Thầy Then làm nghi lễ Then của người Thái ở tỉnh Điện Biên. |
Thực hành Then là nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc sắc trong các nghi lễ tâm linh, được các ông giàng, bà then hát trong các buổi lễ của gia đình, làng bản như: Cấp sắc, cầu an, giải hạn, mừng nhà mới, chúc thọ người già… với ước mơ về sự bình an, hạnh phúc đến với làng bản và con người.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (thuộc UNESCO), hồ sơ đề cử Di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã đáp ứng 5 tiêu chí: Tạo thành một phần cơ bản trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ; Làm nổi bật sự đóng góp của di sản trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc; Sức sống của di sản được đảm bảo bởi các cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng; Nghệ nhân dân gian và các cộng đồng liên quan tích cực tham gia vào tất cả các giai đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử thông qua các cuộc họp, hội thảo, hội nghị và tập huấn; Di sản của 11 tỉnh lần lượt được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia kể từ năm 2012 và hàng năm đều có kiểm kê di sản.
Không đơn thuần là nghệ thuật xướng ca
Nếu nhìn về mặt nghệ thuật dân gian, Then chính là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng dân gian và có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. Cùng với việc thực hành nghi lễ, các thầy Then đã kể những câu chuyện Then, phản ánh mọi mặt từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần, từ lịch sử đến các tập tục sinh hoạt của đồng bào các dân tộc.
Ở mỗi địa phương, mỗi vùng quê đều có những làn điệu hát Then khác nhau, nhưng nhìn một cách tổng thể, Then có một số loại hình thể hiện với những chức năng chính sau: Then kỳ yên (cầu an), cầu hoa, cầu may, Then cầu mùa, Then chúc tụng ca ngợi, Then cấp sắc, Then tống tiễn... Những làn điệu Then khi thủ thỉ, gần gũi, lúc sôi động, dồn dập, lúc trầm buồn, ngẫm ngợi, lúc hồ hởi, vui tươi… đã tạo sức truyền cảm lớn cho cộng đồng tham dự nghi lễ Then.
Giáo sư Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng khẳng định, Then là một kho tàng quý báu, chứa đựng trong đó những giá trị văn học nghệ thuật ngàn đời của ông cha. Có thể thấy, trong Then không chỉ có các thể thơ dân tộc, mà còn có các biện pháp thi pháp, tu từ, ẩn dụ... của nghệ thuật ngôn từ; những làn điệu dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất; những điệu múa đã song hành với hát then không biết bao năm tháng…
Cây đàn Tính và làn điệu Then gắn với đời sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái. (Ảnh: Tuyen Quang TV) |
Các thầy Then là “báu vật sống”
“Then được vinh danh như thế này bản thân tôi thấy vui mừng, nghề của tôi được vinh danh như thế chúng tôi có thêm động lực phát huy sau này còn truyền cho con, cho cháu và nhiều thế hệ khác. Tôi không truyền được, con tôi không truyền được thì sau này nó sẽ mai một". Nghệ nhân ưu tú Lưu Đình Bạo, Bắc Kạn |
Có lẽ, phải xem và nghe Then mới thấy phục các thầy Then. Họ giống như một diễn viên phải thể hiện nhiều vai cùng lúc, miệng hát, tay múa, chân đi nhạc ngựa, mặt diễn xuất... không biết mệt mỏi. Nhà nghiên cứu Nông Thị Nhình cho rằng để trở thành một thầy Then độc lập, người làm Then phải trải qua quá trình học nghề lâu dài, phải đạt tới trình độ cao về nghệ thuật. Họ phải thực sự là một nghệ sĩ dân gian đa tài, giỏi văn thơ, biết múa, biết tự đệm đàn và chơi xóc nhạc trong những nghi lễ mang đặc trưng của dân tộc.
Ở tỉnh Bắc Kạn, Nghệ nhân Mã Trung Trực là một trong những thầy Then có tiếng với chất giọng ấm áp cùng ngón đàn mượt mà trên những cây đàn do chính tay anh chế tạo. Không chỉ thành lập các câu lạc bộ hát Then đàn tính, ngôi nhà sàn của anh cũng là nơi tổ chức các lớp dạy đàn, hát cho các cháu thanh, thiếu nhi và những người yêu Then trong vùng.
Theo PGS.TS Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, để bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Then, cần phải xây dựng cơ chế chính sách cũng như chế độ đãi ngộ hợp lý đối với nghệ nhân - “báu vật sống” đang lưu giữ kho tàng nghệ thuật cổ quý giá này.
Khơi dậy sức sống ở địa phương
“Đưa then xuống phố là nguyện vọng, là tâm nguyện của rất nhiều người, đặc biệt là những người đã yêu mến nghệ thuật hát then như chúng tôi. Đưa Then xuống phố cũng là một dịp để được quảng bá những giá trị của nghệ thuật diễn xướng Then”. NSND Triệu Thủy Tiên, Lạng Sơn |
Sự khác biệt của Then ở mỗi địa phương, mỗi cộng đồng dân tộc đã mang đến cho Then một sự phong phú, đa dạng mà không có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể có thể đạt tới.
Trong một hội thảo về Thực hành Then, PGS.TS. Phạm Thị Yên - Viện Nghiên cứu văn hóa cho biết Then có mặt ở hầu khắp các tộc người nói ngôn ngữ Tày - Thái với biểu hiện đa dạng về điện thần, trang phục, dụng cụ hành nghề và hình thức diễn xướng. Ngoài loại nhạc cụ tiêu biểu nhất là Tính tẩu, Then còn có các dụng cụ trình diễn như xóc nhạc, quạt, kiếm, ấn sắc, nhạc ngựa...
Cũng theo thống kê của nhà nghiên cứu Vi Thị Tỉnh – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Then có một số lượng nghi lễ rất đa dạng, gắn liền với cuộc sống thường nhật của con người, chẳng hạn: Lễ then cầu yên thực hiện vào dịp năm mới, lễ then giải hạn, lễ then mừng nhà mới, lễ then gửi con, lễ then mừng sinh nhật, lễ then chữa bệnh, lễ then dùng trong tang ma, lễ cúng chuộc hồn, cúng tổ tiên, cắt tiền duyên, cầu cái hái hoa... Ngoài những nghi lễ chính dành cho cộng đồng kể trên, còn có nhiều nghi lễ chuyên biệt thường được tổ chức tại nhà các thầy Then.
Ở Lạng Sơn hiện có khoảng 100 câu lạc bộ hát Then và những nghệ nhân, nghệ sĩ vẫn đang nỗ lực đưa nghệ thuật dân gian Then tiến gần hơn với công chúng đương đại, góp phần làm cho câu Then Việt Bắc lan tỏa, thăng hoa.
Có thể thấy, các địa phương đã chú trọng bảo tồn, phát huy và tạo sức sống bền vững khi Thực hành Then đã được nâng lên ở tấm mới.