Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. đón Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon thăm Manila ngày 18/4. (Nguồn: Văn phòng Truyền thông Tổng thống Philippines) |
Tại cuộc gặp ở Điện Malacañang, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về những biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương cũng như những diễn biến trong đời sống quốc tế.
Ủng hộ giải pháp hòa bình
Theo tuyên bố chung về chuyến thăm, do Văn phòng Truyền thông Tổng thống Philippines công bố, hai bên “chia sẻ mối quan ngại sâu sắc” về căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông.
Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. và Thủ tướng Christopher Luxon “tái khẳng định sự cần thiết của tất cả các quốc gia trong việc theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp theo luật pháp quốc tế”, bao gồm các cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Hai nhà lãnh đạo “nhắc lại sự ủng hộ đối với những nỗ lực do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn đầu nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả và thực chất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên và phù hợp với UNCLOS”.
Philippines và New Zealand có lợi ích chung với tư cách là các quốc gia có biển ở Thái Bình Dương. Tổng thống nước chủ nhà và vị khách từ New Zealand cam kết hợp tác thực thi luật hàng hải, bao gồm giải quyết các mối đe dọa chung như cướp biển, khủng bố hàng hải, buôn lậu, buôn bán động vật hoang dã và di cư trái phép.
Tuyên bố chung cũng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Những lo ngại tương tự cũng được đặt ra đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và tình hình ở Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự cách đây 3 năm.
Nâng tầm quan hệ
Trong cuộc gặp, Tổng thống Marcos và Luxon đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác toàn diện vào năm 2026, làm sâu sắc quan hệ quốc phòng thông qua cam kết ký kết Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau (MLSA) vào cuối năm 2024 và Thỏa thuận lực lượng thăm viếng (SOVFA).
Ngoài Mỹ, Philippines đã ký kết SOVFA với Australia và hiện đang thúc đẩy thỏa thuận quốc phòng tương tự với Nhật Bản, với tên gọi là Thỏa thuận tiếp cận đối ứng.
Những hình thức hợp tác quốc phòng này cho phép binh lính Philippines và nước ngoài huấn luyện trên lãnh thổ của nhau cũng như chia sẻ thiết bị quân sự.
Theo tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo “chỉ đạo các Bộ trưởng Ngoại giao và các quan chức liên quan đưa ra lộ trình hướng dẫn thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, bao gồm việc nâng cấp cơ chế tham vấn của Bộ Ngoại giao lên cấp Thứ trưởng và tạo ra các cơ chế mới như ủy ban kinh tế chung và đối thoại hàng hải”.
Tuyên bố chung cũng “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về thị thực giữa Philippines và New Zealand. Chuyến thăm của Ngoại trưởng New Zealand tới Philippines dự kiến vào cuối năm 2024 sẽ là cơ hội để thúc đẩy các cuộc thảo luận về quan hệ đối tác toàn diện hơn nữa”.
Thủ tướng Christopher Luxon trò chuyện khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. lái xe golf sau lễ đón tại Điện Malacanang ở thủ đô Manila ngày 18/4. (Nguồn: AP) |
Tăng cường hợp tác kinh tế
Tổng thống Marcos và Thủ tướng Luxon cũng hoan nghênh sự phát triển của các mối liên kết kinh tế mạnh mẽ hơn giữa Philippines và New Zealand, đồng thời tái khẳng định cam kết chung trong việc duy trì hệ thống thương mại dựa trên luật lệ.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc nâng cấp Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) và thực hiện thành công Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ghi nhận sự hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước thông qua Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Thừa nhận sự quan tâm của Philippines đối với việc phát triển khả năng xuất khẩu của ngành nông nghiệp, người đứng đầu chính phủ New Zealand cam kết sẽ thảo luận sâu hơn giữa các quan chức về sáng kiến này.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cam kết loại bỏ “các rào cản thương mại không cần thiết” và đảm bảo rằng các nhà xuất khẩu có thể tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do toàn diện để đạt được “mức tăng thương mại hai chiều cùng có lợi lên 50% vào năm 2030”.
Năm 2023, đảo quốc Thái Bình Dương xếp hạng là đối tác thương mại thứ 28 (trong tổng số 230) của quốc gia Đông Nam Á với kim ngạch thương mại hai chiều khoảng 495,37 triệu USD, đồng thời là điểm đến xuất khẩu thứ 38 và nguồn nhập khẩu thứ 24.
Philippines là chặng cuối trong chuyến công du kéo dài một tuần của Thủ tướng Luxon tới Đông Nam Á nhằm tăng cường liên kết thương mại của New Zealand. Trước đó, ông đã đến Singapore và Thái Lan.
Philippines và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào ngày 6/7/1966 và sẽ kỷ niệm dấu mốc 60 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2026.