Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ. (Nguồn: VGP) |
Chiều nay, 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 báo cáo tình hình chống dịch.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, với tinh thần chủ động, bình tĩnh, quyết liệt, đồng bộ, chúng ta đã ngăn chặn có hiệu quả dịch Covid-19. Đến nay, Việt Nam có 16 ca mắc thì đã chữa khỏi, xuất viện 15 người. Chúng ta đã thực hiện tốt "chống dịch như chống giặc", nên số người bị lây nhiễm thấp. Khoa học công nghệ được áp dụng mạnh mẽ, đặc biệt có những giải pháp hiệu quả cách ly đối tượng dễ lây nhiễm cộng đồng.
Dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngoài Trung Quốc, dịch có dấu hiệu bùng phát ở một số quốc gia có quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch rất lớn với Việt Nam. “Không được để tình trạng lây lan ra Việt Nam, hay tiếp tục bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là một yêu cầu, là điều đương nhiên chúng ta phải làm cho được”, Thủ tướng nêu rõ. Đây là trọng điểm chỉ đạo của Chính phủ, của hệ thống chính trị nước ta trong bối cảnh hiện nay. Thủ tướng yêu cầu tại cuộc họp, đề ra những biện pháp quyết liệt, cụ thể trong tình hình mới để công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả tốt nhất.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trên thế giới, tính đến 12 giờ hôm nay, có 79.363 trường hợp mắc tại 33 quốc gia, vùng lãnh thổ (số trường hợp mắc hầu hết tại Trung Quốc chiếm 97%). Tại Hàn Quốc, số trường hợp mắc tăng nhanh và hiện cao nhất ngoài Trung Quốc, tập trung chủ yếu tại thành phố Daegu (457 trường hợp mắc, 1 tử vong) và khu Bắc Gyeongsang (180 trường họp mắc, 3 tử vong). Thành phố Daegu là thành phố lớn thứ 4 của Hàn Quốc, có sân bay quốc tế và có 14 chuyến bay thẳng đến Việt Nam; đồng thời tại hai khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang có nhiều công dân Việt Nam sinh sống (trên 50.000 người).
Tại Việt Nam, không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày 13/2. Đến nay chưa có trường hợp bệnh lây chéo trong cơ sở điều trị, chưa có trường hợp lây từ người bệnh sang thầy thuốc và không có bệnh nhân tử vong. Việc áp dụng biện pháp khoanh vùng toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (nơi ghi nhận chùm ca bệnh gồm 6 người) là mô hình tốt, chuyển từ biện pháp cách ly trường hợp bệnh sang cách ly một cộng đồng đã cho thấy hiệu quả của biện pháp này, tạo tâm lý cho người dân an tâm, tin tưởng vào biện pháp quyết liệt của chính quyền trong việc ngăn chặn dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, hiện nguy cơ lây nhiễm trong nhóm học sinh, sinh viên được đánh giá rất thấp vì dịch bệnh chưa xuất hiện trong cộng đồng. Ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động hướng dẫn biện pháp dự phòng trong toàn hệ thống giáo dục. Việc kéo dài kỳ nghỉ sẽ dẫn đến tâm lý xã hội bất an trong khi tình hình dịch có thể kéo dài.
Liên quan đến việc đi học của học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Bộ đã phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn các trường học trên cả nước vệ sinh trường học, các địa phương đã làm tốt việc này và sẵn sàng cho học sinh trở lại trường.
Ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị, đối với học sinh, sinh viên là đối tượng lớn có thể chủ động phòng chống dịch, có thể cho đi học trở lại từ ngày 2/3 tới. Còn đối với học sinh mầm non, tiểu học, có thể cho lùi lại 1-2 tuần, tùy theo tình hình dịch bệnh.
Cùng với đó, Bộ đã có văn bản về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, sẽ kết thúc năm học trước ngày 30/6, hoàn thành tuyển sinh lớp 10 trước ngày 15/8 và thi THPT quốc gia từ ngày 23/7 đến 26/7. Sau khi tính toán kỹ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đề nghị các địa phương xem xét, quyết định cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ 2/3 để đảm bảo thời gian kết thúc năm học.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ dịch Covid-19 không chỉ là một thử thách đối với ngành y tế mà còn là phép thử rất thực chất về phương diện quyết tâm chính trị, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp, các địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, khống chế dịch Covid-19 tại Việt Nam một cách căn bản, không được chủ quan, coi việc chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung ở các cấp, các ngành, địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh, cách ly là biện pháp quan trọng. Phát hiện sớm, đề phòng chủ động. Cần cách ly kịp thời mọi đối tượng từ vùng dịch đến Việt Nam đủ 14 ngày. Theo dõi y tế kịp thời khi có bất kỳ triệu chứng nào. Các hoạt động đông người cần tiếp tục hạn chế để tránh lây lan. Không để lây nhiễm chéo xảy ra. Ngành y tế kịp thời điều trị tốt cho người bệnh, hạn chế tử vong.
Thủ tướng mong muốn người dân tự tin, tích cực phòng chống, bảo đảm hoạt động bình thường; cho biết, Thường trực Chính phủ không phản đối khung chương trình học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu xem xét tình hình dịch bệnh vào phiên họp sau để có quyết định cuối cùng việc học sinh đi học trở lại.
“Không run sợ, không quá lo lắng, nhưng không được chủ quan”, Thủ tướng nói, nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, kỷ cương, sáng tạo.
Covid-19: Học sinh, sinh viên cả nước sẽ đi học từ 2/3, không phải đeo khẩu trang TGVN. Ngày 22/2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đã ... |
Covid-19: Hàn Quốc đau đầu với hàng vạn du học sinh Trung Quốc học trở lại TGVN. Du học sinh người nước ngoài chuẩn bị đổ về Hàn Quốc khi năm học mới sắp diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ... |
Dịch Covid-19: Học sinh Hà Nội nghỉ hết tháng 2 TGVN. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà ... |