Không ngừng cải cách và hội nhập mạnh mẽ
10 tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng. Bà đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế nước ta trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều biến động?
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) TS. Trần Thị Hồng Minh. |
Việt Nam bước vào năm 2022 với thuận lợi và khó khăn đan xen. Mặc dù kỳ vọng nhiều vào đà phục hồi gắn với thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn của kinh tế thế giới, như giá hàng hóa tăng cao hay khủng hoảng năng lượng, lương thực...
Trong bối cảnh ấy, kinh tế Việt Nam đã vượt khó và thể hiện đà phục hồi tích cực, mạnh mẽ trong 10 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.
Song song với đó, trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng tới 16%; thặng dư thương mại đạt tới 9,6 tỷ USD; CPI bình quân chỉ tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III/2022, tốc độ tăng GDP của Việt Nam (so với cùng kỳ năm trước) cao hơn đáng kể so với các nền kinh tế ở khu vực châu Á - ngay cả khi đây là khu vực phục hồi tương đối năng động khi mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Quan trọng hơn, Việt Nam liên tục nằm trong top đầu theo xếp hạng của Chỉ số phục hồi do Nikkei Asia công bố. Đây cũng là một cơ sở quan trọng để các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào triển vọng phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023.
Các tổ chức quốc tế như Moody, Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%. Bà dự đoán thế nào về tăng trưởng GDP năm nay và yếu tố nào giúp Việt Nam đạt được kết quả này?
Các tổ chức quốc tế đều chung nhận định về triển vọng phục hồi vững chắc của kinh tế Việt Nam. WB nhận định rằng, các hoạt động kinh tế của Việt Nam đã khởi sắc lại, chỉ số tự do kinh tế được đánh giá tích cực, hay tổ chức S&P cũng đánh giá mức tín nhiệm quốc gia từ “BB” sang “ổn định”.
Điều này là một kết quả đáng ghi nhận đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các tổ chức quốc tế đã hạ bậc hoặc hạ triển vọng tăng trưởng của hàng chục quốc gia khác trên thế giới.
Theo quan điểm của tôi, có được thành tích trên một phần quan trọng là nhờ Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm các cân đối lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, kinh tế Việt Nam vẫn phải xử lý một số khó khăn, rủi ro tiềm ẩn. Cụ thể như áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng, các chính sách còn chưa đồng bộ để đáp ứng yêu cầu mở rộng không gian cho các hoạt động kinh tế mới, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong tiến trình cải cách thể chế kinh tế còn chưa tương xứng với kỳ vọng...
Tôi cho rằng, nếu tận dụng tốt các cơ hội và xử lý hữu hiệu thách thức đan xen, Việt Nam có thể tự tin vào đà phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và tạo nền tảng tích cực khi bước sang năm 2023.
Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 22,46 tỷ USD, tăng 9,9% so với 9 tháng. Theo bà, lý do nào khiến doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam làm "cứ điểm" cho hoạt động sản xuất, kinh doanh?
Bên cạnh những thành tích trong phòng chống đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn duy trì được những yếu tố nền tảng có được từ nhiều năm trước bao gồm: môi trường đầu tư, kinh doanh chuyển biến nhanh và tích cực; cơ hội từ một loạt các hiệp định thương mại (FTA) mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA)...; nền tảng kinh tế vĩ mô và nền tảng xã hội tiếp tục ổn định...
Đặc biệt, năng lực điều hành chính sách của Việt Nam đã được minh chứng qua những thời kỳ nhiều bất định, như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, đại dịch Covid-19.
Điều đó đã góp phần củng cố hình ảnh một đất nước Việt Nam không ngừng cải cách và hội nhập mạnh mẽ, tạo được niềm tin đáng kể với nhà đầu tư nước ngoài.
Những năm gần đây, Việt Nam đã thể hiện tư duy, quyết tâm tích cực, chủ động trong hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng đã đề ra các định hướng tiếp cận các nhà đầu tư phù hợp, có nguyện vọng và năng lực đóng góp hữu hiệu vào quá trình phát triển của Việt Nam.
Đi qua thời kỳ Covid-19, chúng ta càng “thấm thía” về tính đúng đắn của chủ trương này, bởi các nhà đầu tư nước ngoài đã chủ động phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác “ngoại giao vaccine”, qua đó giúp đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng và tạo đà cho phục hồi kinh tế.
Trong quá trình ấy, Việt Nam cũng thể hiện sự sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu, phối hợp. Đó là điều nhà đầu tư đặc biệt đánh giá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều bất định.
Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh. (Nguồn: TTXVN) |
Cẩn trọng với rủi ro
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song nhiều dự báo cho rằng, việc các quốc gia trên thế giới và khu vực đang cạnh tranh nhau trong thu hút FDI cũng khiến Việt Nam đối mặt với khó khăn trong thu hút dòng vốn ngoại. Bà nhận định thế nào về các dự báo này? Việt Nam hiện gặp khó khăn gì?
Xu hướng dịch chuyển đầu tư đã có từ những năm trước, gắn với các chiến lược Trung Quốc+1, Thái Lan+1… Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc và dịch Covid-19, xu hướng này càng được thúc đẩy nhanh hơn.
Theo đó, chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ, đi kèm với cơ hội lớn thu hút đầu tư nước ngoài cho các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam.
Việc ứng phó tương đối hiệu quả trong đại dịch Covid-19 đã gia tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Dù vậy, Việt Nam không thể tự bằng lòng với những thành quả đã đạt được.
Cần lưu ý, Việt Nam vẫn phải đối mặt với khó khăn, thách thức cả về năng lực thể chế, năng lực của doanh nghiệp và người lao động, cũng như chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng.
Cạnh tranh thu hút FDI là không thể tránh khỏi, song nếu chỉ dựa hoàn toàn vào cách tiếp cận trao ưu đãi tài chính để thu hút FDI thì Việt Nam có thể gặp rủi ro “đua xuống đáy” với các nền kinh tế khác.
Vậy, Việt Nam cần những giải pháp, chính sách nào để tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, đặc biệt là dòng vốn chất lượng cao?
Việt Nam không cần gì hơn ngoài việc làm tốt hơn những điều đang làm.
Một mặt, chúng ta cần tiếp tục củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho người lao động để tạo nền tảng quan trọng cả về kinh tế và xã hội để hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, Việt Nam cũng phải hướng nhiều hơn đến xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ cho dòng vốn FDI chất lượng cao. Theo đó, cần tiếp tục tháo gỡ các rào cản pháp lý đối với hoạt động đầu tư-kinh doanh. Nhìn thẳng vào những rào cản này sẽ là tiền đề quan trọng để Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài có thể cùng phối hợp xử lý hữu hiệu nhất.
Cuối cùng, Việt Nam cần thúc đẩy phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn, gắn với giải ngân đầu tư công, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, và đào tạo kỹ năng cho người lao động có thể làm việc, thích ứng và tự học trong các công việc, ngành nghề mới.
Chủ trương, kinh nghiệm chúng ta đều đã có, trong khi nhà đầu tư cũng bày tỏ quan tâm đối với Việt Nam. Mấu chốt còn lại chính là ở quyết tâm hành động bài bản và khẩn trương hơn.
Xin cảm ơn bà!