📞

Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Địa phương cần xây dựng chiến lược về hội nhập

17:30 | 21/08/2016
“Để làm tốt hơn nữa công tác đối ngoại tại địa phương, các địa phương phải làm sao xây dựng được kế hoạch chiến lược liên quan đến hội nhập quốc tế, từ đó xác định những đối tượng, quốc gia, tổ chức phù hợp với nhu cầu của từng địa phương cụ thể”.

Đó là nhận định của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung ngày 21/8 khi trả lời báo chí về kết quả Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18.

Đại sứ Lê Hoài Trung trả lời phỏng vấn báo chí.

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về Hội nghị Ngoại vụ năm nay?

Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 có ý nghĩa rất đặc biệt, được tổ chức ngay sau Đại hội Đảng XII và được tổ chức cùng với Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29.

Nhiệm vụ đề ra của Hội nghị là đánh giá lại công tác ngoại vụ và xác định đây là lĩnh vực quan trọng của Bộ Ngoại giao kể từ Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 17 năm 2013; Đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới và những biện pháp cụ thể như tiêu đề hội nghị đã nhấn mạnh, đó là nâng cao hiệu quả của công tác ngoại vụ nhằm phục vụ tốt sự nghiệp phát triển cũng như hội nhập quốc tế của địa phương.

Sau những chia sẻ của các đại biểu địa phương cũng như các Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong khuôn khổ Hội nghị, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả thu được của hoạt động ngoại vụ thời gian qua?

Có thể khẳng định rằng, kết quả thu được của các hoạt động ngoại vụ rất tích cực. Các đại biểu, Đại sứ đều đã đánh giá, trong thời gian vừa qua, công tác ngoại vụ đã được các Bộ/ban ngành ở Trung ương, trong đó có Bộ Ngoại giao - cơ quan được Đảng và Nhà nước giao trực tiếp nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước, hỗ trợ các địa phương quản lý hoạt động ngoại vụ, hết sức quan tâm, thể hiện qua việc tăng cường công tác tổ chức, văn bản pháp lý liên quan tới công tác ngoại vụ.

Bộ máy hoạt động ngoại vụ đã được củng cố. Cụ thể, chúng ta đã có 50 tỉnh, thành phố có Sở ngoại vụ, đội ngũ cán bộ ngoại vụ được đào tạo, phát triển cả về chất lượng và số lượng, đóng góp vào công tác địa phương trên tất cả các lĩnh vực như bảo đảm an ninh, chính trị và trật tự xã hội. Các sở ngoại vụ đã kết nối với Bộ Ngoại giao, các Bộ/ban ngành Trung ương để tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương nhằm đảm bảo an ninh, ví dụ như ở một số tỉnh biên giới với mục tiêu đảm bảo trật tự đường biên và xử lý những tình huống phức tạp có thể xảy ra.

Về chính trị - đối ngoại, các Sở ngoại vụ đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương, phối hợp với Bộ, ban ngành Trung ương trong việc tạo dựng mối quan hệ với các nước, đặc biệt là địa phương các nước. Trong hai, ba năm qua, chúng ta đã ký gần 300 văn bản hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với địa phương các nước, đặc biệt về lĩnh vực kinh tế. Các Sở ngoại vụ cũng đã kết nối với Bộ Ngoại giao, qua đó kết nối với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy đầu tư, tìm nguồn công nghệ.

Tại Hội nghị, một số Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản, Israel, Liên bang Nga, Pháp… đã nêu những ví dụ hợp tác cụ thể. Nhiều đại diện địa phương cũng đã nêu những ví dụ như về hợp tác giống cây trồng mới, đề cập tới vấn đề phát huy công nghệ cao. Các đại biểu cho rằng, để phát triển tốt ngành nông nghiệp, việc tìm thị trường đã là một vấn đề nhưng vẫn cần chú trọng tới khía cạnh công nghệ để đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng cũng như giảm giá thành sản phẩm, qua đó mới có thể đáp ứng được thị trường, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh và làm cho nông nghiệp phát triển bền vững.

Liên quan tới vấn đề chống biến đổi khí hậu, rõ ràng sự hỗ trợ của bên ngoài có ý nghĩa quan trọng không chỉ về vốn mà còn về công nghệ xử lý biến đổi khí hậu. Về văn hóa, đây cũng là một lĩnh vực có tiềm năng lớn. Trong hai năm qua, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã trao tặng 9 danh hiệu mới cho các địa phương của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển văn hóa và thúc đẩy du lịch.

Những hợp tác giữa địa phương với Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành Trung ương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn luôn được tăng cường. Điều này đã đem lại những kết quả cụ thể, thông qua tổng số lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như trong vấn đề tranh thủ công nghệ cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp của địa phương.

Ngày nay, ngày càng nhiều địa phương đã tranh thủ công nghệ để phát triển các ngành nghề có thế mạnh. Nhiều địa phương phát triển quan hệ với các địa phương, doanh nghiệp các nước khác nhau để thu hút nguồn chất xám, du lịch, dưới nhiều hình thức khác nhau và được tiến hành ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam.

Trong các cuộc phỏng vấn bên lề tại Hội nghị, một số địa phương cũng như Trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài có đề cập đến tình hình hoạt động đối ngoại địa phương hiện nay vẫn còn tiềm năng, nhiều dự án vẫn còn nằm trên giấy. Vậy, trong thời gian tới, Trung ương nói chung và Bộ Ngoại giao nói riêng sẽ có những hỗ trợ như thế nào đối với các địa phương để hoạt động đối ngoại địa phương đạt hiệu quả tốt hơn?

Qua theo dõi và qua nghiên cứu của các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, tôi cho rằng các cơ quan chức năng ở địa phương đã rất nỗ lực đối với công tác đối ngoại địa phương. Nhiều đơn vị, ban ngành khác nhau của địa phương đã tham gia vào công tác này như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ và nhiều đơn vị chuyên môn khác.

Tuy nhiên, chúng ta biết quá trình triển khai các dự án còn phụ thuộc vào không chỉ ở phía Việt Nam mà còn ở đối tác quốc tế. Từ trước đến nay, Bộ Ngoại giao luôn cố gắng phối hợp với các địa phương xây dựng những kế hoạch cụ thể. Ví dụ: đối với Chiến lược về hội nhập quốc tế, sau khi có chủ trương, các địa phương cũng xây dựng được chiến lược về hội nhập quốc tế riêng cho mình. Nhiều địa phương đã và đang triển khai một trong những yêu cầu là tranh thủ nguồn vốn FDI, nguồn viện trợ quốc tế, tranh thủ những điều kiện mới của các Hiệp định thương mại đề ra như thế nào...

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần làm việc với các đối tác, các ban ngành ở trung ương để xác định những thế mạnh của từng địa phương và lựa chọn những đối tác phù hợp để tiếp cận. Ví dụ ở Nhật Bản, chúng ta có thể tranh thủ về khoa học công nghệ, nguồn vốn... nhưng ở địa bàn khác, chúng ta lại tìm thấy khả năng xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của địa phương. Do đó, việc xây dựng kế hoạch và xác định những đối tác phù hợp là rất quan trọng.

Bộ Ngoại giao luôn giúp các địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gặp gỡ, giải quyết, tháo gỡ những vấn đề đặt ra sớm hơn. Cùng với đó, Bộ Ngoại giao liên tục tổ chức những khóa bồi dưỡng, giới thiệu, thông tin về hội nhập quốc tế. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã mở những lớp bổ trợ kiến thức đối ngoại cho khoảng 2.000 lượt cán bộ làm công tác đối ngoại tại các Sở, ban ngành tại địa phương, giúp nâng cao trình độ ngoại ngữ, trình độ về biên phiên dịch, kiến thức về kinh tế, các vấn đề liên quan đến nước ngoài…

Tôi nghĩ rằng, để làm tốt hơn nữa công tác đối ngoại tại địa phương, các địa phương phải làm sao xây dựng được kế hoạch chiến lược liên quan đến hội nhập quốc tế, từ đó xác định những đối tượng, quốc gia, tổ chức phù hợp với nhu cầu của từng địa phương cụ thể.