Thạc sĩ Đinh Văn Thịnh nhận định, nhiều bạn trẻ không tìm được việc làm vì chưa có định hướng rõ ràng, thường chạy theo ngành hot. (Ảnh: NVCC) |
Thực tế hiện nay, vấn đề cử nhân thất nghiệp, không ít bạn trẻ phải giấu bằng của mình để đi học nghề, có nhất thiết phải đi học đại học hay không luôn được xã hội quan tâm… Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”? Có phải do sự phân luồng, hướng nghiệp chưa tốt?
Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm hoặc đang tìm việc ngày càng nhiều. Theo kết quả khảo sát từ Báo cáo đánh giá việc làm sinh viên tốt nghiệp năm 2020 của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT), tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm và đang tìm việc chiếm gần 20%. Con số này khá cao, nếu so với tỷ lệ thất nghiệp chung của nhóm thanh niên ở độ tuổi 20 - 24 trong cả nước năm 2019 là 6,1%.
Trước những dao động, thay đổi của thế giới và khu vực, yêu cầu khắt khe về công việc và yêu cầu hội nhập, đòi hỏi mỗi người, đặc biệt là người trẻ, cần trang bị những kiến thức và bằng cấp, kỹ năng và thái độ chuyên nghiệp. Việc có được bằng cấp sau khi tốt nghiệp nhưng vẫn chênh vênh giữa thị trường việc làm đến từ những nguyên nhân khác nhau.
Nguyên nhân chủ quan, đến từ bản thân người học, không định hướng và tìm hiểu kỹ càng, trong quá trình học tập thiếu mục tiêu, chưa khám phá được những thế mạnh của bản thân, thiếu sự kiên định và quyết định học theo trào lưu ngành hot, thiếu kinh nghiệm thực tiễn.
Nguyên nhân khách quan đến từ phía gia đình, nhà trường, xã hội. Gia đình mong muốn con học theo một ngành sắp đặt sẵn, ngành mà cha mẹ nghĩ rằng sau này làm việc sẽ có lương cao, được người khác kính trọng. Nhà trường thiếu sự định hướng ngành nghề cho học sinh hoặc tổ chức nhưng chưa sâu và kỹ, chưa định hướng cho mỗi cá nhân mà chỉ truyền thông chung.
Đồng thời, xã hội chưa có nhiều chương trình để tuyên truyền rộng rãi. Đặc biệt, tư duy xã hội cũng một phần làm học sinh hoang mang như: học làm gì, bằng cấp cũng chẳng có giá trị, nhiều người không học nhưng vẫn thành công. Điều này vô tình làm giảm động lực học tập và phấn đấu của các em.
Cùng với đó, bạn bè thường tác động nhau chọn ngành này, trường kia để có thể học chung với nhau, vì vậy chọn theo bạn, học cùng bạn.
Thái độ của các bạn trẻ rất quan trọng khi tìm việc sau tốt nghiệp. (Nguồn: Trithuc) |
Số bạn trẻ thất nghiệp vẫn tăng cao có phải xuất phát từ vấn đề "lệch pha" giữa đào tạo ồ ạt với thiếu phương hướng giải quyết việc làm?
Sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ có một bộ phận bạn trẻ phải đối diện với tình trạng thất nghiệp. Nhiều lý do có thể đề cập như việc các bạn trẻ chạy theo trào lưu ngành hot dẫn đến việc sau khi ra trường bị dư thừa.
Thất nghiệp vì không nắm vững kiến thức chuyên môn, thiếu kỹ năng làm việc và giao tiếp xã hội cũng như thiếu kinh nghiệm thực tiễn.
Ngoài ra, kết nối doanh nghiệp cũng là một phần quan trọng để mở cơ hội việc làm cho người học sau khi ra trường. Có thể nói, các trường đã có phương án, kết nối cho việc này.
Tuy nhiên, chung quy lại các vấn đề sau đó thuộc về người trẻ và doanh nghiệp, có duy trì bền vững hay không là do ứng xử, chuyên môn, kỹ năng, thái độ của các bạn trẻ.
Chuyện đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân được phổ cập hóa ngày một nhanh đã vô tình tạo ra những hệ lụy không tốt. Góc nhìn của ông về việc tại sao nhiều học sinh, phụ huynh vẫn chưa tha thiết với học nghề?
Ngày nay, việc đào tạo các cấp bậc học trong giáo dục rất mở và nhiều đơn vị được cấp phép đào tạo. Mọi người học vì nhu cầu công việc, mở rộng kiến thức cá nhân, nhu cầu hội nhập khu vực ASEAN, châu lục và thế giới.
Có học tập, có thế hệ tri thức mới có những diễn đàn khoa học giáo dục trong khu vực được tổ chức. Việc tổ chức giao lưu mang lại nhiều lợi ích, cùng học hỏi kiến thức khoa học giữa các nước trong khu vực ASEAN, kết hợp tạo ra mô hình giáo dục và chuyển giao, nhằm phát triển con người và xã hội, đất nước.
Vì những giá trị trên, nhiều cá nhân đã không ngại khó và không tiếc tiền bạc để đầu tư học tập, thăng tiến.
Một phần cũng vì vòng xoáy xã hội và “nhãn mác” sẽ đem lại nhiều lợi ích nên nhiều người chọn. Vì thế, lượng người theo học nghề sẽ giảm hơn.
Việc biết nâng cấp bản thân và đầu tư học tập là một điều rất tốt, nếu sự học đó đem lại niềm vui, kiến thức, giá trị bản thân, giúp ích cho bản thân. Hơn nữa, việc nâng cao vị thế ngành nghề, giúp ích gia đình và xã hội là một điều đáng mừng và cần được khuyến khích.
Ông có tư vấn nào dành cho phụ huynh và các em đang trong thời điểm “nóng” khi lựa chọn ngành nghề hiện nay?
Phụ huynh tránh tác động con em theo ngành nghề mà mình thích. Thay vì bắt ép, phụ huynh cần đồng hành trong những lựa chọn yêu thích và đam mê của con, tạo điều kiện thuận lợi để các em được học tập và phát triển.
Những lựa chọn này các em phải dựa trên năng lực học tập, nhu cầu xã hội, hoàn cảnh kinh tế gia đình, đam mê, sức khỏe của bản thân, cơ sở đào tạo để phân định xem bản thân có thật sự phù hợp ngành nghề này hay không?
Trước những dao động, thay đổi của thế giới và khu vực, yêu cầu khắt khe về công việc và hội nhập, đòi hỏi mỗi người cần trang bị những kiến thức và bằng cấp, kỹ năng và thái độ chuyên nghiệp. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Là người thường xuyên tiếp xúc, tư vấn cho các em học sinh, ông có lời khuyên gì với những thí sinh trượt đại học năm nay?
Trong cuộc sống, có rất nhiều phương diện quan trọng như sức khỏe, gia đình, tình bạn, học tập, xã hội… Học tập là một khía cạnh, là một phần của cuộc sống. Hiện tại, học tập của em có thể gặp khó khăn, trục trặc, nhưng em đừng bỏ cuộc.
Theo Trung tâm Thông tin ASEAN, tỷ lệ thất nghiệp ở Campuchia ở mức khoảng 0,31% trong năm nay, mức thấp nhất trong số tất cả các quốc gia ASEAN. Tỷ lệ thất nghiệp của Myanmar dự kiến sẽ ở mức 1,79%, Singapore (2,2%), Malaysia (3,9%), Philippines (5,8%), Indonesia (5,83%) và Brunei (8,4%). |
Giống như đời sống gia đình là một phương diện quan trọng, trong gia đình ấy đôi lúc khó khăn, tưởng chừng như không thể vượt qua được, nhưng các gia đình đã cùng nhau vượt qua một cách diệu kỳ bằng sự cố gắng, hy sinh, chia sẻ với nhau.
Em chậm trong việc vào học đại học nhưng chưa chắc sau này em thất bại. Người vào học đại học sớm chưa chắc đã thành công.
Thành công hay không, bản thân có tạo ra giá trị hay không, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Trước hết, đó là nỗ lực và cố gắng mỗi ngày, không bỏ cuộc khi gặp khó khăn, thử thách, kiên định với ước mơ là chất liệu để em tiến đến thành công và tạo ra giá trị.
Đừng bỏ cuộc, nếu vấp ngã hãy đứng dậy, không đứng dậy nổi thì cố gắng trườn tới, đừng quên còn gia đình, bạn bè, thầy cô luôn đồng hành với em.
Còn với những thí sinh trúng tuyển đại học nhưng không đúng với ngành nghề mong muốn thì sao? Các em nên thay đổi giấc mơ của mình hay chấp nhận thực tại?
Theo học một ngành nghề mà bản thân không có sự hứng thú và đam mê thì thật sự khó để theo đuổi và học hiệu quả, càng khó làm việc tốt sau ra trường. Vì vậy, thí sinh cần suy nghĩ, nhận định thêm về sự lựa chọn của mình, nếu bối rối cần tìm chuyên gia tư vấn hướng nghiệp để chia sẻ và định hướng kịp thời.
Việc chấp nhận học đại một ngành nghề nào đó, có thể gây nên việc chán nản và bỏ học giữa chừng, hay thay đổi ngành nghề sau một hai năm sau đó. Điều này đòi hỏi sự thích nghi cao với môi trường học tập mới, với thầy cô, chuyên ngành, bạn học. Nếu sự thích nghi kém sẽ cảm thấy cô đơn, cô lập, chậm nhịp với các bạn, chán nản tiếp diễn là điều khó tránh khỏi.
Xin cảm ơn ông!
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã hạ mức dự báo về khả năng phục hồi của thị trường lao động trong năm 2022. Đặc biệt, ILO dự báo số người thất nghiệp tại Việt Nam sẽ tăng lên. Theo đó, số lao động thất nghiệp tại Việt Nam trong năm 2022 khoảng 1,3 triệu người, so với khoảng 1,2 triệu người của năm 2021. Đến năm 2023, số lượng thất nghiệp sẽ giảm về mức tương tự năm 2021 nhưng vẫn cao hơn thời điểm năm 2019 (khoảng 1,1 triệu người). Cũng theo nghiên cứu của ILO, đến năm 2023, khu vực châu Âu và Bắc Mỹ những dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ nhất, trong khi triển vọng cho khu vực Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Caribbean chậm nhất. |