TS Nguyễn Văn Đáng. |
Thêm một lần nữa, Tổng Bí thư khẳng định mô hình xã hội mà Việt Nam hướng đến là xã hội Xã hội chủ nghĩa (XHCN). Yêu cầu với tiến trình phát triển xã hội theo định hướng XHCN ở Việt Nam là “phải tạo ra được sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”. Đó là xã hội “hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm”. Hệ giá trị mà chúng ta đang theo đuổi là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Có thể thấy, để từng bước góp phần xây dựng xã hội XHCN, Tổng Bí thư nhấn mạnh cơ sở nền tảng cho sự hình thành xã hội trong tương lai là lợi ích chung, lợi ích tập thể trong khi vẫn tôn trọng những lợi ích cá nhân chính đáng. Để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho số đông người dân Việt Nam, Tổng Bí thư nhắc lại nguyên tắc đã và sẽ tiếp tục định hình cho các chiến lược, chính sách phát triển xã hội ở nước ta: “tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”.
Với phương tiện lý luận là chủ nghĩa Marx– Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, ngay từ những ngày đầu thành lập, bên cạnh mục tiêu giành độc lập cho dân tộc, các văn kiện chính trị như Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt đã đặt các mục tiêu xã hội lên hàng đầu như: nhân dân được tự do, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục, ngày làm 8 giờ, bỏ sưu thuế cho dân nghèo. Đảng đã lựa chọn con đường tiến lên CNXH, để “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, để đất nước được “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
Sau khi đất nước được độc lập và thống nhất, Đảng và Nhà nước tiếp tục coi trọng giải quyết các vấn đề xã hội từ hậu quả chiến tranh, tình trạng lạc hậu của nền kinh tế - xã hội, cũng như những vấn đề mới nảy sinh khi chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Chính sách xã hội trong những thập niên đầu đổi mới là nhằm bảo đảm các nhu cầu cơ bản và tối thiểu của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp xã hội cơ bản như công nhân, nông dân, trí thức và các nhóm xã hội yếu thế thời hậu chiến như cựu chiến binh và thương, bệnh binh.
Khác với các chính sách xã hội truyền thống chủ yếu bảo đảm những nhu cầu tối thiểu cho các nhóm xã hội yếu thế, từ sau những năm 2000, giải quyết các vấn đề xã hội ở nước ta được nâng lên một tầm cao mới, đó là hướng tới phát triển xã hội, tức là tạo ra sự thay đổi, dịch chuyển theo hướng tích cực hơn, tiến bộ hơn, cả trên cấp độ cá nhân và trên quy mô cộng đồng xã hội.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (năm 2006) nhấn mạnh một số yêu cầu về phát triển xã hội như thực hiện song hành giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục..., giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người”. Tại đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, lần đầu tiên “quản lý phát triển xã hội” trở thành một nội dung độc lập trong Báo cáo chính trị. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII định hình rõ nét hơn quan điểm, chủ trương, và những yêu cầu với phát triển xã hội bền vững ở nước ta.
Đặt trong dòng chảy tư duy lý luận, bài viết của Tổng Bí thư đã phác họa một số chiều cạnh phát triển xã hội ở nước ta. Trên cấp độ cá nhân, Tổng Bí thư khẳng định đích đến cho sự phát triển xã hội là vì con người: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới”.
Cụ thể hơn, con người Việt Nam phải “có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện…trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”. Điều này có nghĩa, phát triển xã hội tức là thực hiện các can thiệp chính sách nhằm cải thiện chất lượng con người Việt Nam theo hướng tích cực hơn, được đo lường thông qua các chỉ báo như sức khỏe, tuổi thọ, trình độ học vấn, mức sống, lối sống…
Trên phương diện quan hệ xã hội và để phân biệt xã hội XHCN với các xã hội tự do TBCN, Tổng Bí thư nêu bật nhu cầu điều chỉnh các mối quan hệ ở mọi cấp độ (cá nhân, nhóm, giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo…) theo hướng thúc đẩy sự hài hòa lợi ích, hợp tác và đoàn kết xã hội. Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu vun đắp đặc trưng cho các mối quan hệ xã hội ở nước ta là dựa trên sự đồng thuận xã hội chứ không phải đối lập, đối kháng xã hội.
Cũng có nghĩa, chúng ta đề cao sự hợp tác và đoàn kết giữa con người với con người, giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa người dân với chính quyền chứ không hướng tới một xã hội cạnh tranh hay tranh đoạt khốc liệt: “xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội… các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển…mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích”.
Trên quy mô cộng đồng xã hội, một điểm nhấn trong bài viết của Tổng Bí thư là quan điểm giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng xã hội, cụ thể là giảm bớt chênh lệch về mức sống giữa các nhóm xã hội, khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, miền trên cả nước. Tổng Bí thư nêu bật cam kết của Đảng Cộng sản Việt Nam là “bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân”.
Quan điểm nêu trên thể hiện sự trung thành với một giá trị cốt lõi của tư tưởng XHCN, đó là sự công bằng xã hội. Để từng bước thực hiện công bằng xã hội, theo Tổng Bí thư, chúng ta sẽ tiếp tục thiết lập “Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Tăng trưởng kinh tế là yêu cầu tất yếu cho sự phát triển nhưng phải luôn đặt trong mối quan hệ với tiến bộ và công bằng xã hội. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xoá đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Hỗ trợ các nhóm xã hội yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau luôn là nhiệm vụ then chốt trong quá trình thực hiện công bằng xã hội. Theo Tổng Bí thư, chúng ta “cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, hài hoà và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội…thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn”.
Có thể nói, sự tích hợp những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam trong bài viết của Tổng Bí thư đã khơi gợi, truyền cảm hứng tích cực cho người dân về một mô hình xã hội đầy tính nhân văn, vì con người mà chúng ta đang kiên định và nỗ lực xây dựng.