Các thành viên Ride for the bears chuẩn bị xuất phát về Hà Nội. (ảnh: Khánh Nguyễn) |
Sáng thứ Bảy, ngày 26/1 vừa qua, những phương tiện lưu thông trên tuyến đường Quốc lộ 2, đoạn từ Hà Nội đến Vĩnh Yên và từ Vĩnh Yên tới Tam Đảo bắt gặp nhiều tốp đạp xe với độ tuổi và quốc tịch khác nhau, với các loại xe đạp khác nhau... nhưng cùng chung chiếc áo mang logo sự kiện Ride for the bears (đạp xe vì gấu) rất đẹp và ấn tượng. Logo được thiết kế với hai màu trắng ngà và đen - màu lông đặc trưng của hai loài gấu chó và gấu ngựa của Việt Nam. Đó chính là những thành viên của nhóm Action Bear Hà Nội và những cá nhân đam mê đạp xe vì môi trường đang tham gia sự kiện Đạp xe vì gấu. Đích đến của họ chính là Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo.
Tin vui đồng hành sự kiện
Khi ý tưởng đạp xe để bảo vệ gấu ra đời, các thành viên này không hề nghĩ rằng, ngay trước khi sự kiện diễn ra thì một tin vui quá lớn đã đến với những ai quan tâm đến việc hai loài gấu của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng: Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt việc triển khai giai đoạn 2 của dự án xây dựng Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo (do Tổ chức Động vật Châu Á tài trợ và vận hành) sau những sự vụ lùm xùm đáng tiếc.
Vì thế, sự kiện đạp xe vì gấu không chỉ mang thông điệp mạnh mẽ "Chung tay giữ nhà cho gấu" mà còn như một động thái hết sức mừng vui của những người yêu gấu trước quyết định hết sức kịp thời của Thủ tướng. Có lẽ vì thế mà trong tiết trời không hề thuận lợi, 50 thành viên đạp xe và 20 thành viên hộ tống của Ride for the bears đã hoàn thành xuất sắc hành trình của mình.
Không có phương tiện cũng như kinh nghiệm đạp xe của các vận động viên chuyên nghiệp, các thành viên tham gia sự kiện đạp xe vì gấu đã xuất phát từ công viên Nghĩa Đô Hà Nội với đủ các lứa tuổi, màu da và đủ các loại xe đạp tận dụng trong mọi khả năng có thể để tham gia hành trình. Vì là hoạt động nhỏ do một nhóm cá nhân tổ chức với sự hỗ trợ của Quỹ Động vật châu Á (AAF) tại Việt Nam, nên 50 thành viên Ride for the bears phải chia thành từng nhóm nhỏ để đảm bảo an toàn cho hành trình đầy ý nghĩa này. Chặng đường 70km từ Hà Nội tới Tam Đảo được chia thành nhiều chặng nhỏ để các nhóm giữ liên lạc với nhau và có thời gian nghỉ ngơi, xử lý sự cố nếu có...
Sau 5 tiếng đồng hồ, dù đến đích lẻ tẻ nhưng 70 thành viên đã đến đích an toàn. Trưởng đoàn Ride for the bears - anh Nguyễn Đức Minh chia sẻ: "Trong số 50 thành viên đạp xe vì gấu có một số thành viên tuổi trên 45 và có 4 cháu nhỏ dưới 12 tuổi tham gia. Các cháu nhỏ tham gia chương trình với sự giám sát của bố mẹ - cũng là các thành viên trong đoàn - nên chúng tôi khá yên tâm. Ban đầu, con số đăng ký tham gia chương trình lớn hơn nhiều, nhưng để đảm bảo an toàn trong hành trình, chúng tôi quyết định giới hạn con số là 50 người đạp xe và 20 người hộ tống nhằm hạn chế tuyệt đối những sự cố trên đường đi".
Thành viên Nguyễn Thùy Dung (Nhóm Action Bear Hà Nội, Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: "Nhóm Action Bear Hà Nội được thành lập từ tháng 11/2011 và từ đó đến nay, nhóm đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền để bảo vệ loài gấu ở Việt Nam như đặt các bàn thông tin về bảo vệ gấu tại các trường Đại học, các Trung tâm thương mại... và kêu gọi các chữ ký bảo vệ loài gấu trên mạng internet... với sự hỗ trợ của Tổ chức AAF. Do tình cờ gặp gỡ các thành viên đam mê đạp xe vì môi trường trong một buổi nói chuyện về bảo vệ gấu tại Hà Nội - hai bên đã nảy sinh ý tưởng đạp xe để giữ nhà cho gấu và triển khai thực hiện. Thật bất ngờ vì ngay trước khi sự kiện diễn ra, các thành viên tham gia Ride for the bears nhận được tin vui từ Thủ tướng. Tin vui này đã khiến cho các thành viên trong Đoàn đạp xe hết sức vui mừng, phấn khởi".
Thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng
Dù khá mệt mỏi sau hành trình dài, trong thời tiết khắc nghiệt, nhưng những gương mặt của Ride for the bears đều sáng lên khi tiến vào Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam. Đây là nơi hơn 100 cá thể gấu được các cơ quan kiểm lâm trên cả nước bắt giữ từ những hộ nuôi gấu lấy mật hoặc nuôi gấu làm cảnh nhưng không đảm bảo điều kiện sống cho gấu được đưa về đây.
Tại đây, các chú gấu đa số đều bị bệnh rất nặng liên quan đến hệ tiêu hóa và thị lực rất kém (do bị nuôi nhốt dài ngày trong chuồng tối). Đặc biệt, những con gấu bị hút mật nhiều lần còn mắc chứng trầm cảm nặng vì sợ hãi kéo dài. Tại Trung tâm cứu hộ, gấu bệnh được các bác sĩ thú y của AAF chữa trị với điều kiện y tế hiện đại và được nuôi dưỡng trong môi trường gần với tự nhiên để khôi phục thói quen sống hoang dã của gấu. Thức ăn sẽ được các nhân viên chăm sóc gấu giấu trong các ống tre, hốc cây... để gấu tự tìm kiếm như trong môi trường hoang dã. Khứu giác của loài gấu rất thính - chúng rất nhạy với mùi thức ăn, đặc biệt là hoa quả. Vì vậy, việc tham quan khu nuôi thả gấu cũng được các cán bộ giáo dục ở đây hướng dẫn rất nghiêm ngặt nhằm tránh cho gấu những thói quen xấu do người tham quan tạo ra như ở các vườn thú bình thường.
Kể từ năm 2010, khi những tranh chấp đáng tiếc đe dọa sự an nguy đối với ngôi nhà của gấu tại Tam Đảo, các nhân viên của Trung tâm đã không khỏi có những phút nản lòng. Nhiều chuyên gia nước ngoài từng nghĩ đến ý định trở về nước, còn hơn 70 nhân viên người địa phương hiện đang làm việc tại Trung tâm thì lo lắng khi phải đối mặt với nguy cơ mất chỗ làm... Nguy cơ mất nhà của gấu - nơi từng được tung hô là thiên đường của những chú gấu bất hạnh - và câu hỏi số phận của hơn 100 cá thể gấu sẽ đi về đâu nếu Dự án không được tiếp tục hoặc phải di dời... đã hiển hiện trước mắt. Nhưng những người dành tâm sức cho những chú gấu tại đây đều tin rằng, tiếng nói bảo vệ loài gấu của cả cộng đồng trong nước và quốc tế sẽ không là vô nghĩa.
Sự kiện Ride for the bears với sự có mặt của đoàn đạp xe tại Trung tâm khiến các cán bộ và nhân viên tại đây thực sự xúc động. Chị Kristy Officer - Bác sĩ thú y tại Trung tâm chia sẻ với các thành viên Ride for the bears: "Sự có mặt của các bạn ở đây là niềm vinh dự và sự động viên lớn lao đối với chúng tôi. Đây là minh chứng rõ ràng nhất, rằng có rất nhiều người quan tâm đến việc bảo vệ loài gấu và bảo vệ môi trường. Tôi mong rằng, thông qua những hành động thiết thực này, chúng tôi sẽ cứu được thêm nhiều những chú gấu tội nghiệp và loài gấu sẽ không phải tiếp tục chịu thêm nhiều khổ sở tại các trang trại nuôi gấu lấy mật nữa'.
Em Nguyễn Đức Duy - học lớp 5 - Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội) cho biết: "Cháu tham gia hành trình này cùng với bố mẹ. Cháu rất vui và rất thích khi được đến đây để giữ nhà cho gấu. Cháu sẽ kể cho các bạn ở lớp về hành trình và cháu hy vọng rằng, sẽ có nhiều lần được đạp xe vì gấu như hôm nay".
Theo chị Phạm Thu Hường - cán bộ giáo dục của Trung tâm, kể từ khi thành lập, Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 112 cá thể gấu. Tuy nhiên, 8 chú gấu do bị bệnh quá nặng và bị nuôi nhốt kéo dài đã không thể qua khỏi sau khi được chữa trị tại Trung tâm. Cũng giống như những nghĩa cử với con người, những chú gấu xấu số khi qua đời tại Trung tâm sẽ được chôn trong các hố bê-tông để đảm bảo không ô nhiễm môi trường và tránh tuyệt đối việc kẻ xấu cố tình đào trộm lấy xác gấu. Với những cán bộ và nhân viên tại Trung tâm, nghĩa trang dành cho các chú gấu này là một nơi thiêng liêng, vì đó là những chú gấu bất hạnh được mọi người dành nhiều tình cảm nhất.
Dù tiết trời về chiều khá ảm đạm, màn mưa giăng ngày càng dày, nhưng các thành viên của Đoàn đạp xe vì gấu vẫn tràn ngập hứng khởi trước nửa cuối của hành trình đạp xe vì gấu: Chặng Tam Đảo - Hà Nội. Họ hy vọng rằng, những hành động thiết thực và chân thành của mình với loài gấu sẽ góp phần bảo vệ hai loài gấu của Việt Nam trước nguy cơ biến mất trong tự nhiên vì nạn buôn bán động vật hoang dã và ngành công nghiệp nuôi gấu lấy mật.
Khánh Nguyễn