Ngày 23/10/1991, Hiệp định về giải pháp chính trị toàn bộ về Campuchia được ký kết. Ngày 24/10/1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc đó gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bắt đầu thăm 3 nước ASEAN: Indonesia, Thái Lan, Singapore. Hai tuần sau, Tổng Bí thư Đảng ta và Thủ tướng thăm Trung Quốc, ký tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Ngoại giao Việt Nam được mở rộng ra các nước láng giềng khu vực.
Tôi lúc đó đang có mặt tại Bangkok, cảm nhận luồng gió mới thổi qua Đông Nam Á lục địa. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp cận, quan sát hoạt động quốc tế của một nhà lãnh đạo Việt Nam từ góc độ nhà báo đối ngoại. Không khí đã nhẹ nhõm khi ngoại giao Việt Nam đã tạo được đột phá đúng hướng. Từ đó cho đến khi Việt Nam gia nhập ASEAN, tháng 7/1995 - thời kỳ đặt nền móng cho nền ngoại giao Việt Nam thời kỳ hiện đại theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Trong mấy năm đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm 26 nước Đông Á và Tây Bắc Âu. Đó là những chuyến đi mở đường bình thường hóa quan hệ và tìm đối tác mới. Với nụ cười cởi mở, phong thái tự tin và nhanh nhẹn, Thủ tướng mang đến các nước bạn hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới, sẵn sàng kết bạn với các nước trên khắp thế giới, phấn đấu cho hòa bình, độc lập và phát triển.
Một trưa tháng 6 năm 1993, tôi được Văn phòng Bộ Ngoại giao thông báo chiều lên gặp Thủ tướng. Lúc đó tôi là Tổng Biên tập Tạp chí Quan hệ Quốc tế, tờ báo đầu tiên của Việt Nam chuyên về các vấn đề quốc tế và chính sách đối ngoại, ra hàng tháng, số đầu tiên phát hành tháng 11/1989. Thủ tướng vừa thăm Australia và New Zealand trở về. Trước đó, tháng Ba, Thủ tướng thăm Nhật Bản; tháng Năm thăm Hàn Quốc.
Thủ tướng cho biết vẫn thường đọc Tạp chí Quan hệ Quốc tế; mới đây có đọc bài của tôi về cuộc Tổng tuyển cử tháng Năm ở Campuchia. Bài báo này viết về cuộc thử nghiệm chính trị lịch sử trên đất nước Chùa Tháp, thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc và phác họa con đường mới với nhiều sắc màu chính trị. Từ kết quả cuộc bầu cử này, Việt Nam sẽ có một nước láng giềng theo đuổi các quan hệ địa-chính trị mới, thuần túy lợi ích dân tộc. Bài này tôi có nhờ anh Trần Quang Cơ, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, xem giúp. Anh Cơ là thầy dạy đầu tiên khi tôi bước vào nghề ngoại giao. Anh Cơ nhận xét cách tiếp cận của bài này nếu ở nước khác thì bình thường, nhưng ở Việt Nam thì có phần mới mẻ, táo bạo.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm xưởng đóng tàu Phần Lantrong chuyến thăm nước này từ 5-6/6/1995(Ảnh do Phòng Lưu trữ - Bộ Ngoại giao cung cấp)Thủ tướng nhận xét là những bài viết của những phóng viên tháp tùng các chuyến đi của ông chưa thể hiện hết những cái mới trong quan hệ quốc tế và triển khai đường lối đối ngoại mới của nước ta. Thủ tướng hỏi tôi một số vấn đề quốc tế và hoạt động của Tạp chí. Sau đó, Thủ tướng giao cho tôi biên tập lại một bài trả lời phỏng vấn của Thủ tướng cho một tờ báo Hàn Quốc, do một cơ quan báo chí đối ngoại dự thảo. Bài phỏng vấn có khoảng 10 câu về các vấn đề chính trị, xã hội, quan niệm của Thủ tướng về các giá trị châu Á, về gia đình, tình yêu và sở thích…
Trong phòng làm việc của tổ thư ký Thủ tướng không thấy có máy vi tính, tôi bèn đề nghị photocopy bài trả lời phỏng vấn thành 3 bản - 2 để nháp, 1 để chép sạch. Trong bài phỏng vấn có một câu hỏi là: Thủ tướng có sở thích gì sau giờ làm việc? Dự thảo trả lời: Là Thủ tướng, tôi rất bận, buổi tối vẫn phải giải quyết công việc, tiếp khách, đọc sách báo, ít có thời gian vui chơi giải trí… Tôi thay bằng 6 chữ: “Đọc sách báo và đánh tennis”.
Chiều hôm sau, Thủ tướng lại cho gọi tôi lên. Ông cho biết đã thông qua bài trả lời phỏng vấn, sửa thêm đôi chữ. Thủ tướng dành gần 2 tiếng trao đổi về công cuộc Đổi mới và đường lối chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Chiều hôm trước, coi như tôi được Thủ tướng “phỏng vấn” và cho “thi” trình độ làm báo, thì chiều hôm sau, tôi phỏng vấn Thủ tướng.
Trong cuộc nói chuyện cởi mở, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam nằm giữa một vùng có sự phát triển kinh tế năng động nhất thế giới, với nhiều nền kinh tế mạnh. Việt Nam đã hoàn thành quá trình bình thường hóa quan hệ với các nước trong vùng và đang lật sang trang sử mới. Ta cần tận dụng điều kiện thuận lợi, gắn Việt Nam vào đoàn tàu kinh tế của khu vực.
Cuối buổi, Thủ tướng hỏi tôi có muốn tham gia đoàn tháp tùng Thủ tướng đi thăm một số nước Tây Âu không. Thời kỳ đó, chỉ có phóng viên 5 cơ quan báo chí loại 1 của Trung ương được đi theo chuyên cơ của Lãnh đạo. Báo Quốc Tế là loại 2. Tôi rất xúc động đồng ý ngay và thế là từ đó cho đến hết năm 1995, tôi được tháp tùng Thủ tướng thăm khoảng 20 nước.
Những chuyến thăm của Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã giúp khai phá những miền đất ngoại giao mới. Việt Nam từ một đất nước bị chiến tranh, bao vây, cấm vận, bắt đầu mạnh bước trên con đường phát triển hòa bình. Công cuộc cải cách, mở cửa đạt được những thành tựu ấn tượng. Nhưng thế giới căn bản vẫn biết ít về tình hình kinh tế Việt Nam. Thủ tướng mang đến các nước bạn bức thông điệp hòa bình, độc lập và phát triển, nguyện vọng của một dân tộc muốn kết bạn và xây dựng đối tác. Đó là những chuyến thăm “gõ cửa thế giới” tới các nước công nghiệp phát triển, giới thiệu Việt Nam, tìm kiếm thị trường, xác định lĩnh vực hợp tác và mời gọi đầu tư.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Tuần báo Quốc Tế, đầu năm 1994, lúc này Tạp chí đã chuyển thành báo ra hàng tuần, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề cập một số vấn đề đường lối ngoại giao thời kỳ Đổi mới. Thủ tướng nêu rõ, những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc đã sản sinh ra nền ngoại giao cách mạng, kết hợp sức mạnh dân tộc với thời đại, góp phần to lớn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nền ngoại giao thời kỳ đó kế thừa và phát huy ngoại giao truyền thống, được nhà ngoại giao lỗi lạc Hồ Chí Minh nâng lên ngang tầm thời đại. Thủ tướng nhận xét, chính sách ngoại giao nào cũng được quy định bởi một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nền chính trị thế giới ngày nay đang chuyển giai đoạn, hình thành những tập hợp lực lượng mới về chính trị - kinh tế. Đường lối ngoại giao nước ta chuyển trọng tâm sang tạo điều kiện quốc tế thuận lợi phục vụ an ninh, phát triển, thêm bạn, bớt thù. Ngay trong quá trình này, việc xử lý các vấn đề quốc tế phức tạp đòi hỏi vận dụng đúng đắn, kịp thời, nhuần nhuyễn giữa nguyên tắc và sách lược sao cho ích nước, lợi nhà, hợp xu thế. Thủ tướng còn nói thêm: “Cần thêm thời gian để tổng kết thực tiễn phong phú, song tôi nghĩ rằng đường lối ngoại giao mới kết hợp được bản sắc dân tộc, ngoại giao truyền thống và những đặc điểm thời đại”.
Thật may mắn, vào những năm tháng gian nan, con thuyền Việt Nam được chèo lái bởi các nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tinh thần sáng tạo tấn công như Võ Văn Kiệt.
Khi đề cập đến thời cơ, người ta thường nói “chờ thời”. Cao hơn chờ thời, là “nắm bắt thời cơ”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn là người biết tạo ra thời cơ. Quyết sách đi thăm các nước ASEAN/Đông Nam Á một ngày sau khi Hiệp định Paris về Campuchia được ký kết là kịp thời nắm bắt thời cơ và tạo thời cơ. Chuyến thăm không chỉ đột phá bao vây cấm vận, mà còn tạo ra bước ngoặt để hội nhập khu vực, từ khu vực ra thế giới, thực hiện đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam. Thủ tướng nói rằng, ngoại giao Việt Nam cần đi vững trên hai chân: Hội nhập với láng giềng khu vực và đa dạng hóa quan hệ quốc tế - với các trung tâm chính trị-kinh tế thế giới và tất cả các nước khác. Hai quá trình này tạo thuận lợi, bổ sung cho nhau, củng cố thế đứng mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong quá trình này, cần củng cố, nâng cao chất lượng các mối quan hệ, chú ý đến những địa bàn trọng điểm.
Để vượt lên trên những khuôn mẫu và tạo ra những mối quan hệ ngoại giao mới phù hợp với lợi ích đất nước và xu thế thời đại, cần có tinh thần chủ động, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Võ Văn Kiệt thường đề cập đến tư tưởng Hồ Chí Minh và ngoại giao Hồ Chí Minh. Chính ông là một trong những cán bộ lãnh đạo đã phát huy tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Tư tưởng người ta, như dao, có mài mới sắc. Võ Văn Kiệt đã không ngừng mài sắc tư tưởng của mình. Nhờ vậy, ông tiếp tục đóng góp những ý tưởng gợi mở và sáng tạo cho đất nước ngay cả khi đã nghỉ hưu.
Qua hoạt động thực tiễn và lý luận hơn nửa thế kỷ của Võ Văn Kiệt, có thể thấy, với đất nước, ông là nhà cải cách lớn. Với nhân dân, ông là nhà cách mạng biết lắng nghe, thấu hiểu, yêu nước thương dân. Với ngoại giao, ông là một trong những người mở đường cho sự nghiệp đối ngoại thời kỳ Đổi mới.
TS Nguyễn Ngọc Trường(Nguyên là Tổng Biên tập báo Quốc Tế, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mexico và Thụy Điển)