Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, ông Embalo nhấn mạnh ông sẽ rời khỏi cương vị hiện nay nếu không được Tổng thống tín nhiệm. Một nguồn tin của Văn phòng tổng thống xác nhận đơn từ chức của Thủ tướng đã được trình lên.
Kể từ tháng 8/2015, Guinea-Bissau đã rơi vào cuộc đấu đá quyền lực, khi Tổng thống Jose Mario Vaz cách chức Thủ tướng khi đó là ông Domingos Simoes Pereira - lãnh đạo đảng cầm quyền châu Phi vì sự độc lập của Guinea và Cape Verde (PAIGC).
Thủ tướng Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embalo. (Nguồn: Sokolako) |
Tổng thống Vaz và cựu Thủ tướng Pereira đã cáo buộc nhau ngăn cản việc thực thi thỏa thuận đạt được tháng 10/2016, sau các cuộc đàm phán do Tổng thống Guinea Alpha Conde làm trung gian. Thỏa thuận này đã đề cập đến việc bổ nhiệm Thủ tướng mới, người nhận được sự tín nhiệm của Tổng thống và sẽ duy trì cương vị này cho đến khi diễn ra bầu cử năm 2018.
Tại hội nghị mới nhất vào ngày 16/12/2017, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã hối thúc các nhà lãnh đạo Guinea-Bissau giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay hoặc đối mặt với các lệnh trừng phạt. Trước đó, tháng 9/2017, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng yêu cầu các nhà lãnh đạo nước này tiến hành đàm phán và sửa đổi hiến pháp.
Theo hiến pháp hiện hành, việc lựa chọn Thủ tướng phụ thuộc vào đảng PAIGC, trong đó Tổng thống Vaz là thành viên. Tuy nhiên, do PAIGC bị mất thế đa số trong Quốc hội, Tổng thống Vaz đã buộc phải tìm kiếm sự ủng hộ của từ các đảng khác.
Guinea Bissau - quốc gia từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha - đã chứng kiến 9 cuộc đảo chính hoặc âm mưu đảo chính từ năm 1980. Tình trạng bất ổn đã góp phần biến nước này thành một địa bàn trung chuyển lớn cocaine từ Nam Mỹ đến châu Âu.