Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và người đồng cấp Malaysia Anwar Ibrahim tại thủ đô Kuala Lumpur ngày 19/6. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm chính thức New Zealand, Australia và Malaysia từ ngày 13-20/6. Có gì đặc biệt trong chuyến công du này?
Thăm “người bạn tốt”
Điểm dừng chân đầu tiên của ông là Wellington. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của quan chức Trung Quốc tới New Zealand trong bảy năm qua. Trước cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Christopher Luxon, Thủ tướng Lý Cường nói nhiều lời “có cánh” về quan hệ song phương, cho rằng “những người bạn tốt luôn cảm thấy gần gũi, dù có xa nhau” và hai nước có “mối quan hệ của những lần đầu tiên”.
Về nội dung trao đổi, ông cho biết, hai bên “thảo luận sâu sắc về quan hệ song phương và vấn đề cùng quan tâm, làm sâu sắc hơn trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực”, cũng như tiến tới nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Tại Wellington, hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận song phương về thương mại và chống biến đổi khí hậu. Theo Thủ tướng Trung Quốc, nhu cầu của nước này với sản phẩm về sữa, thịt bò và thịt cừu New Zealand đang tăng. Hiện Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Wellington, với kim ngạch thương mại đạt 23,27 tỷ USD. Tuyên bố miễn thị thực đơn phương cho công dân New Zealand, hợp tác sâu sắc hơn nữa trong thương mại, nông nghiệp, cũng như trao đổi dịch vụ và thương mại điện tử xuyên biên giới, tiếp tục củng cố vị trí này của Trung Quốc.
Song, người đứng đầu chính phủ Trung Quốc thừa nhận, “việc chúng ta không phải lúc nào cũng đồng thuận là điều bình thường”. Một trong số đó là việc New Zealand cân nhắc gia nhập trụ cột II của Hiệp ước đối tác an ninh Australia - Anh - Mỹ (AUKUS), thỏa thuận được Bắc Kinh coi là để đối phó với nước này. Tháng trước, Đại sứ Trung Quốc Vương Tiểu Long đã cảnh báo kịch bản này có thể được coi là New Zealand đang “chọn bên”. Ngoài ra, Thủ tướng Christopher Luxon cho biết đã đề cập với người đồng cấp Trung Quốc “một số vấn đề về giá trị cốt lõi với New Zealand”, bao gồm nhân quyền và can thiệp của nước ngoài.
Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh: “Những khác biệt này không nên trở thành rào cản đối với trao đổi, hợp tác giữa hai nước”.
Hàn gắn là trọng tâm
Tuy nhiên, tâm điểm của truyền thông quốc tế lại là chuyến thăm Australia của Thủ tướng Lý Cường. Ông là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc thăm Australia trong bảy năm qua. Nhưng khác với New Zealand, tại Australia, Thủ tướng Lý Cường tập trung hàn gắn, củng cố quan hệ. Bởi lẽ, căng thẳng song phương mới có chiều hướng “hạ nhiệt” sau chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Do đó, hai nước cần hành động nhiều hơn để đẩy nhanh quá trình này.
Trung Quốc đã thể hiện thiện chí khi dỡ bỏ thuế quan đối với nhiều sản phẩm nhập khẩu Australia như rượu vang, than đá và đại mạch trước thềm chuyến thăm. Đáp lại, Tòa nhà Quốc hội Australia đón Thủ tướng Lý Cường với đội danh dự, 19 loạt đại bác chào mừng cùng đại tiệc với hơn 300 khách mời.
Kết quả hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo cho thấy kết quả thực chất. Trung Quốc sẽ xem xét miễn thị thực đơn phương cho công dân Australia; ra tuyên bố chung, nhấn mạnh về mối quan hệ “trưởng thành, ổn định và tích cực” và chứng kiến ký kết năm văn kiện hợp tác. Hai bên cũng sẽ mở rộng hợp tác năng lượng và khai khoáng, duy trì liên lạc và phối hợp để bảo đảm hòa bình, thịnh vượng tại khu vực.
Tuy nhiên, hướng đi đối mặt không ít thách thức. Một trong số đó tiếp tục là sự tham gia tích cực của Australia trong AUKUS. Thủ tướng Albanese cho biết đã đề cập vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc, tình hình ở Thái Bình Dương và xung đột Nga - Ukraine trong hội đàm. Tuy nhiên, ông khẳng định, hai bên “có những khác biệt. Đó là lý do tại sao đối thoại thẳng thắn lại quan trọng”.
Củng cố lòng tin chiến lược
Cuối cùng, mở rộng hợp tác là chủ đề chính tại Malaysia, điểm dừng chân thứ ba của Thủ tướng Trung Quốc từ 18-20/6. Chuyến thăm diễn ra khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm hữu nghị Trung Quốc - Malaysia. Ngay khi tới Kuala Lumpur, Thủ tướng Lý Cường đề cao “lòng tin chiến lược vững chắc”, khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác, “phối hợp các chiến lược phát triển, làm sâu sắc hơn hợp tác cùng có lợi, tăng cường trao đổi và học hỏi lẫn nhau giữa hai nền văn hóa”.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn đài Guancha (Trung Quốc), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhấn mạnh coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc - chỉ riêng trong năm 2023, ông hai lần tới thăm cường quốc châu Á. Đáng chú ý, ông Ibrahim cho biết, Kuala Lumpur sẽ sớm khởi động quá trình gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) một khi nhận được phản hồi từ Moscow, nước Chủ tịch BRICS năm nay. Ông kêu gọi Trung Quốc, thành viên sáng lập nhóm, ủng hộ tiến trình này. Thủ tướng Anwar Ibrahim ủng hộ Bắc Kinh sớm gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tại Kuala Lumpur, hai Thủ tướng dự lễ ký biên bản ghi nhớ về Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI), cùng kế hoạch hợp tác kinh tế. Hai nhà lãnh đạo chứng kiến trao đổi một số văn kiện hợp tác về nông nghiệp, công nghệ số, phát triển xanh, du lịch, nhà ở, phát triển đô thị, đào tạo đại học, khoa học và công nghệ. Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Kuala Lumpur 15 năm qua, kim ngạch song phương tăng 11,4% trong năm tháng đầu năm. Thủ tướng Trung Quốc dự lễ động thổ Tuyến đường sắt bờ Đông (ECRL) trị giá 10 tỷ USD tại bang Selangor, dự án thuộc BRI từng gây nhiều tranh cãi ở Malaysia.
Chuyến công du ba nước của Thủ tướng Lý Cường cho thấy mục tiêu rõ ràng của Bắc Kinh nhằm hàn gắn quan hệ với Australia, tăng cường hợp tác với New Zealand và Malaysia, hướng tới mở rộng, đa dạng hóa đối tác trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington, châu Âu và ngay cả với một số nước khu vực vẫn ẩn chứa nhiều phức tạp, khó lường.