Những chuyên gia thôi miên rắnPhải qua “lò luyện” 10 năm tại một ngôi trường chuyên nghiệp, trẻ em ở bộ lạc Vadi, Ấn Độ mới có thể trở thành những người thôi miên rắn thuần thục. Sau khóa huấn luyện này, chúng sẽ trở thành các chuyên gia về rắn. Trẻ em lên 2 tuổi đã bắt đầu được kết bạn với vật cưng được xem là dễ thương và vô hại này. Thông thường, con trai sẽ được đào tạo để trở thành những người thôi miên rắn chuyên nghiệp, còn con gái được học cách chăm sóc và trông coi lũ rắn khi không có nam giới ở nhà.Ông Mithunath Madari, 60 tuổi, tù trưởng của bộ lạc Vadi cho biết: “Bộ lạc Vadi không bao giờ ở một chỗ quá 6 tháng và luôn tự hào về khả năng thích ứng với môi trường toàn rắn độc, đặc biệt là rắn hổ mang bành của người dân. Bọn trẻ được nghe những buổi nói chuyện về tầm quan trọng của việc thôi miên rắn, giúp lũ rắn có một cuộc sống đoàn kết hơn trong môi trường tự nhiên”. Theo kinh nghiệm của những người dân trong bộ tộc, những con rắn hổ mang chỉ được lưu giữ ở bên con người nhiều nhất là 7 tháng. Nếu không thả chúng tự do, chúng sẽ gây nguy hiểm tới người. Nhưng theo ông, từ nhỏ tới nay, ông chỉ biết có một trường hợp bị rắn cắn. Loài rắn không có gì đáng sợ. Đã qua thời hoàng kim Thực tế, Hy Lạp cổ đại là địa chỉ nguyên thủy của hình thức thôi miên rắn. Sau đó, hoạt động này phát triển và nở rộ ở Ấn Độ. Thôi miên rắn còn phổ biến ở một số nước châu Á khác như Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Thái Lan… Trước khi luật động vật hoang dã Ấn Độ có hiệu lực vào năm 1972, hoạt động thôi miên rắn từng nhận được sự hậu thuẫn lớn từ phía chính phủ. Trong các dịp lễ tết, hội chợ, nhiều chương trình thôi miên rắn đặc sắc luôn thu hút đông đảo du khách gần xa. Nhiều nhóm biểu diễn còn được cử sang các nước khác theo chương trình trao đổi văn hóa. Nọc rắn cũng được các bệnh viện hàng đầu thu nhận trong việc điều trị bệnh. Cùng với quá trình đô thị hóa, rắn bị công bố là loài vật nguy hiểm, loại hình kinh doanh giải trí này không còn được trọng dụng nữa. Những người thôi miên rắn bị kết tội hành hạ bò sát, trục lợi từ việc nuôi và lấy da rắn. Vì thế, thời kỳ hoàng kim của thôi miên rắn dần tàn lụi. Những người thôi miên rắn bị xa lánh. Sống chung với vật cưngTuy nhiên, vào cuối những năm 1990, nhóm bảo vệ quyền động vật hoang dã đã thuyết phục chính phủ xem xét lại luật pháp liên quan tới những những người thôi miên rắn. Kết cục, những người này buộc phải chuyển tới những làng xóm nhỏ, ít du khách. Nhiều người đã phải làm những việc khác để có thu nhập như bới rác, ăn xin để kiếm sống. Năm 2003, hàng nghìn người đã tập trung tại ngôi đền Charkhi Dadrri 700 tuổi ở Haryana để gây sự chú ý quốc tế tới tình cảnh mất đi phương tiện kiếm sống duy nhất của mình. Cuối năm 2004, Chính phủ Ấn Độ và nhóm bảo vệ quyền động vật đã chấp nhận một số đề xuất là chấp thuận để họ được đào tạo các chương trình biểu diễn và chăm sóc rắn. Đồng thời, họ cũng có thể bán các loại thuốc truyền thống như quà lưu niệm. Khoảng 40% người thôi miên rắn đã đổi nghề, trở thành những tay chơi nhạc chuyên nghiệp tại các đám cưới và lễ hội. Trong khi đó, nhiều người thôi miên rắn vẫn sống cuộc sống lang bạt khắp các chợ và trong các dịp lễ hội ở thị trấn và làng quê cùng với những loài rắn như hổ mang bành, rắn độc vipe. Ngày nay, chỉ còn khoảng một triệu người thôi miên rắn ở Ấn Độ. Hơn 30 năm bị cấm ở Ấn Độ, những người thôi miên rắn vẫn âm thầm nuôi những con vật dễ thương này. Bất chấp mọi sức ép, người dân nhiều bộ lạc vẫn đồng lòng truyền lửa cho các thế hệ tiếp theo những kinh nghiệm thôi miên và an toàn trước rắn.Hạnh Thảo