Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến dự cuộc đối thoại tại Hội đồng quan hệ quốc tế Hoa Kỳ, ngày 14/11. (Nguồn: TTXVN) |
Nữ thi sĩ của bang California hồi đầu thế kỷ XIX viết:
Từ nơi đây, Cổng Vàng thành phố,
Đón tia nắng phương Đông rực rỡ,
Hoàng hôn buông ráng chiều lấp lánh,
Ngự trong ánh hào quang muôn thuở,
Thành phố của sương mù, và của những giấc mơ!
Không phải ngẫu nhiên, thành phố xinh đẹp này được nước chủ nhà Hoa Kỳ chọn làm địa điểm diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC 2023. Nằm bên bờ Thái Bình Dương, San Francisco với rất đông dân cư là người Mỹ gốc Á, đã trở thành “cây cầu” nối liền Hoa Kỳ và châu Á. San Francisco chính là một trong những cái nôi của những ngành công nghiệp sáng tạo, tiên phong toàn cầu, là điểm đến cũng như nơi đặt trụ sở của các công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, trong đó có Google, Facebook, Apple.
Những thông điệp quan trọng
Chính tại thành phố “của những giấc mơ” này, trong những ngày tháng 11 đặc biệt, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Tuần lễ cấp cao APEC và có các hoạt động song phương tại đây. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các nhà lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế thành viên APEC đã cùng nhau thảo luận những vấn đề căn cốt đối với kinh tế thế giới và khu vực.
Tháng 11 này tròn 30 năm kể từ Hội nghị cấp cao APEC đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 1993. Đây cũng là thời điểm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập cơ chế hàng đầu khu vực về liên kết và hợp tác quốc tế này. Chuyến đi cũng diễn ra ngay sau khi hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ xác lập khuôn khổ Đối tác Chiến lược toàn diện trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thực sự, phải tham dự trực tiếp và chứng kiến tận nơi mới thấy hết được không khí của hội nghị, hơi thở và sức nóng của APEC, sự hào hứng của các giới về những hy vọng cho tương lai quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Chúng tôi hết sức ấn tượng với khán phòng đầy chật quan khách từ các giới đến dự buổi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu và trao đổi về tình hình thế giới, đường lối đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tại Hội đồng quan hệ quốc tế Hoa Kỳ (CFR), Chủ tịch nước phát biểu tại Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC và sự kiện Bàn tròn về kết nối địa phương Việt Nam và doanh nghiệp Hoa Kỳ về công nghệ cao.
Tại CFR, bài phát biểu của Chủ tịch nước đã truyền đi thông điệp rõ ràng về thế giới quan của Việt Nam từ góc nhìn văn hoá, lịch sử yêu chuộng hoà bình; về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam là bạn và là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; về một Việt Nam đề cao luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, mong muốn giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, xử lý gốc rễ của vấn đề, luôn thúc đẩy đại đoàn kết dân tộc và hòa hợp dân tộc.
Trong không khí sôi nổi và với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trả lời tất cả các câu hỏi của những người tham dự, trong đó nhấn mạnh, Việt Nam chia sẻ quan điểm chung về việc các quốc gia thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị và hợp tác, coi trọng sự bình đẳng, lợi ích chính đáng của nhau. Việt Nam sẽ góp sức cùng cộng đồng quốc tế với sức mạnh truyền thống là tinh thần đại nghĩa, chí nhân của một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình và hòa hiếu, hữu nghị, tôn trọng dân tộc khác.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã mang tới APEC - “vườn ươm” các ý tưởng liên kết kinh tế những thông điệp và giải pháp để xây dựng nền kinh tế thế giới mở, bao trùm và bền vững. Đó là, phải thay đổi tư duy, khai mở hướng đi mới, và lợi ích phải được phân phối rộng khắp và bình đẳng trong xã hội; Là phải khôi phục và củng cố niềm tin vào tự do thương mại và đầu tư.
Đúng như trong trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành, Giáo sư Carl Thayer rất tâm đắc chia sẻ: “Bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC rất tinh tế và được trau chuốt kỹ lưỡng. Bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc như những thành tố then chốt của một trật tự thế giới ổn định và công bằng. Bài phát biểu của Chủ tịch nước phản ánh tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong việc xem xét nghiêm túc những mâu thuẫn trong hệ thống quốc tế và xác định không chỉ những thách thức mà chúng đặt ra mà cả những cơ hội mà chúng mang lại”.
Những hành động cụ thể để triển khai Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ tháng Chín vừa qua diễn ra ngay trong chuyến công tác của Chủ tịch nước, với hàng loạt thỏa thuận hợp tác được trao trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển đô thị, khu công nghiệp, du lịch, ươm tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, cơ sở hạ tầng cảng biển, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đối thoại tại sự kiện, ngày 14/11. (Nguồn: TTXVN) |
Những ấn tượng sâu sắc
Những bài phát biểu, những thông điệp của Chủ tịch nước trong chuyến đi gây ấn tượng mạnh mẽ đối với các giới tại Hoa Kỳ cũng như những ai quan tâm theo dõi.
Ông Scott Marciel, một nhà ngoại giao kỳ cựu, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Indonesia bày tỏ ấn tượng khi cho biết: “Ngài Chủ tịch nước đã chia sẻ rất rõ ràng quan điểm của Việt Nam trong quan hệ với Hoa Kỳ cũng như các nước lớn, cả những vấn đề toàn cầu và những mối quan hệ của các quốc gia khác. Chúng tôi thấy rõ Chủ tịch nước đã thể hiện ý chí của Việt Nam trong việc trở thành một thành viên trách nhiệm trên trường quốc tế, nỗ lực để duy trì độc lập tự chủ”. Giáo sư Larry Berman, tác giả của nhiều cuốn sách viết về Việt Nam, trong đó có tác phẩm nổi tiếng X6 - Điệp viên hoàn hảo chia sẻ: “Tôi thấy các chuyên gia đã đặt những câu hỏi rất tốt với Chủ tịch nước, chạm đến những vấn đề cốt lõi, như nhận định của Việt Nam về quan hệ của các nước lớn, đó là những câu hỏi khó, Chủ tịch nước đã trả lời đúng tầm mức của một Nguyên thủ. Chúng tôi sẽ dành thời gian để nghiên cứu các câu trả lời đó một cách toàn diện”.
Nhà báo James Borton, chuyên gia cao cấp về châu Á của tờ Washington Times có trụ sở ở Washington D.C hoan nghênh Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đưa ra thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam về tầm quan trọng của việc cân bằng giữa bảo vệ môi trường và thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo bền vững. Ông nhấn mạnh: “Phát biểu của Chủ tịch nước cho thấy Việt Nam đang tự điều chỉnh trong một trật tự kinh tế, xã hội và chính trị thay đổi nhanh chóng”.
Ông John McCarthy, cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam hào hứng cho biết “các bài phát biểu của Chủ tịch nước được nhiều người mong chờ vì được truyền tải ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Biden và hai nước nâng cấp quan hệ. Bài phát biểu đã đặt vấn đề rất chính xác và gửi thông điệp mạnh về việc cần cân bằng giữa phát triển và môi trường, khẳng định vai trò tích cực của toàn cầu hóa. Thông điệp hội nhập của Chủ tịch Võ Văn Thưởng đương nhiên được các nước quan tâm, theo dõi. Tôi đánh giá cao thái độ tiếp nhận tích cực của Việt Nam đối với công nghệ mới, cho thấy hướng đi đúng của Việt Nam trong những thập kỷ tới”.
Giáo sư Carl Thayer nhận xét các bài phát biểu của Chủ tịch nước là minh chứng cho việc tại sao Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như vậy bởi Việt Nam là thành viên độc lập và có tính xây dựng của cộng đồng quốc tế, nói lên nguyện vọng của các nước đang phát triển ở Nam bán cầu.
Còn chúng tôi càng tự hào hơn về vai trò, vị thế của Việt Nam, sự ghi nhận của bạn bè quốc tế và Hoa Kỳ về một đất nước Việt Nam hòa hiếu, nhân nghĩa, bản lĩnh, trách nhiệm và luôn có khát vọng vươn lên. Đúng như rất nhiều người, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cùng chia sẻ khi theo dõi các bài phát biểu của Chủ tịch nước trong chuyến công tác lần này, nhất là tại CFR và Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, được truyền tải qua nền tảng mạng xã hội, đó là “Tự hào Việt Nam!”.