📞

Thúc đẩy du lịch bền vững, bao trùm và kết nối

10:00 | 23/06/2017
Cứ 10% tăng trưởng khách du lịch tại nền kinh tế thành viên APEC sẽ thúc đẩy xuất khẩu tăng 1,2% và nhập khẩu tăng 0,8%.

Đối thoại Chính sách cao cấp Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) về du lịch bền vững là chuỗi chương trình nằm trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Đây là một sự kiện quan trọng của APEC nhằm hưởng ứng Năm quốc tế 2017 của Liên hợp quốc về Du lịch bền vững vì sự phát triển. Đối thoại là sáng kiến của Việt Nam nhằm đóng góp vào các nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu về phát triển du lịch bền vững, thu hút sự tham gia của đại diện các nền kinh tế APEC và nhiều tổ chức quốc tế. Đây cũng là hoạt động cấp Bộ trưởng thứ ba của APEC mà Việt Nam đăng cai tổ chức trong Năm APEC 2017.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao đổi với đại biểu các nền kinh tế APEC tại Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững, ngày 19/6. (Nguồn: BQN).

Vai trò du lịch

Năm 2016, lĩnh vực du lịch và lữ hành đóng góp trực tiếp 1,3 nghìn tỷ USD cho GDP của khu vực APEC, tạo 67 triệu việc làm trực tiếp và đóng góp 6,1% vào xuất khẩu của khu vực. Tại đối thoại, các đại biểu nhấn mạnh vai trò quan trọng của du lịch, nhất là trong thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, liên kết kinh tế và kết nối khu vực, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Nhiều vấn đề liên quan đến phát triển du lịch bền vững đã được tập trung thảo luận và chia sẻ, trong đó chú trọng các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tiêu chuẩn và chứng nhận đối với các cơ sở dịch vụ du lịch, đảm bảo phát triển bao trùm và thúc đẩy kết nối khu vực và địa phương, tăng cường quan hệ đối tác công – tư trong phát triển du lịch bền vững... Đồng thời, Đối thoại cũng đã nêu lên các khuyến nghị về du lịch và chương trình nghị sự phát triển bền vững đối với các nền kinh tế APEC.

Kết thúc phiên làm việc, các Bộ trưởng và trưởng đoàn phụ trách về du lịch APEC đã thông qua Tuyên bố cao cấp về du lịch bền vững với chủ đề “Thúc đẩy du lịch bền vững châu Á – Thái Bình Dương bao trùm và kết nối”. Đây là tuyên bố có ý nghĩa rất quan trọng, chuyển tải thông điệp ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc và hành động nhằm thúc đẩy du dịch bền vững.

Theo đó, các nền kinh tế hoan nghênh việc tạo điều kiện thuận lợi về đi lại trong APEC. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của du lịch trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy hội nhập kinh tế và kết nối trong khu vực. Đồng thời, thống nhất rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang ở giai đoạn chuyển đổi quan trọng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi mạnh mẽ với kỷ nguyên số và Cách mạng công nghiệp 4.0. Đề cao tầm quan trọng của du lịch bền vững với tư cách là động lực quan trọng cho hội nhập kinh tế khu vực và tăng trưởng toàn diện, sáng tạo và bền vững.

Phát huy giá trị vịnh Hạ Long

Phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững, Chủ tịch UBND Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định quan điểm phát triển du lịch của địa phương, đó là: "Phát huy giá trị Vịnh Hạ Long; phát triển du lịch chất lượng, đẳng cấp, bền vững".

 Chủ tịch Nguyễn Đức Long cho biết, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đã xác định rõ “Xây dựng Quảng Ninh trở thành một Trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế; thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững”.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã mời đơn vị tư vấn của Hoa kỳ là BCG lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển dịch vụ, phát triển du lịch với quan điểm phát triển du lịch và dịch vụ làm trọng tâm gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; xây dựng ngành công nghiệp du lịch – dịch vụ, giải trí, văn hóa dựa trên công nghiệp sáng tạo, tạo ra sự đột phá khác biệt và giá trị gia tăng cao.

Những năm qua, Quảng Ninh đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo hướng bền vững. Tỉnh cũng đã thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch với hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội chất lượng cao. Đến nay, các khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao ngang tầm quốc tế của các tập đoàn lớn có uy tín đang làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị và ngành Du lịch Quảng Ninh. Du lịch Quảng Ninh dần vươn tới và hội nhập với thế giới về chất lượng dịch vụ, trở thành điểm sáng về phát triển du lịch của Việt Nam và khu vực.

Với quan điểm phát triển du lịch chất lượng, đẳng cấp quốc tế, khác biệt nhưng phải bền vững, tỉnh đặc biệt quan tâm đến các vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên của thế giới và bảo vệ bền vững về môi trường, tạo môi trường sống hấp dẫn cho người dân và du khách. Quảng Ninh đặt mục tiêu, đến năm 2020, tổng khách du lịch đạt 15 đến 16 triệu lượt, trong đó có 7 triệu khách quốc tế, tổng doanh thu đạt 30.000 - 40.000 tỷ VNĐ; thu ngân sách từ hoạt động du lịch đạt 10 - 15% thu nội địa, giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 người; đóng góp của ngành Du lịch vào GRDP đạt từ 14 đến 15%.

Các nguyên tắc và hành động nhằm thúc đẩy du dịch bền vững bao gồm: - Coi phát triển du lịch bền vững là một quá trình liên tục cần có sự theo dõi, đánh giá tác động một cách thường xuyên; - Đẩy mạnh các chính sách phát triển du lịch nội địa và khu vực nhằm hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc; - Khuyến khích các đóng góp kinh tế dài hạn, khả thi, đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan; - Tôn trọng tính nguyên bản về văn hóa - xã hội của cộng đồng địa phương; - Sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên môi trường tự nhiên; - Khuyến khích nhu cầu của người tiêu dùng đối với các hoạt động và sản phẩm du lịch bền vững; - Đẩy mạnh đối tác công - tư với tư cách là biện pháp chính để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch bền vững; - Tạo môi trường cạnh tranh, hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến du lịch, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; - Tiến hành thêm các nghiên cứu để các nền kinh tế APEC có thể thích ứng và tận dụng những thay đổi do các công nghệ mới tiên tiến đem lại.