📞

"Thuốc giảm sốt" có tên ngoại giao nhân dân

09:28 | 20/04/2015
Trước kia cũng như bây giờ, khi quan hệ chính trị Trung - Nhật bế tắc thì giao lưu nhân dân lại nổi lên như một liều thuốc xoa dịu cơn căng thẳng.
Lễ hội Nhật Bản tại Trung Quốc.

Ngoại giao nhân dân có thể tiếp cận với đối tượng và mục tiêu một cách nhẹ nhàng hơn và hiệu quả hơn trong những điều kiện mà ngoại giao chính thức của nhà nước khó thực hiện được hoặc thực hiện ít hiệu quả. Điển hình là ngoại giao bóng bàn năm 1971 mở đường cho chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc. Khi đó Nhật Bản đã đóng vai trò trung gian khi đăng cai 31 trận đấu của đội bóng bàn Mỹ và Trung Quốc. Giờ đây, đến lượt Nhật Bản và Trung Quốc lại phải có nỗ lực tương tự.

Cách tiếp cận gần gũi

Trung Quốc là điểm đến hàng đầu của khách du lịch và nhà đầu tư Nhật Bản sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972. Giai đoạn này, các khảo sát cho thấy 80% người Nhật thiện cảm và đánh giá cao hợp tác với Trung Quốc. Sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông từ trần năm 1976, hai bộ phim Nhật Bản Kimi Yo Fundo No Kawa O Watare và Khăn tay vàng với sự góp mặt của diễn viên Ken Takakura nằm trong số những phim nước ngoài đầu tiên được chiếu tại Trung Quốc. Khi ông qua đời tháng 11/2014, nhiều người Trung Quốc trong độ tuổi 50 đã khóc thương bởi diễn viên tài năng này là một phần kỷ niệm trong họ.

Trước khi nghệ thuật manga và anime được phổ biến trên toàn thế giới, người dân Trung Quốc đã được tiếp cận Ikkyu-san và Astro Boy là những phim hoạt hình Nhật nổi tiếng nhất tại Trung Quốc và ca khúc chủ đề được trẻ em nước này yêu thích nhất thập niên 1980 - 1990.

Khi đứng đầu Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào đã mời 3.000 thanh niên Nhật đến thăm Trung Quốc, trong đó có con trai Thủ tướng Nakasone. Ông Hồ Cẩm Đào còn phân công con gái của mình làm hướng dẫn viên cho quý tử nhà Nakasone. Ai cũng biết chính ông Nakasone đã tham gia việc thiết lập một "trạm giải khuây" trong chiến tranh và thường xuyên đến thăm đền Yasukuni khi làm Thủ tướng. Những tưởng Bắc Kinh sẽ phản ứng gay gắt nhưng ông Hồ Cẩm Đào là người có quan điểm ôn hòa, tầm nhìn xa đã chủ trương đề xuất với Trung Nam Hải xây dựng quan hệ hữu nghị ở cấp độ nhân dân. Sau sự kiện Thiên An Môn, về mặt chính trị, Nhật Bản là cường quốc đầu tiên gia tăng biện pháp trừng phạt Bắc Kinh nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Cuối thế kỷ XX, du học sinh Trung Quốc tại Nhật Bản nhiều hơn bất kỳ nước nào khác.

Hàn gắn tình cảm

Xung đột giữa hai nước bắt đầy gia tăng nửa sau thập niên 1990, thiện cảm của người Nhật dành cho Trung Quốc giảm dần còn khoảng 50%. Đến năm 2014, theo một khảo sát của BBC World Service Poll, chỉ có 3% người Nhật xem sự trỗi dậy và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc là tích cực, 73% cho rằng nhận thức và hành động của Trung Quốc không có lợi cho thế giới. Có 5% người Trung Quốc nhìn nhận tích cực về Nhật Bản, 90% thể hiện quan điểm tiêu cực.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tăng cường hiểu biết thông qua giao lưu nhân dân, đặc biệt là trong giới trẻ, hai chính phủ đang bắt đầu hành động. Tháng 6/2014, khi lần đầu tiên một thành viên Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe thăm Bắc Kinh, Bộ trưởng Giao thông Akihiro Ota và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông đã nhất trí sẽ cải thiện tình cảm công chúng ở hai nước dành cho nhau.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh đã đồng tài trợ cuộc thi nói và viết tiếng Nhật, mời 2.000 thanh niên Trung Quốc sang thăm Nhật Bản. Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo bảo trợ cho tất cả các cuộc thi viết về quan hệ song phương và mời người chiến thắng tham quan Trung Quốc trong một tuần. Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức nhộn nhịp tại các địa phương xa xôi.

Bất chấp căng thẳng chính trị, năm 2014, Nhật Bản đón 2,4 triệu lượt khách từ Trung Quốc đại lục. Khoảng 2,88 triệu khách Nhật đến Trung Quốc. Nhờ việc Tokyo nới lỏng thủ tục làm visa, miễn thuế và đồng Yên yếu hơn, Trung Quốc đang dẫn đầu số lượng khách nước ngoài đến xứ sở Mặt trời mọc năm 2015. Bên cạnh việc thích các sản phẩm chất lượng cao của Nhật Bản như gạo, bếp, bộ lọc không khí, hầu hết người Trung Quốc sau khi du lịch đều có ấn tượng tích cực về xứ sở anh đào. Trên The diplomat, một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Nhật Bản đánh giá: "Việc gia tăng khách Trung Quốc đến Nhật Bản sẽ góp phần xây dựng sự hiểu biết sâu dần giữa nhân dân hai nước".

Khi môi trường quốc tế ngày càng rộng mở, vai trò đối ngoại của mỗi cá nhân dù ở tư cách nào cũng đều quan trọng, không chỉ các nhà ngoại giao. Ngoại giao nhân dân như một "liều thuốc giảm sốt", hạ nhiệt căng thẳng cho cặp quan hệ song phương quan trọng này của thế giới trong khi chờ đợi nhiều giải pháp đồng bộ khác. Đó là kinh nghiệm cho các quốc gia đang gặp phải vấn đề tương tự. Nguyên Bảo

“Mới đây, Tôi có cuộc nói chuyện tại Đại học ở Kyoto. Các sinh viên trẻ có cách tiếp cận hợp lý khi đặt ra câu hỏi cả Nhật Bản và Trung Quốc cần làm gì để cải thiện quan hệ. Điều đó cần xuất phát từ thái độ của chính phủ và nỗ lực của nhân dân hai nước, chứ không nên đổ lỗi cho lý do khác”.

Phó Giáo sư Zhiqun Zhu, Giám đốc Viện Trung Quốc - Đại học Bucknell, Mỹ, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Doshisha, Nhật Bản