của Tehran, và điều này khiến một "quả bom hẹn giờ" khổng lồ chưa được xử lý.
Israel đang muốn bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia trong một nỗ lực tiếp tục cô lập Iran và xây dựng một cấu trúc phòng thủ khu vực chống lại Tehran. Nhận thức về mối đe dọa từ Iran của Israel và Saudi Arabia rất khác nhau.
Riyadh chắc chắn lo lắng về việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng không coi đó là mối nguy hiểm lớn nhất. Động cơ của Saudi Arabia liên quan đến thỏa thuận với Iran chủ yếu dựa trên cơ sở an ninh, còn động cơ của Iran là kinh tế.
| Thỏa thuận Iran-Saudi Arabia: Trung Quốc gọi tên 'chiến thắng', hé lộ đề xuất của Bắc Kinh, Mỹ có lo? Theo The Hill ngày 12/3, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia hôm 10/3 đang khiến Mỹ phải ... |
| Thỏa thuận Iran-Saudi Arabia: Mỹ khen Trung Quốc, Riyadh nói sẽ 'rất sớm' làm điều này với Tehran Ngày 15/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã khen ngợi Trung Quốc vì đóng vai trò trung gian cho một thỏa thuận giữa hai đối ... |
| Thỏa thuận Iran-Saudi Arabia: Trang mới hay chương cũ? Lịch sử thăng trầm, yếu tố Trung Quốc và một số điều chỉnh trong bối cảnh mới khiến thỏa thuận Iran-Saudi Arabia vừa qua trở ... |
| Bước vào kỳ 'trăng mật' với các nước vùng Vịnh, Iran sẽ sớm làm điều này ở UAE, nhất trí cùng Saudi Arabia tránh đối đầu Ngày 16/3, Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề chính trị Ali Bagheri Kani cho biết, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ ... |
| Quan hệ song phương 'đạp đổ' chướng ngại vật, Quốc vương Saudi Arabia mời Tổng thống Iran sang thăm? Trên Twitter, một quan chức thuộc Văn phòng của tổng thống Iran cho hay, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz đã mời Tổng thống ... |