Ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) tại hội nghị “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh”. (Ảnh: thuathienhue.gov) |
Thừa Thiên Huế sở hữu vị trí địa lý và hạ tầng giao thông đường bộ thuận lợi khi nằm trên trục giao thông Bắc - Nam của quốc gia, kết nối với hệ thống cảng nước sâu Chân Mây, sân bay quốc tế Phú Bài; là cửa ngõ của tuyến hành lang kinh tế, thương mại, du lịch (EWEC) Đông-Tây nối Myanmar, Thái Lan, Lào với Biển Đông.
Thành quả của sự nỗ lực
Năm 2022 đánh dấu một năm quan trọng trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế khi cả nước bước vào trạng thái bình thường mới.
Thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh luôn được sự quan tâm, chỉ đạo thống nhất từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp chính quyền địa phương. Môi trường đầu tư cũng từng bước được cải thiện theo hướng ngày càng công khai, minh bạch.
Trong chín tháng đầu năm 2022, tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 30 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 26.054 tỷ đồng gồm: 17 dự án ngoài địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp với tổng vốn khoảng 8.674 tỷ đồng và ba dự án trong Khu kinh tế, công nghiệp (KKT-CN) tỉnh với tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng; cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn khoảng 4.807 tỷ đồng. Ngoài ra, cấp điều chỉnh chủ trương, chứng nhận đầu tư 23 dự án, trong đó có bốn dự án tăng vốn (tăng thêm 461 tỷ đồng).
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức làm việc với nhiều Tập đoàn lớn như Sovico, Sunshine, Hòa Phát, Tân Á Đại Thành, Alphanam, KMH (Hàn Quốc), AGR, SermSang (Thái Lan), Tập đoàn Itochu, Tập đoàn Yoshida Kaiun (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Western Pacific; ký kết Biên bản thảo luận với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam; Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham).
Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp được tổ chức sôi nổi. Trong đó, tổ chức thành công hội nghị “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: Xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh” thu hút hơn 180 doanh nghiệp quốc tế tham gia, với các lĩnh vực được kêu gọi đầu tư có tiềm năng như du lịch, nông nghiệp, môi trường, điện và năng lượng.
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế đã tham gia xúc tiến đầu tư với các tập đoàn lớn tại Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc - Khu vực miền Trung và Tây Nguyên” do Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức tại Bình Định. Từ đây, các hoạt động ký kết hợp tác được thực hiện, mở ra nhiều cơ hội mới trong thu hút đầu tư. Đơn cử như việc ký kết thành công biên bản thảo luận với KOICA tại Việt Nam dự án “Làng hòa bình Việt Nam-Hàn Quốc”.
Đặc biệt, công tác phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được tỉnh đặc biệt chú trọng. Xác định cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là bộ phận quan trọng của xã hội, Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành chú trọng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thông qua các hội nghị, hội thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, với mục tiêu nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp, tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp chuyên sâu, khóa học giám đốc điều hành thực chiến, các khóa tập huấn chuyên sâu về kỹ năng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh các nội dung về ứng dụng và triển khai thương mại điện tử, các kỹ năng khai thác thông tin trực tuyến, nghiên cứu thị trường, xây dựng và quản trị website điện tử…
Song song với đó, Thừa Thiên Huế tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, hỗ trợ các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh kinh tế tư nhân; xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi kinh tế tư nhân; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị trong khu vực; đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp và vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc phát triển kinh tế tư nhân.
Năm 2021, Thừa Thiên Huế vinh dự là một trong 10 tỉnh, thành phố có điểm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng đầu Việt Nam và đứng đầu toàn quốc về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Song song với đó, tỉnh đứng thứ tư cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), đồng thời giữ ngôi vị thứ hai về chỉ số chuyển đổi số (DTI). Đây là thành quả của sự nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Thừa Thiên Huế.
Toàn cảnh Thừa Thiên Huế. (Nguồn: Người Lao động) |
Xúc tiến đầu tư gắn với phục hồi kinh tế-xã hội
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh gay gắt, để thu hút nhà đầu tư đến mảnh “đất lành” này, Thừa Thiên Huế luôn chủ động nắm bắt xu thế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thời gian tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh các cách thức tiếp cận các dự án đầu tư, như xây dựng hệ thống thông tin thu hút đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ số hóa các dự án kêu gọi đầu tư trên toàn tỉnh giúp cho các nhà đầu tư tiếp cận, cập nhật thông tin và địa điểm của các dự án kêu gọi đầu tư một cách thuận tiện và dễ dàng.
Tỉnh cũng triển khai một số chính sách hỗ trợ đầu tư, như hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào, hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển thị trường… Điển hình, phải kể đến chính sách hỗ trợ với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp.
Cụ thể, các cụm công nghiệp được thành lập theo quy định ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ 50% chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật (không quá tổng mức hỗ trợ theo định mức hỗ trợ 2 tỷ đồng/ha và tối đa không quá 20 tỷ đồng cho một dự án); các cụm công nghiệp được thành lập theo quy định ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hỗ trợ 30% chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật (không quá tổng mức hỗ trợ theo định mức hỗ trợ 1 tỷ đồng/ha và tối đa không quá 30 tỷ đồng cho một dự án). Đây là “cơ hội vàng” cho các nhà đầu tư cũng như Thừa Thiên Huế trong việc mở rộng đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.
Thừa Thiên Huế xác định, năm 2023 là năm bản lề thực hiện các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau quá trình chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, tỉnh phải tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Do đó, chương trình xúc tiến đầu tư phải gắn liền với chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và định hướng xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Song hành với chính sách hỗ trợ, tỉnh cũng tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư gắn với việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Thừa Thiên Huế quyết tâm thu hút đầu chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, đảm bảo sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị và đảm bảo phát triển hài hoà giữa các vùng miền.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư và công tác xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và đối tượng cụ thể phù hợp với cơ cấu kinh tế địa phương gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đồng thời, ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở thu hút nhà đầu tư thứ cấp, thu hút lao động từ các địa phương và nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế tập trung đẩy mạnh kêu gọi đầu tư dự án logistic và cảng biển; ưu tiên kêu gọi đầu tư các nguồn năng lượng sạch, tái tạo như: điện gió, điện mặt trời, điện khí; kêu gọi đầu tư dự án khu vui chơi giải trí, khu trưng bày và biểu diễn văn hoá Huế kết hợp khu mua sắm; phát triển các khu du lịch trải nghiệm cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; cân đối cung cầu các dự án nhà ở để kêu gọi đầu tư các dự án khu đô thị, khu dân cư đáp ứng nhu cầu ở của nhiều tầng lớp nhân dân, người dân lao động.
Với tinh thần đổi mới, “chuyển động” mạnh mẽ cùng quyết tâm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi hơn nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tin rằng, Thừa Thiên Huế sẽ tích cực đón “luồng gió” đầu tư mới, tạo sức bật trong quá trình phục hồi kinh tế.
| Thừa Thiên Huế sẵn sàng đón tàu hàng container tại cảng Chân Mây Mở tuyến vận chuyển hàng container qua cảng Chân Mây sẽ mang lại hiệu quả cho các hãng tàu, các doanh nghiệp và đóng góp ... |
| Các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng quyết tâm của chính quyền, Thừa Thiên Huế đang sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu ... |
| Thừa Thiên Huế hiện thực hóa tiềm năng cảng Chân Mây Với Thừa Thiên Huế, Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô được xem là động lực phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh và cảng ... |
| Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin nơi Việt Nam 9 tháng, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. ... |
| Báo Thái Lan: Việt Nam là điểm sáng kinh tế hiếm hoi và là 'miền đất hứa' cho nhà đầu tư Ngày 19/9, trang Bangkok Post đăng bài biết có tựa đề "Đỉnh cao so với phần còn lại". Bài viết nêu rõ, trong bối cảnh ... |