Sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn chính là nguyên nhân chính khiến dòng vốn FDI giảm đáng kể những tháng đầu năm 2023. (Nguồn: VnEconomy) |
Vốn đăng ký giảm, vốn giải ngân cũng giảm
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/3/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, là do trong 3 tháng năm 2022 có sự gia tăng đột biến với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án LEGO, với tổng vốn đăng ký 1,32 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới trong 3 tháng năm 2022.
Trong khi đó, giá trị góp vốn, mua cổ phần, theo Cục Đầu tư nước ngoài, cũng giảm và vốn điều chỉnh chưa được cải thiện nhiều so với 2 tháng. Tuy nhiên, số dự án đầu tư mới và số lượt dự án điều chỉnh vốn vẫn tăng so với cùng kỳ.
Tin liên quan |
Không phải Mỹ hay châu Âu, đây mới là khu vực 'rót' nhiều FDI vào Việt Nam nhất |
Cụ thể, trong quý đầu năm, có 522 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 62,1% về số lượng dự án và giảm 5,9% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, có 228 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 2,6% về số lượt dự án và giảm 70,3% về số vốn so với cùng kỳ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư điều chỉnh 3 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ do trong 3 tháng năm 2022 có nhiều dự án điều chỉnh vốn lớn trên 50 triệu USD. Riêng các trường hợp này đã chiếm tới 81% tổng vốn điều chỉnh của 3 tháng năm 2022.
Trong khi đó, 3 tháng năm 2023 có ít các lượt dự án điều chỉnh vốn trên 50 triệu USD và chỉ chiếm 37,8% tổng vốn điều chỉnh.
Cùng với đó, trong 3 tháng đầy năm, có 703 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị gần 1,22 tỷ USD, giảm 4,2% về số lượt và giảm 25,5% về số vốn so với cùng kỳ.
Không chỉ vốn đăng ký giảm, mà số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài cũng giảm so với cùng kỳ, đạt 4,3 tỷ USD, giảm 2,2%. Mức giảm này cũng đã cải thiện so với 2 tháng đầu năm.
Vẫn trông vào đối tác đầu tư truyền thống
Nhận xét về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong quý đầu năm, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài theo cách thức đầu tư vốn có sự thay đổi so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng vốn đầu tư mới trong tổng vốn đăng ký tăng lên (chiếm hơn 55,5% so với 36% cùng kỳ năm 2022), trong khi tỷ trọng vốn đầu tư điều chỉnh giảm đi (chiếm 22,2% so với 45,6% trong cùng kỳ). Tỷ trọng góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng nhẹ từ 18,3% trong 3 tháng năm 2022 lên 22,3% trong 3 tháng năm 2023.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư mới tuy không còn duy trì được mức tăng mạnh như trong 2 tháng đầu năm, song số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng mạnh so với 2 tháng đầu năm.
Cùng với đó, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc túc đầu tư…), như Bắc Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh, TP.HCM, Hải Phòng…
Xét theo ngành, trong quý đầu năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 73% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 25% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 766 triệu USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 71,6% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi thu hút vốn đầu tư tăng hơn so với cùng kỳ, xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 276 triệu USD (tăng gấp 2 lần cùng kỳ) và gần 151 triệu USD (tăng 37%). Còn lại là các ngành khác.
Còn xét theo đối tác đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu 2023.
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 1,69 tỷ USD, chiếm gần 31% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 26,3% so với cùng kỳ 2022; Trung Quốc đứng thứ hai với gần 552 triệu USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư, giảm 38,3% so với cùng kỳ.
Đài Loan đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 477 triệu USD, chiếm gần 8,8% tổng vốn đầu tư, tăng 47,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Hà Lan,..
Tuy nhiên, xét về số dự án, Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 15,5%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,9%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 28,4%).
Như vậy, các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống, như Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản…vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đặc biệt, đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc tăng, vượt qua Đài Loan, Hàn Quốc và xếp thứ 2 trong 67 đối tác có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng, với dự án đầu tư mới lớn (140 triệu USD) trong lĩnh vực sản xuất pin, ắc quy, tấm pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang.
| Nhìn lại dấu ấn thu hút FDI năm 2022 Việt Nam vừa kết thúc chặng cuối cùng trong hành trình 35 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng những tín ... |
| Việt Nam: 'Viên ngọc quý' của Đông Nam Á trong hoạt động thu hút đầu tư Việt Nam đang được đánh giá là "viên ngọc quý" mới nhất của Đông Nam Á – đặc biệt trong hoạt động thu hút đầu ... |
| 2023 sẽ là năm sôi động trong thu hút FDI Đi xa để trở về là điều chẳng hẹn… nhưng dường như đã được định trước trong tâm hồn mỗi người con đất Việt. |
| Bốn lĩnh vực Thủ tướng mong muốn các Quỹ đầu tư chính lớn của Singapore hỗ trợ Việt Nam Tại toạ đàm, ăn trưa với các Quỹ đầu tư tài chính lớn của Singapore, Thủ tướng Chính phủ mong muốn các Quỹ này sẽ ... |
| Đâu là những lợi thế cạnh tranh mới của Việt Nam trong thu hút FDI? Việc áp dụng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% vào năm 2024 đang đặt cuộc cạnh tranh thu hút FDI trên toàn cầu ... |