📞

Thủ tướng Pakistan đi Mỹ: Tái cài đặt mối quan hệ trắc trở

19:00 | 18/07/2019
TGVN. Trải qua một giai đoạn chùng lắng và nhiều trắc trở, quan hệ Mỹ - Pakistan liệu có quay trở lại khuôn mẫu quen thuộc bằng những nỗ lực và tính toán của hai bên.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan sẽ có cuộc gặp gỡ đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 22/7. (Nguồn: Ipglagh News)
Từ 20/7, Thủ tướng Pakistan Imran Khan sẽ bắt đầu chuyến thăm 5 ngày đến Mỹ, trong đó ông dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống chủ nhà Donald Trump. Đây sẽ là lần gặp mặt đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của Pakistan và Mỹ, trong bối cảnh quan hệ song phương gặp phải một số trắc trở trong vài năm trở lại đây.

Khi đồng minh nghi kị

Theo hãng tin PTI, chuyến thăm này của ông Imran Khan ban đầu được lên kế hoạch diễn ra vào tháng 6, song phải hoãn lại do vị Thủ tướng Pakistan bận giải quyết một số vấn đề trong nước, đặc biệt là chuyện ngân sách quốc gia. Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi cho biết trước thềm chuyến đi rằng, Thủ tướng Khan và Tổng thống Trump sẽ thảo luận việc tăng cường quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực quan trọng, chủ yếu là tiến trình đàm phán giữa Mỹ với lực lượng Taliban nhằm tìm kiếm hòa bình cho Afghanistan.

Nhiều năm qua, Mỹ đã hỗ trợ Pakistan rất nhiều trong việc xây dựng quân đội, phát triển kinh tế,… cũng như thúc đẩy cuộc chiến chống khủng bố tại nước láng giềng Afghanistan. Pakistan từng là một trong 16 quốc gia được Mỹ coi là “các đồng minh chủ chốt ngoài NATO” và nhận được nhiều khoản viện trợ với tổng giá trị hơn 33 tỷ USD từ năm 2002.

Tuy nhiên, gần đây, Mỹ tỏ ra lo ngại đối với “sự trung thành” của Islamabad. Đặc biệt từ khi ông Trump lên nắm quyền, quan hệ Pakistan - Mỹ ngày càng gặp nhiều sóng gió. Ông Trump từng viết trên Twitter: “Họ (Pakistan) không mang lại cho chúng tôi điều gì ngoài những lời dối trá và lừa gạt”. Giới chức Mỹ cáo buộc Islamabad dung túng các nhóm phiến quân như Taliban và Haqqani ẩn nấp trên lãnh thổ Pakistan để tấn công vào Afghanistan. Vì vậy, năm 2018, Mỹ đã cắt giảm tổng cộng 800 triệu USD tiền viện trợ cho chính quyền Thủ tướng Imran Khan.

Trong khi đó, Pakistan nhiều lần bác bỏ cáo buộc “nhắm mắt làm ngơ” các nhóm khủng bố, đồng thời khẳng định chính phủ nước này đã chi hàng tỷ USD để đối phó những phần tử cực đoan. Theo quan điểm của Pakistan, Mỹ đã được sử dụng các căn cứ quân sự, hạ tầng liên lạc và thông tin tình báo “miễn phí” ở Pakistan suốt nhiều năm qua, đổi lại Washington chỉ mang lại cho Islamabad “những lời chỉ trích và sự hoài nghi”. Cựu Ngoại trưởng Pakistan Kahwaja Asif cũng nói gay gắt rằng: “Cách hành xử của Mỹ không giống như của một đồng minh hay người bạn”.

Cùng mối lo Taliban

Dù vậy, nằm ở vị trí chiến lược tại khu vực Nam Á, nhất là giữa hai cường quốc khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như Pakistan có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, nên Mỹ không thể không xây dựng mối quan hệ với Islamabad để thực hiện các ý đồ của mình.

Tháng 9 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Pakistan với mục tiêu hai nước có thể tìm được tiếng nói chung và hợp tác trong các vấn đề hai bên cùng có lợi ích. Bản thân ông Trump cũng bày tỏ mong muốn làm việc với chính quyền Thủ tướng Imran Khan.

Một trong những lý do chính dẫn đến sự thay đổi thái độ của Mỹ đối với Pakistan là nước này đã đóng vai trò tích cực trong các nỗ lực nhằm giải quyết “bài toán” Afghanistan. Bằng việc ủng hộ tiến trình hòa giải đang diễn ra giữa Taliban và chính phủ Kabul, Pakistan đang giúp Mỹ tìm ra một giải pháp bền vững cho hòa bình tại Afghanistan.

Do Pakistan có vai trò như vậy, việc cải thiện quan hệ song phương Mỹ - Pakistan cần được tiếp tục, đặc biệt trong bối cảnh Taliban đang trong giai đoạn đàm phán quan trọng với Mỹ. Washington cho biết họ muốn ký một thỏa thuận chính trị với Taliban trước cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan vào tháng 9 tới. Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tiến trình hòa bình ở Afghanistan - ông Zalmay Khalilzad, nói rằng vòng đàm phán hồi đầu tháng 7 này giữa Mỹ và Taliban là “hiệu quả nhất mà chúng tôi từng tiến hành với những thủ lĩnh Taliban”.

Một khi xử lý tốt quan hệ với Taliban, Mỹ có thể triển khai những kế hoạch có lợi cho lợi ích an ninh và địa chính trị của mình tại Afghanistan. Afghanistan vẫn là mối quan tâm của Mỹ trong dài hạn, và Washington có thể sẽ cấp những khoản tài chính lớn để tái thiết Afghanistan nếu Mỹ tiếp tục hiện diện tại quốc gia này.

Ngoại trưởng Pakistan Qureshi cho rằng: “Giải pháp cho vấn đề Afghanistan sẽ không thể đạt được nếu không có đối thoại giữa chính quyền Afghanistan với Taliban. Pakistan coi đây là nhân tố quan trọng để khôi phục hòa bình trong toàn bộ khu vực”. Chung quan điểm này, Washington và Islamabad đang nỗ lực tạo ra giải pháp, song điều này cần sự kiên trì. Đối phó với Taliban là một việc thực sự khó khăn vì lực lượng này liên tục thay đổi quan điểm trong quá trình đàm phán.