Nhỏ Bình thường Lớn

Chuyến bay định mệnh

Bầu không khí bí ẩn vẫn đang bao trùm vụ mất tích của chiếc máy bay Airbus A330 mang số hiệu 447 thuộc hãng Hàng không Pháp Air France. Vụ mất tích này cũng khác hẳn với những thảm họa hàng không khác.

Rạng sáng ngày 1/6/2009, chiếc Airbus A330 chở 228 hành khách và thành viên phi hành đoàn đột nhiên biến mất khỏi màn hình radar khi đang bay trên hành trình từ Rio de Janeiro (Brazil) tới Paris (Pháp). Không hề có một thông báo khẩn cấp của phi hành đoàn ngoại trừ một bức điện được máy bay tự động gửi đi khoảng 4 tiếng sau khi cất cánh, trong đó thông báo có sự cố chập điện do bay vào vùng thời tiết xấu. “Thật kỳ lạ! Không tín hiệu, không gì cả, rồi bùm…, nó biến mất”, chuyên gia an toàn bay Robert E. Breiling ở Boca Raton (Brazil) thảng thốt.

Vụ mất tích kỳ lạ!

Trên thực tế, gần như tất cả các vụ tai nạn hàng không đều xảy ra tại sân bay hoặc gần sân bay trong khi đang cất cánh hoặc hạ cánh. Nhưng chiếc Airbus 330 lại mất tích khoảng 4 giờ sau khi cất cánh. Máy bay không phát đi dấu hiệu cảnh báo thảm họa nào trong khi theo Bộ trưởng Giao thông Pháp, “Radar của Tây Ban Nha, Morocco hay Pháp đều không thể tìm thấy tín hiệu của nó”.

Ban đầu, các quan chức của Air France vẫn hy vọng nó chỉ gặp trục trặc về hệ thống liên lạc, hoặc máy bay buộc phải hạ cánh xuống biển hay thậm chí là bị không tặc. Song, nhiều giờ sau đó, chiếc máy bay vẫn “bặt vô âm tín”. Phát biểu trên đài phát thanh Europe 1, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Herve Morin nói tất cả các kịch bản đều đã được các chuyên gia hàng không, quân sự và khí tượng học tính đến. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không loại trừ khả năng đây là một hành động khủng bố. Nhưng vào thời điểm hiện tại, chúng tôi không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy một hành động như vậy đã gây ra vụ tai nạn này”. Bộ trưởng phụ trách giao thông vận tải Pháp Jean-Louis Borloo cũng loại bỏ ngay trường hợp chiếc máy bay bị không tặc khống chế.

Mới đầu, sét đánh được cho là nguyên nhân tai nạn nhưng các chuyên gia an toàn bác bỏ. Theo họ, các máy bay hiện đại đều được thiết kế để chịu đựng được những chấn động như vậy. Đồng thời, thân máy bay và cánh dẫn điện nên tránh được chớp phá hủy máy bay. Theo ông Sparaco từ Viện Hàng không và Vũ trụ Pháp, “Thậm chí trong trường hợp xấu nhất, sét đánh có thể khiến toàn bộ hệ thống điện của máy bay bị tê liệt, nhưng một chiếc máy bay hiện đại như Airbus vẫn có thể bay được”. Hơn nữa, cơ trưởng của chuyến bay này là người đã có kinh nghiệm bay 11.000 giờ (khoảng 2.500 chuyến bay), nên theo cơ trưởng Tim Meldahl thuộc một hãng hàng không lớn của Mỹ: “Không ai mất tỉnh táo đến độ đi thẳng vào một cơn bão. Thông thường các phi công bay theo rìa bão và không ngừng trông chừng sấm chớp lóe lên từ các đám mây phía trước”.

Tuy nhiên, các nhà khí tượng học lại có lập luận khác. Nơi tai nạn xảy ra là nơi các thủy thủ và phi công vốn đều sợ vì không khí thay đổi bất thường dọc đường xích đạo. Theo nhà khí tượng Pierre Lasnais, vùng này “thường xảy ra các cơn bão, sét và các hiện tượng lốc xoáy nhỏ, tạo ra những luồng khí rất mạnh hoặc mưa đá, với kích thước hạt mưa đá có thể to bằng quả bóng tennis, nên rất có khả năng máy bay đã bị sét đánh, cùng lúc đó lại bị cuốn vào luồng khí mạnh có tốc độ 200 km/h. Khi đó máy bay hoàn toàn bị giảm áp suất và không thể kiểm soát được”.

Nguyên nhân chưa ngã ngũ, thì hơn một ngày, sau những nỗ lực tìm kiếm cao nhất, các máy bay quân sự của Brazil ngày 2/6 đã phát hiện một ghế máy bay, một áo phao, những mảnh vụn của máy bay rải rác trong bán kính 5km cùng các dấu hiệu nhiên liệu trên Đại Tây Dương. Những mảnh vụn đã được phát hiện tại khu vực cách đảo Fernando de Noronha của Brazil 659 km về phía Bắc, dọc đường bay mà chiếc Airbus A330 dự kiến đã bay qua trước khi biến mất. Bộ Quốc phòng Brazil cũng xác nhận các mảnh vỡ được tìm thấy trên vùng biển Đại Tây Dương thuộc về chiếc máy bay mất tích Airbus 330 của hãng Air France, nhưng không phát hiện thi thể nào và cũng không có dấu hiệu của sự sống. Việc truy tìm chiếc hộp đen máy bay cũng sẽ vô cùng khó khăn vì rất có thể nó đã chìm xuống đáy đại dương và những tín hiệu được lưu giữ trong hộp đen chỉ được duy trì trong 30 ngày.

Những mảnh đời… xấu số

Mặc dù những nỗ lực tìm kiếm vẫn được tiến hành, song gần như không ai còn hy vọng tìm thấy người sống sót.

Trên chuyến bay định mệnh này có 12 thành viên phi hành đoàn và 216 hành khách thuộc 31 quốc tịch khác nhau. Trên máy bay có Pedro Luis de Orleans e Braganca, 26 tuổi, hậu duệ của Hoàng đế Brazil cuối cùng Dom Pedro II.

Một số gia đình cũng nhớ lại người thân của mình sống sót qua các cơn bạo bệnh hay công việc nguy hiểm như thế nào, cuối cùng chỉ để biến mất trên chiếc 447. Christine Pieraerts, một kỹ sư 28 tuổi đến từ Pháp, vừa qua khỏi cơn đột quỵ và đang về nhà sau chuyến thăm bạn trai 10 ngày ở Brazil. Graham Gardner, một thủy thủ 52 tuổi ở Scotland, đã trải qua bao sương gió và hiểm nguy trên các con tàu, giờ đang trên đường về nhà với vợ. Chàng nha sĩ Jose Souza người Brazil say mê lướt sóng từ khi lên 9 tuổi và du lịch khắp thế giới để chinh phục những con sóng dữ tợn nhất. Anh ra đi để lại một thông điệp trên trang web của CLB lướt sóng London mà Souza là thành viên: “Giờ tôi còn muốn tìm những con sóng to hơn nữa”. Rồi chồng của bà Patricia Coakley, ông Arthur 61 tuổi, một kỹ sư khoan dầu người Anh, đáng nhẽ đã không ở trên chuyến bay xấu số đó. Ông định đi về thăm vợ trên một chuyến bay khác, nhưng rồi máy bay hủy chuyến. Trong lúc máy bay mất tích, người vợ vẫn cố gọi điện cho chồng và chiếc di động của ông vẫn đổ chuông, chỉ có điều không có người nghe…

Nếu như thông tin toàn bộ 228 người đã thiệt mạng được xác nhận, đây sẽ là sự thiệt hại nhân mạng lớn nhất trong lịch sử hãng Air France nói riêng và lịch sử ngành hàng không dân dụng nói chung, trong hơn một thập niên qua. Nhưng chưa tìm thấy máy bay, không ai có thể nói chính xác điều gì đã xảy ra với chiếc Airbus của Air France.  

Hoàng Minh