Nhà văn Trung Sỹ. |
Trung Sỹ tên thật là Xuân Tùng, sinh năm 1960 trong một gia đình viên chức cũ ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1978, ông tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam từ năm 1978 - 1983, rồi giải ngũ về công tác tại một công ty xây dựng cho đến khi nghỉ hưu. Trung Sỹ được biết đến qua tác phẩm thấm đẫm hồi ức chiến tranh Chuyện lính Tây Nam phát hành vào năm 2017. Và đến cuốn hồi ký Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu vừa ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, ông lại kể về kỷ niệm tuổi thơ gắn bó với Thủ đô qua thời kỳ đi sơ tán và thời bao cấp...
Ngày xưa không lung linh
Viết về Hà Nội, người ta thường hay kể chuyện lịch sử, ẩm thực, phố xá..., nhưng Trung Sỹ muốn Hà Nội của ông phải khác. Là người con Hà Nội lớn lên, ra đi rồi lại trở về, ông muốn nhìn Hà Nội vừa có phố, vừa có nhà và vừa phải có số phận con người trong đó. Người khác thường nhớ tuổi trẻ giống như ngậm ngùi nhìn về một bông hoa đang nở, nhưng ông lại khách quan hơn khi nhìn thấy những xù xì, gai góc của cây hoa. Bởi vậy, đó là những ký ức của một cậu bé với những khó khăn, gian khổ của ngày đi sơ tán cùng chiếc mũ rơm, nỗi khó hiểu cho những chiếc tem phiếu và cả những người lạ đến ở nhà mình.
Cậu bé ấy đã chứng kiến đất nước chuyển mình qua từng giai đoạn và từng cột mốc. Trên từng trang hồi ức, Hà Nội hiện ra không lung linh, lấp lánh hoa lệ hay lãng mạn tình tứ. Ở nơi đó, những người dân trở về từ nơi sơ tán với niềm hân hoan cùng nỗi lo toan xây dựng lại cuộc sống cũ. Nhưng không lâu sau, họ lại dắt díu nhau đi sơ tán khỏi các trận địch tái bắn phá.
Hà Nội trong tuổi thơ của những đứa trẻ 6X khi ấy là ngồi dưới gầm cầu thang ôm đầu sợ hãi, đợi tiếng máy bay địch đã khuất xa, là các quầy mậu dịch đông đúc người xếp hàng cùng gương mặt mệt mỏi và các cô mậu dịch viên khó tính. Thủ đô cũng gắn liến với chiếc mũ rơm hôm qua vẫn thấy bạn cùng bàn đội, mà hôm nay đã nghe tin bạn dẫm phải mìn sẽ không trở về.
Thật, lạ và đời hơn
“Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu không chỉ lưu lại những khoảnh khắc đẹp, rất đẹp, mà còn mở ra cho chúng ta cả một bảo tàng về thời chiến tranh, bao cấp và những ngày sơ tán về quê trong hai thập niên 1960 và 1970... Một câu chuyện mang vẻ đẹp huyền hoặc của màu thời gian và sự hoài niệm qua góc nhìn của một cậu bé Hà Nội cũ". (Nhà văn Bình Ca) |
Có thể nói, so với nhiều tác phẩm viết về Hà Nội cũ, hồi ký của Trung Sỹ thật, lạ và đời hơn. Bằng trái tim đong đầy tình yêu với mảnh đất này, ông đã tái hiện Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước chân thực đến nỗi người đọc phải bật cười bởi sự trào phúng, mỉa mai ở trang trước, thì ngay trang viết sau lại có thể lắng đọng bởi sự duyên dáng, hóm hỉnh đến kỳ lạ về thời thế và con người khi ấy.
Cái thật là Hà Nội hiện hữu ở cả mùi đất, mùi gió trong ngõ nhỏ, phố nhỏ... như mái tóc phi-dê của mẹ ông và căn gác nơi bà nội làm việc luôn có một mùi giấy mốc... Hà Nội cũng không phải với 36 phố phường sầm uất phồn hoa, mà là xưởng làm mì gia công “100 cân bột thì nhận 94 cân mì sợi. Có lẽ vì dính mồ hôi con người mà các sợi mì gia công có vẻ dai và mặn hơn các sợi mì nhà nước”.
Cũng là ẩm thực, nhưng hãy nghe cách ông viết về phở: “Hà Nội chẳng có phố nào tên là phố Phở, nhưng phố phở luôn là nỗi nhớ thủ đô trong lòng con trẻ. Có những buổi chiều dầu đèn nhập nhoạng dơi bay, tôi mở sách dừng lại ở bài này lâu nhất. Khuôn hình minh họa vẽ một góc phố nhỏ, phố có vỉa hè hẳn hoi, có ngôi nhà hai tầng chấp chới sau một tán bàng. Tiếng chùm chìa khóa đồng bà ngoại tôi vọng reo ling king đâu đó. Ngôi nhà hẳn bán phở nên mới gọi là Phố Phở. Tôi nhắm mắt, như nhìn thấy tảng thịt bò chín ngậy, mùi hành hoa điểm vị nồng của lát gừng cay đập dập trong trang sách. Nhớ phố, nhớ phở quá! Nếu bây giờ được về Hà Nội, tôi sẽ dứt khoát đòi bà ngoại bằng được một bát phở dù không ốm”.
Nhớ... để sống tử tế hơn
Để hiểu về tình người Hà Nội cần đọc những trang hồi ký thời Thủ đô bị ném bom của Trung Sỹ. Đó là câu chuyện về bà vú già chăm mẹ ông từ khi còn bé tí, rồi đến lúc mẹ sinh con, lại một tay bà chăm mấy đứa con ấy cho đến khi bà già rồi về quê, nhà bị sơ tán khắp nơi lại về ở nhà bà và được bà yêu thương, che chở như con cháu mình... Đó còn là tình cảm đầy yêu thương, lo lắng dành cho những người bạn, những người không cùng máu mủ được ông gói gắm kỹ trong trí nhớ của tháng năm.
Ông kể: “Chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt. Khi cả nhà rời khỏi Hoài Đức vài hôm, máy bay Mỹ oanh tạc trúng hai làng Yên Bệ và Yên Vĩnh, nơi chúng tôi ở trước. U Nhu hớt hải chạy ngược về Hà Nội, kể ở Đức Thượng nhìn về Yên Vĩnh, thấy bom quật tung cả những bụi tre lớn lên trời. Không biết đơn vị bộ đội phòng không ở đó có thiệt hại gì không nhưng dân làng chết nhiều lắm. Ở đấy có tụi bạn học vỡ lòng của tôi: những thằng Báu mồm méo, thằng Bảo trọc, thằng Minh bồng, thằng Cường híp... bao lần cùng tôi chơi đánh trận giả dưới con hào giao thông nối những căn hầm. Thằng Năng hay nhổ cho tôi những bụi rong giềng, dưới gốc đeo nặng quầy củ dẻo thơm. Cây rong riềng lá tía, có những đọt hoa thắm đỏ chứa đầy mật ngọt. Không biết những đứa bạn làng quê của tôi có thoát được trận bom đó không?”.
Sống ở hiện tại cùng một Thủ đô năng động, giàu sức sống với những dòng người, dòng xe cộ ngổn ngang, đôi khi, Trung Sỹ lại băn khoăn “những tâm hồn hoài cổ như bơ vơ tụt hậu trong cái thành phố quê hương tuổi thơ một thời, chẳng biết có bị gỉ ngoèn ra như cây cầu Long Biên hơn trăm năm tuổi?”.
Thế nhưng, theo ông, cây cầu với “lòng kiêu hãnh vẫn trăm năm vẫn nằm vắt mình thiêm thiếp ngủ giữa hai bờ sương sớm. Một sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa vững chắc của kết cấu thép với sự bay bổng, lãng mạn, nối quá khứ và hiện tại. Ở đó, mỗi thanh giằng thép, mỗi nhịp lan can gang đúc thép đều giống như những sợi đàn căng, đều ngân lên khúc hát Thăng Long Hà Nội trong gió ngàn xưa”.
Trung Sỹ đã khép lại những trang hồi ký về Hà Nội như thế cũng như cách ông gửi gắm những giá trị cũ tới thế hệ ngày nay. “Thời ấy khó khăn như vậy mà còn sống được, thậm chí còn sống tốt. Bây giờ đầy đủ như vậy thì không lý do gì mà chúng ta không sống lương thiện, sống tử tế và lành mạnh được!”, ông chia sẻ.
"Đa số tác giả viết về Hà Nội thành từng bài nhỏ riêng biệt. Một thú chơi, một món ăn, một kỷ niệm phố phường hay những địa danh lịch sử. Mỗi một góc nhìn, mỗi tác giả có cách kiến giải về Hà Nội của riêng mình. Hồi ký của Trung Sỹ có cấu trúc khác hẳn. Đó là một câu chuyện dài liền mạch về thủ đô, trong đó có xuất thân gia đình và dòng họ, có tuổi thơ sơ tán đi học và có những ngày cực nhọc bao cấp khốn khó. Và người viết về cái Hà Nội cũ kỹ ấy là một cậu bé cực kỳ tinh nhạy của Hà Nội năm nào". (Nhà văn Phạm Ngọc Tiến) |