Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố thỏa thuận thương mại Brexit ngày 24/12. (Nguồn: Getty Images) |
Ngay sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố thỏa thuận thương mại và an ninh giữa hai bên vào chiều 24/12, vòng quay đã bắt đầu.
Bà von der Leyen đã có cuộc họp báo trước và các nhà ngoại giao EU nhanh chóng khẳng định rằng chính ông Johnson là người đưa ra nhiều nhượng bộ nhất trong thỏa thuận thương mại hậu Brexit.
Ai nhượng bộ nhiều hơn?
Bộ trưởng châu Âu của Pháp Clément Beaune tuyên bố rằng Anh sẽ phải tuân thủ các quy tắc về xuất khẩu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Trong khi đó tại London, một tài liệu không chính thức đã được lưu hành với mục đích ủng hộ những tuyên bố rằng Anh đã thắng gấp đôi EU trong cuộc đàm phán này.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sunday Telegraph, bản thân ông Johnson cũng tự hào rằng ông đã đảm bảo được “thương mại tự do với EU mà không bị lôi kéo vào quỹ đạo quản lý hoặc lập pháp của họ”.
Sự thật là cả hai bên đều đã thỏa hiệp. Khi các nhà phân tích xem xét tài liệu dài 1.255 trang chỉ vừa được hoàn thành vào ngày 26/12, người ta nhất trí rằng ông Johnson đã phải nhượng bộ nhiều hơn so với mong đợi trong lĩnh vực đánh bắt cá, trong khi EU rút lại việc kiên quyết trả đũa đơn phương ngay lập tức nếu Anh cắt giảm các quy tắc của EU về lao động, môi trường hay viện trợ của nhà nước.
Đối với tất cả các điểm đã đạt được, người ta hy vọng rằng hầu hết mọi người sẽ thấy thỏa thuận đầy đủ những thứ cần có để hoan nghênh kết quả này.
Những người ủng hộ Brexit hài lòng rằng Anh sẽ thoát khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan của châu Âu, cũng như thoát khỏi quyền tài phán của Tòa án Công lý châu Âu, mặc dù điều này bỏ qua thực tế là Bắc Ireland sẽ vẫn nằm trong phạm vi của cả ba.
EU tin rằng họ sẽ có đủ điểm tựa để ngăn chặn sự bất đồng về các quy định trong tương lai, mặc dù một số người ở London coi sự bất đồng đó là một trong những lý do chính dẫn đến Brexit.
Đối với cả hai bên, thỏa thuận không áp thuế và không hạn ngạch thương mại hàng hóa sẽ được coi là đôi bên cùng có lợi.
Điều gì sẽ xảy ra trong tương lai?
Nhiệm vụ tiếp theo là phê chuẩn thỏa thuận kịp thời bởi giai đoạn chuyển đổi sẽ kết thúc vào ngày 31/12. Ông Johnson đang bận rộn hứa với những người ủng hộ Brexit có quan điểm cứng rắn trong đảng của mình rằng họ đã có được những gì họ muốn.
Trên thực tế, thỏa thuận của ông Johnson chắc chắn sẽ được thông qua khi Quốc hội Anh bỏ phiếu vào ngày 30/12 ngay cả khi một số người ủng hộ Brexit phản đối thỏa thuận này, đặc biệt là vì Công đảng đối lập sẵn sàng ủng hộ với lý do thỏa thuận này còn tốt hơn là không có thỏa thuận.
Về phía EU, thỏa thuận này được quyết định áp dụng tạm thời trước khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua, vì các thành viên của Nghị viện châu Âu nhất quyết cho rằng cần có 1 hoặc 2 tháng để xem xét các chi tiết.
Mặc dù vậy, nhiều khả năng họ sẽ phê chuẩn thỏa thuận. Brussels hy vọng rằng sẽ không cần tới sự đồng ý của nghị viện các quốc gia thành viên cho dù điều này vẫn có thể trở thành một tranh chấp pháp lý.
Tiếp đó sẽ đến bài kiểm tra thực tế về cách thỏa thuận này thực sự ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trên thực địa và khi hai bên trao đổi thương mại. Một câu trả lời là rất ít doanh nghiệp của cả hai bên được chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi về thủ tục giấy tờ, các biện pháp kiểm tra bổ sung về hải quan, thú y và quy định về xuất xứ sẽ diễn ra vào ngày 1/1/2021.
Rất có thể sẽ xảy ra tình trạng gián đoạn tại các cảng và xe tải phải xếp thành những hàng dài.
Ông Johnson tuyên bố rằng thỏa thuận không liên quan đến bất kỳ hàng rào phi thuế quan mới nào và nó sẽ nhanh chóng được đưa vào thử nghiệm để nhận thấy kết quả như mong muốn.
Tuy nhiên, có thể sẽ có một khoảng thời gian ân hạn nếu Anh phân giai đoạn các thủ tục hải quan trong 6 tháng đầu tiên. Và khi hệ thống công nghệ thông tin và hải quan mới được chuẩn bị sẵn sàng, phần lớn hoạt động trao đổi thương mại hàng hóa có thể tiếp tục, mặc dù sẽ có nhiều tranh chấp hơn hiện nay.
Tình trạng gián đoạn sẽ nghiêm trọng hơn trong lĩnh vực dịch vụ, vốn chiếm khoảng 80% nền kinh tế Anh và có tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng giá trị xuất khẩu của nước này.
Các nhà phê bình cho rằng ông Johnson đã ưu tiên sai lầm cho ngành thủy sản và sản xuất, vốn ít có ý nghĩa hơn về mặt kinh tế. Hầu như không có gì trong thỏa thuận liên quan tới lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của Anh là dịch vụ tài chính.
Trong khi đó, EU vẫn chưa đưa ra quyết định tương tự về quy định đối với ngành dịch vụ tài chính, mà nếu không có những quy định này thì hoạt động kinh doanh xuyên biên giới sẽ bị hạn chế.
Ngoài ra, EU cũng chưa đưa ra quyết định về sự tương thích dữ liệu, vốn là điều cần thiết để duy trì các luồng dữ liệu cá nhân xuyên biên giới mà các doanh nghiệp dịch vụ thường phải dựa vào.
Trong cả hai trường hợp này, các quyết định đều là quyết định đơn phương của Ủy ban châu Âu và một khi được chấp thuận, các quyết định đó vẫn có thể được rút lại trong tương lai.
Thủ tướng khẳng định rằng Anh sẽ thịnh vượng mạnh mẽ bên ngoài EU. (Nguồn: AFP) |
Hai câu hỏi lớn với Anh
Đối với Anh, thỏa thuận vừa đạt được để lại 2 câu hỏi lớn khác chưa được trả lời.
Điều đầu tiên liên quan đến việc vấn đề này có thể bị lãng quên tới mức nào khi mà Brexit hiện nay đã hoàn tất và người ta không còn phải lo lắng về mối quan hệ của Anh với EU?
Và câu trả lời là chắc chắn không thể dễ dàng như vậy. Không chỉ bởi những quy định về dịch vụ tài chính, dữ liệu và nhiều vấn đề khác còn lỏng lẻo; mà còn bởi sẽ cần tới sự phê chuẩn của khoảng 25 ủy ban chuyên trách, hội đồng cấp bộ và các nhóm làm việc trong các lĩnh vực từ an toàn hàng không đến dược phẩm, từ sở hữu trí tuệ đến phối hợp an sinh xã hội.
Sự thật là không thể thoát khỏi một quá trình đàm phán liên tục với khối, vốn luôn là láng giềng lớn nhất của Anh, như những gì Thụy Sỹ đã nhận thấy kể từ khi nước này từ chối tư cách thành viên EU vào đầu những năm 1990.
Câu hỏi còn lại là chính xác thì ông Johnson sẽ làm gì với sự tự do mà ông giành được khi cuối cùng ông đã đưa được Anh rời khỏi EU?
Hầu như tất cả các nhà kinh tế đều đồng ý rằng việc dựng lên các hàng rào thương mại mới sẽ gây ra tác động tiêu cực, có thể làm giảm khoảng 4-5% GDP về lâu dài.
Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định rằng Anh sẽ thịnh vượng mạnh mẽ bên ngoài EU. Hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy những thỏa thuận thương mại quy mô lớn với các nước thứ ba như Mỹ có thể giúp đạt được mục tiêu như vậy.
Và chính phủ của ông Johnson, kể từ giữa năm 2019, đã phải tốn nhiều công sức với Brexit, và sau đó là Covid-19, đến mức họ chỉ có thể đạt được một chút thành tựu nhỏ nhoi là một tiến trình kinh tế khác để bù đắp cho những gì đã mất khi Anh rời khỏi EU.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, ông Johnson khẳng định rằng chính phủ của ông đã có một "chương trình nghị sự rất rõ ràng". Nếu muốn có nhiều cơ hội để cải thiện nền kinh tế của Anh, ông Johnson cần bắt đầu xác định rõ chương trình nghị sự đó ngay bây giờ.
| Tin tức ASEAN buổi sáng 30/12: Indonesia đệ trình báo cáo về ranh giới thềm lục địa mở rộng, Philippines thúc đẩy hiện đại hóa vũ khí TGVN. Indonesia đệ trình báo cáo mới về ranh giới thềm lục địa mở rộng, Philippines thúc đẩy hiện đại hóa vũ khí... là những ... |
| 5 vấn đề quốc tế đáng mong chờ trong năm 2021 TGVN. Năm 2020 đã để lại nhiều câu chuyện thời sự lớn và những câu chuyện này sẽ còn tiếp diễn vào năm 2021. Một ... |
| Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có đáng sợ? TGVN. Theo giới chuyên gia, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 dù phát tán nhanh hơn nhưng ít độc lực hơn và chưa có bằng ... |