Có rất nhiều bằng chứng chứng minh rằng hoạt động khoa học và hoạt động giải trí có thể cùng tồn tại song song với nhau. (Ảnh minh họa) |
Thời xưa, Albert Einstein là một tay chơi violin cự phách, nhà vật lý Richard Feynman là tay trống bongo... Thời nay, nhà vật lý học thiên thể của Đại học New York (Mỹ) Federica Bianco tìm cho mình thú chơi rất riêng để giải tỏa căng thẳng sau giờ làm: đấm bốc. Thậm chí, tháng Tư vừa qua, cô còn bay tới Richmond, California để tham gia trận đấu quyền Anh nhà nghề đầu tiên.
Phổ biến trong giới khoa học trẻ
Với Bianco, đấm bốc không đơn thuần chỉ là thú tiêu khiển mà còn là cách hữu hiệu giúp cô hoàn toàn giải phóng khỏi công việc. “Là một nhà khoa học, lúc nào tâm trí tôi cũng lấp đầy bởi những thí nghiệm, công trình nghiên cứu. Nhưng trên võ đài thì khác. Trước mắt tôi là đối thủ và tôi hoàn toàn phải tĩnh tâm để tìm cách hạ gục”, Bianco chia sẻ.
Cuộc chạy đua giành nguồn tài trợ nghiên cứu và những cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp khốc liệt không kém gì một trận đấu quyền Anh. Những áp lực từ các công trình nghiên cứu đã khiến nhiều nhà khoa học phải tạm gác lại những thú vui giải trí thông thường để “chôn chân” trong các phòng thí nghiệm.
Không ít nhà khoa học thừa nhận, nhờ có thời gian nghỉ ngơi và tiêu khiển mà hoạt động chuyên môn của họ được cải thiện. “Việc chơi nhạc đã giúp tôi vượt qua giai đoạn nghiên cứu căng thẳng trong thời gian làm tiến sỹ. Nhờ nó mà tôi duy trì được sự hứng khởi và động lực làm việc”, Ryan Raver - một nhà khoa học trẻ kể lại khoảng thời gian làm nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học Winconsin (Mỹ).
Raver cho rằng “Con người đâu phải cỗ máy, họ cũng cần phải nghỉ ngơi và thư giãn đầu óc khi công việc căng thẳng”.
Không riêng gì Bianco hay Raver, rất nhiều người trong giới khoa học đánh giá cao vai trò của các sở thích và thú tiêu khiển có lẽ bởi bản thân họ đã nghiệm ra được giá trị của chúng. Tony Ryan, nhà hóa học kiêm Phó hiệu trưởng phụ trách khoa học ở Đại học Sheffield (Anh) trong nhiều năm qua đã tuyển dụng nhiều nhà khoa học. Ông cho biết ông luôn do dự khi tuyển dụng những người chỉ mải tập trung vào nghiên cứu. “Chúng tôi cần những nhà khoa học xuất sắc, nhưng chúng tôi cũng cần một con người toàn diện mang lại cảm giác gần gũi cho các sinh viên”, ông giải thích lý do.
Bản thân Ryan cũng có sở thích riêng. Tuy công việc bận rộn nhưng hàng ngày ông vẫn đạp xe đi làm và dã ngoại. Tổng đoạn đường ông đạp mỗi năm lên tới 8.000 km. Ryan còn thường xuyên mang xe đạp tới tham dự các hội thảo quốc tế dù chúng được tổ chức ở những nơi xa như London hay Hong Kong.
Maria Sapar, một nữ nghiên cứu sinh ngành sinh học phân tử ở Đại học Cornell, Ithaca, New York, lại có một thú vui khác là nhảy dù. Đến nay, Sapar đã thực hiện được 147 cú nhảy dù và dự định thực hiện thêm nhiều cú nữa. Sapar tâm sự, chơi thể thao mang lại cho cô cảm giác liều lĩnh và hứng khởi, đồng thời mang lại cái nhìn hài hòa trong mọi vấn đề của cuộc sống, đặc biệt trong công việc nghiên cứu.
Vui chơi nhiều hơn, nghiên cứu tốt hơn
Trên thực tế, có rất nhiều bằng chứng chứng minh rằng hoạt động khoa học và hoạt động giải trí có thể cùng tồn tại song song với nhau. Một nghiên cứu công bố năm 2008 cho thấy, chủ nhân các giải Nobel có xu hướng duy trì những sở thích lâu năm nhiều hơn so với các nhà khoa học khác. Đáng chú ý, so với các thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, ty lệ chủ động theo đuổi các hoạt động nghệ thuật ở những người được giải Nobel cao hơn khoảng 1,5 lần. Như vậy, xét trong quy mô mẫu của nghiên cứu này thì sở thích cá nhân lại là chỉ số thể hiện năng lực khoa học tốt hơn so với chỉ số IQ, vốn không thể hiện nhiều khác biệt giữa những nhà khoa học “tốp trên” và “tốp trung bình”.
Robert Root-Bernstein, nhà vật lí học của Đại học Bang Michigan, East Lansing đồng thời cũng là tác giả chính của nghiên cứu cho hay, rất khó có thể khẳng định những sở thích riêng đã tiếp thêm năng lượng cho các thiên tài hay các thiên tài có xu hướng theo đuổi sở thích riêng. Ông kết luận:“Có lẽ đó là sự kết hợp của cả hai”. Ông cũng lưu ý rằng, trái với quan điểm phổ biến, rất nhiều thiên tài khoa học thường có tinh thần phiêu lưu mạo hiểm và khỏe mạnh hơn người bình thường. “Thật ngạc nhiên, rất nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel tham gia vào trào lưu lướt sóng khi thú vui này thịnh hành vào những năm 1960”, ông cho biết.
Giang Ly (theo Nature)