Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi họp Bộ tứ bên lề Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, ngày 20/5/2023. (Nguồn: Reuters) |
Kể từ lần đầu tổ chức năm 2021, Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ (gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) luôn là đề tài tốn nhiều giấy mực.
Vô vàn biến số
Biến số đầu tiên đến từ thời gian và địa điểm tổ chức. Sau hai lần tổ chức tại Nhật Bản và đều vào tháng Năm, lần này Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra vào tháng Chín. Đặc biệt hơn, thay vì diễn ra ở Ấn Độ như đã thảo luận, các bên nhất trí tổ chức tại Wilmington, bang Delaware rồi cùng dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc sau đó tại New York.
Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn ngẫu nhiên, bởi Wilmington là thành phố quê hương của Tổng thống Joe Biden. Việc lãnh đạo cấp cao chọn quê hương hoặc tư gia để tiếp đón lãnh đạo nước ngoài hoặc tổ chức các sự kiện quốc tế lớn không phải là hiếm.
Năm 2017, cựu Tổng thống Donald Trump từng có không ít cuộc trao đổi thân tình với cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trên sân golf thuộc khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình ông. Sáu năm sau, Nhật Bản đăng cai Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Hiroshima, quê nhà của Thủ tướng đương nhiệm Kishida Fumio. Về phần mình, Nhà Trắng nêu: “(Lựa chọn này) phản ánh quan hệ cá nhân sâu sắc (của Tổng thống Joe Biden) với từng lãnh đạo Bộ tứ và tầm quan trọng của Bộ tứ với tất cả chúng ta”.
Thứ hai, đây cũng là Hội nghị cuối cùng có sự góp mặt của ông Joe Biden và ông Kishida Fumio. Đương kim Tổng thống Mỹ đã nhường lại quyền tranh cử của mình cho “phó tướng” Kamala Harris.
Về phần mình, Thủ tướng Kishida sẽ không tham gia tranh cử vị trí Chủ tịch đảng cầm quyền Tự do dân chủ Nhật Bản (LDP). Hiện tương lai của hai vị trí này và chủ trương đối ngoại của Mỹ và Nhật Bản sau năm 2024 vẫn là dấu hỏi lớn. Ngay cả khi bà Harris chiến thắng, chưa có gì khẳng định bà sẽ tiếp nối cam kết của ông Joe Biden với Bộ tứ. Với Nhật Bản, mọi thứ còn khó đoán hơn khi có nhiều gương mặt tiềm năng trong LDP, với những quan điểm về đối ngoại khá khác nhau.
Cuối cùng, Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động phức tạp. Hơn hai năm rưỡi sau khi bùng phát, xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt với loạt giao tranh mới đây tại Kursk. Tình hình Dải Gaza diễn biến phức tạp, với mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh thân thiết là Israel chứng kiến dấu hiệu rạn nứt, trong khi phe Houthi tại Yemen táo bạo hơn trong các đợt tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ.
Ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, quan hệ Mỹ-Trung vẫn duy trì theo xu hướng “hợp tác khi có thể, cạnh tranh khi thích hợp và đối đầu khi cần thiết”. Việc ông Lại Thanh Đức làm người đứng đầu Đài Loan (Trung Quốc) chưa thể hạ nhiệt tình hình hai bờ eo biển. Giao tranh ác liệt ở Myanmar, tuần hành thay đổi chính phủ ở Bangladesh đe dọa lan rộng. Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa với tần suất dày; Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều căng thẳng. Thực trạng này đòi hỏi cả bốn quốc gia phải liên tục điều chỉnh xây dựng và triển khai chính sách.
Tổng thống Joe Biden sẽ tổ chức các cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo Bộ tứ tại nhà riêng ở Wilmington còn Hội nghị thượng đỉnh và ăn tối thân mật tại trường trung học Công giáo Archmere Academy, nơi ông từng theo học. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ tham gia vào sự kiện "Cancer Moonshot" tại trường, đây là sáng kiến do ông Biden khởi xướng để tìm ra liệu pháp miễn dịch dựa trên vaccine cho bệnh ung thư. |
Hằng số và bước tiến
Trong bối cảnh đó, khẳng định những hằng số giữa vô vàn biến số sẽ là trọng tâm của Bộ tứ ngày 21/9. Trước hết, năm Hội nghị thượng đỉnh được duy trì từ năm 2021 dưới các hình thức khác nhau, cùng tám cuộc gặp cấp Ngoại trưởng khẳng định cam kết mạnh mẽ của bốn nước đối với khu vực.
Ngoài ra, việc thay đổi địa điểm vào phút chót và chọn quê hương của ông Joe Biden làm địa điểm tổ chức Hội nghị, vài tháng trước khi nhà lãnh đạo này rời nhiệm sở, phản ánh vai trò hạt nhân của Mỹ trong Bộ tứ. Điều này được duy trì, chừng nào nước này không từ bỏ cam kết như cách cựu Tổng thổng Donald Trump từng đưa xứ cờ hoa rời Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Sau cùng, Nhà Trắng nhấn mạnh, Hội nghị sẽ tập trung “củng cố các điểm đồng chiến lược giữa các nước, thúc đẩy tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở, mang lại lợi ích thực chất cho đối tác ở khu vực trong các lĩnh vực then chốt”. Trong bốn hội nghị trước, an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, an ninh kinh tế và hợp tác công nghệ đều xuất hiện; lần này không phải là ngoại lệ.
Theo đó, về khía cạnh an ninh, Bộ tứ được cho là đang thúc đẩy kế hoạch phối hợp, tuần tra chung tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đồng thời, các bên sẽ thảo luận sâu về xây dựng Mạng lưới radio mở (Open RAN), cơ sở hạ tầng cho hệ thống liên lạc trên biển giảm thiểu sự phụ thuộc vào một số công ty nhất định trong trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Trong lĩnh vực y tế, Bộ tứ có thể khởi động sáng kiến về nghiên cứu, hợp tác chung nhằm điều trị một số bệnh nan y xuất phát từ kinh nghiệm hợp tác phòng chống dịch Covid-19. Về công nghệ, Bộ tứ sẽ thảo luận khả năng triển khai dự án hỗ trợ nông dân nâng cao năng suất thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Không loại trừ khả năng các bên sẽ thông qua việc tổ chức họp Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp lần đầu tiên. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là bước tiến để Bộ tứ thể chế hóa sâu hơn, như chính quyền Tổng thống Joe Biden từng kỳ vọng.