Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế cho rằng, khi thế giới dự báo tiếp tục có những thay đổi mang tính bước ngoặt, chuyển dịch sang cục diện mới, với các siêu chu kỳ mới, sự bùng nổ của các công nghệ đột phá và áp dụng nhiều tiêu chuẩn toàn cầu mới, nhiều thách thức và cơ hội đan xen chính là “mảnh đất tốt” để ngoại giao kinh tế nắm bắt các xu thế mới, kiến tạo các cơ hội mới, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự với tư cách khách mời chính của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại phiên Đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu”, ngày 16/1. (Nguồn: TTXVN) |
Thưa Thứ trưởng, sau “cuộc săn lùng vaccine trên khắp thế giới”, có phải chúng ta đang vào “cuộc săn lùng” các ý tưởng phát triển mới, để tăng tốc phát triển đất nước?
Bạn nói “cuộc săn lùng” không sai. Chúng ta đã triển khai rất tốt chiến dịch ngoại giao vaccine, góp phần quyết định triển khai thành công chiến lược vaccine thần tốc với quy mô lớn nhất trong lịch sử, giúp bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Có thể nói, chiến dịch ngoại giao vaccine là hình mẫu để chúng ta triển khai những chiến dịch khác.
Bối cảnh mới tất nhiên đặt ra thêm nhiều nhiệm vụ mới cho Bộ Ngoại giao, trong đó có ngoại giao kinh tế với vai trò tiên phong, đi đầu, tích cực đồng hành cùng các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Chúng ta cần “săn lùng” những ý tưởng mới để đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.
Đó là, tăng cường các nội dung hợp tác kinh tế trong xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch phát triển quan hệ với các đối tác cũng như trong các chuyến thăm, tiếp xúc đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ thúc đẩy thiết lập các khuôn khổ hợp tác trong những lĩnh vực mới, thực chất, có tính đột phá.
Đó là đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu và tích cực thúc đẩy liên kết quốc tế nhằm mở rộng không gian kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư chất lượng cao, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội và quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Đó là trên tinh thần ngoại giao kinh tế “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, chúng ta tiếp tục giữ vững vai trò “người đồng hành tin cậy”, đẩy mạnh thực hiện chức năng đột phá, mở đường. Như cách chúng ta đã làm rất tốt trong những năm vừa qua, mạnh dạn mở ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới có hiệu quả cao, mang lại kết quả thiết thực cho địa phương, doanh nghiệp; tìm ra các sản phẩm mới để kết nối quốc tế hiệu quả hơn, thúc đẩy hợp tác.
Thứ trưởng vừa nói đến cụm từ “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”. Thứ trưởng có thể chia sẻ chúng ta đã cụ thể hóa phương châm này như thế nào?
Gắn bó một thời gian dài với ngoại giao kinh tế, tôi thấy đây là phương châm rất thiết thực và cụ thể. Ngoại giao kinh tế suy cho cùng là để phục vụ người dân, địa phương, doanh nghiệp và qua đó là phục vụ đất nước.
Thời gian qua, ngoại giao kinh tế đã tập trung thúc đẩy mở rộng ra các lĩnh vực mới, còn nhiều tiềm năng. Các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn sẵn sàng tư vấn, cung cấp thông tin, kinh nghiệm quốc tế tới tận các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp, như kinh nghiệm xanh hóa ngành dệt may, kinh nghiệm phát triển du lịch, phát triển dịch vụ du lịch liên quan ngành Halal…
Gần đây, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hai tọa đàm với Hiệp hội doanh nghiệp dược phẩm và tổ chức kết nối cho các doanh nghiệp dược với các đối tác tại Nam Phi. Chúng ta cũng đã lần đầu tiên chủ trì đón đoàn doanh nghiệp quy mô lớn của khu vực Trung Đông, cụ thể là Saudi Arabia, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa trong thu hút hợp tác với doanh nghiệp khu vực Trung Đông.
Sắp tới chúng ta sẽ đón đoàn doanh nghiệp hàng đầu Bắc Âu, quan tâm tới hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng…
Điều thú vị là tại cuộc tiếp kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos 2024, lãnh đạo Tập đoàn Tài chính Skandinaviska Enskilda Banken (SEB – Thụy Điển), đơn vị tổ chức hoạt động thường niên của khối doanh nghiệp Bắc Âu cho biết, sức hút Việt Nam khiến hơn 100 doanh nghiệp đăng ký tham gia, đây sẽ là điểm đến rất quan trọng của họ.
Bên cạnh đó, chúng ta đã hỗ trợ, phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức hàng trăm tọa đàm kết nối địa phương với các đối tác quốc tế, hỗ trợ các địa phương triển khai các hoạt động đối ngoại, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, triển khai công tác ngoại giao văn hóa cả ở trong nước và nước ngoài.
Các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hết sức tích cực, đã có nhiều cuộc làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp như thủy sản, da giày, đồ gỗ... là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong buổi gặp gỡ các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, tháng 12/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Vừa tháp tùng chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Davos, xin Thứ trưởng chia sẻ chúng ta đã nắm bắt các xu thế phát triển mới như thế nào và các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp đánh giá về chúng ta thế nào?
Khi thế giới tiếp tục có những thay đổi mang tính bước ngoặt, chuyển dịch sang cục diện mới, với các siêu chu kỳ mới, sự bùng nổ của các công nghệ đột phá và áp dụng nhiều tiêu chuẩn toàn cầu mới, nhiều thách thức và cơ hội đan xen chính là “mảnh đất tốt” để ngoại giao kinh tế nắm bắt các xu thế mới, kiến tạo các cơ hội mới, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Khi dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos mới thấy chúng ta tham dự WEF chính là tham gia các “phiên chợ ý tưởng sáng tạo”. Ở đó có rất nhiều cơ hội trao đổi, tiếp cận các ý tưởng, xu thế phát triển mới của thế giới nhằm phục vụ cho xây dựng, triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua Diễn đàn kinh tế uy tín hàng đầu thế giới này, chúng ta đã nắm bắt được các tư duy, ý tưởng hợp tác mới, các xu hướng mới của kinh tế toàn cầu.
Qua đây, chúng ta nhận thấy thế giới đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với các động lực tăng trưởng được thúc đẩy từ trí tuệ nhân tạo và các công nghệ giảm phát thải carbon. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh củng cố lòng tin chiến lược, thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh trong giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay.
Ngược lại, Việt Nam cũng đã tạo ra một làn gió mới đối với hợp tác đầu tư nước ngoài chất lượng cao, góp phần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao tư duy, tầm nhìn và giải pháp của Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ chia sẻ về thúc đẩy đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, xây dựng lòng tin chiến lược, bảo đảm cân bằng lợi ích và thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân...
Đặc biệt, Phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và Phiên Đối thoại “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu” đã để lại ấn tượng sâu sắc về những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội, các định hướng, chiến lược phát triển đất nước và chủ trương, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam; những đóng góp trách nhiệm, hiệu quả của Việt Nam đối với hòa bình và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Các phát biểu của Thủ tướng Chính phủ đã truyền tải những thông điệp rõ nét về đất nước Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu. Đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp bày tỏ ấn tượng về tầm nhìn phát triển chiến lược của Việt Nam; thể hiện sự hào hứng, quan tâm đến các cơ hội đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam và đã ngay lập tức cam kết tổ chức các đoàn doanh nghiệp lớn vào Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng. |
Với những gì chúng ta làm được và chưa làm được trong năm qua, theo Thứ trưởng trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào những ưu tiên nào?
Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa tiên quyết để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn2021-2025, tạo nền tảng quan trọng hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Bám sát chủ đề điều hành năm 2024 của Chính phủ là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, triển khai kết quả Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, chúng ta xác định quyết liệt đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển trong thời gian tới theo bốn định hướng sau:
Thứ nhất, nhiệm vụ quan trọng nhất là tận dụng tối đa và hiệu quả việc nâng tầm, nâng cấp quan hệ với các đối tác chủ chốt, các đối tác tiềm năng, tận dụng uy tín và vị thế mới của Việt Nam để biến thành các dự án hợp tác mang lại kết quả cụ thể. Do đó, nội hàm kinh tế sẽ tiếp tục là một trong những trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao.
Thứ hai, công tác ngoại giao kinh tế sẽ tập trung đẩy mạnh kết nối, thu hút các nguồn lực đầu tư phục vụ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, hydrogen. Trong thương mại, chúng ta tiếp tục củng cố các thị trường xuất khẩu lớn ở Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, châu Âu và mở rộng các thị trường còn tiềm năng tại Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh.
Thứ ba, ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả và thực chất nhiệm vụ lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm trên cơ sở phát huy tối đa tinh thần đột phá - mở đường, đồng hành - phục vụ nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả xúc tiến kinh tế đối ngoại, tận dụng các cơ hội và hạn chế các thách thức trong quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế.
Thứ tư, công tác nghiên cứu và tham mưu chiến lược sẽ tiếp tục được coi là nhiệm vụ cơ bản, nòng cốt. Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện sẽ đặc biệt chú trọng, nâng cao chất lượng, sự nhạy bén và kịp thời trong triển khai công tác này để phục vụ thiết thực nhất cho Đảng và Chính phủ trong hoạch định các chủ trương, chính sách kinh tế của Đảng và điều hành kinh tế - xã hội.
Trên tinh thần đó, phát huy các kết quả quan trọng đạt được trong năm 2023, với khí thế mới và trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, tôi tin tưởng rằng công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2024 sẽ đạt nhiều thành tựu hơn nữa, góp phần hạn chế các thách thức và biến các vận hội thành các kết quả cụ thể, thực chất để thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển đất nước nhanh và bền vững như Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư đã xác định.
Nhân dịp Tết Giáp Thìn sắp đến, xin chúc độc giả của Báo Thế giới & Việt Nam một năm mới tràn đầy sức khoẻ, hạnh phúc và thành công trên mọi mặt.
| HNNG 32: 6 thành tựu nổi bật và 6 nhiệm vụ đối với công tác Ngoại giao kinh tế Ngoại giao kinh tế được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, rộng khắp các trụ cột đối ngoại, đóng góp quan trọng vào tạo dựng ... |
| 'Sứ mệnh' của Ngoại giao kinh tế Đồng hành với từng “nhịp đập”, “hơi thở của đất nước, ngành Ngoại giao thời gian qua đã chủ động, linh hoạt triển khai công ... |
| Bản sắc ‘ngoại giao cây tre Việt Nam’: Ngấm vào máu, thấm vào tư duy Bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam” đã được các nhà ngoại giao vận dụng như thế nào trên thực tiễn? Với mỗi cương ... |
| TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Ngoại giao kinh tế đã giành được sự chú ý và ghi nhận của công chúng Có lẽ, thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2023 là về ngoại giao. Chưa có năm nào hoạt động ngoại giao ... |
| Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn: Có bước tiến 'ngoạn mục', ngoại giao kinh tế một trong những điểm sáng của năm 2023 Chia sẻ với TG&VN tại Diễn đàn thường niên Kịch bản kinh tế Việt Nam (VESF) lần thứ 16 được tổ chức mới đây, Phó ... |