📞

Thượng đỉnh G7 và thông điệp về sự trở lại của nước Mỹ

Vũ Đăng Minh 16:15 | 14/06/2021
Trong nhiều quyết định của Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay đều có bóng dáng, dấu ấn của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại họp báo sau Thượng đỉnh G7 tại Cornwall, Anh ngày 13/6. (Nguồn: AP)

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) là sự kiện nổi bật đầu tiên trong hành trình xuất ngoại đầu tiên đến châu Âu của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trước thềm Hội nghị, Tổng thống Joe Biden nêu rõ mục đích: “Tại mỗi điểm đến dọc đường đi, chúng tôi sẽ nói rõ rằng nước Mỹ đã quay trở lại và các nền dân chủ trên thế giới đang sát cánh cùng với nhau để giải quyết những thách thức khó khăn nhất cùng những vấn đề quan trọng nhất với tương lai”, “củng cố liên minh, cho Nga và Trung Quốc thấy rõ quan hệ giữa Mỹ và châu Âu bền chặt”.

Mục đích đó thể hiện ra sao trong 3 ngày diễn ra Hội nghị với "cái kết đẹp" là Tuyên bố chung?

Tham vọng “xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”

Như thông lệ, Tuyên bố chung đề cập các kết quả nổi bật về những vấn đề quốc tế ưu tiên và quan tâm của Hội nghị thượng đỉnh; trong bối cảnh thế giới lao đao vì đại dịch, suy thoái kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; cạnh tranh thương mại căng thẳng, đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, Nga.

Quyết định cung cấp 1 tỷ liều vaccine (bao gồm cả cam kết từ hội nghị tháng 2, thực tế lần này chỉ có 630 triệu liều), không kèm theo điều kiện về kinh tế, chính trị, cho các quốc gia thu nhập thấp. Thỏa thuận phân bổ 100 tỷ USD từ quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để trợ giúp các quốc gia khó khăn trong đối phó với Covid-19.

Thông qua dự án “xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”, trọng tâm là kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu mới. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng to lớn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình; với nguồn đầu tư tài chính ước tính hơn 40.000 tỷ USD. Các dự án ưu tiên liên quan đến lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, bảo vệ người lao động, minh bạch, chống tham nhũng…

Tuyên bố chung tái cam kết giảm gần một nửa lượng khí thải vào năm 2030 so với năm 2010; hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu và nghiên cứu tình trạng mất đa dạng sinh học trên toàn cầu.

Hội nghị chính thức thông qua đề xuất của Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính G7 về quy định mức thuế tối thiểu 15% trên toàn cầu đối với các tập đoàn đa quốc gia, nhằm xóa bỏ lỗ hổng về thuế doanh nghiệp, nhất là ở các “thiên đường trốn thuế”.

Với những quyết định đó, Thượng đỉnh G7 đã cố gắng thể hiện vai trò của 7 quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu, như tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron “...đoàn kết, quyết tâm tạo ra sự khác biệt”.

Có điều, cái “sự khác biệt” và “thế giới tốt đẹp hơn” là theo tiêu chí của Mỹ và phương Tây, theo trật tự thế giới có lợi cho họ… Ẩn chứa sau đó là thông điệp của G7 rằng, không có ai khác, ngoài phương Tây đủ khả năng giải quyết nhanh, gọn, hiệu quả các thách thức toàn cầu phức tạp nhất.

Trung Quốc, Nga phủ bóng chương trình nghị sự

Vấn đề Nga, Trung Quốc ẩn chứa sau các chủ đề thảo luận và trong nhiều quyết định của Hội nghị thượng đỉnh G7. Tuyên bố chung kêu gọi điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19, với lý do báo cáo ban đầu của WHO chưa thuyết phục và thiếu sự hợp tác của Trung Quốc; chỉ trích vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Các nhà lãnh đạo G7 tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông, Biển Hoa Đông, kiên quyết phản đối bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng. Lần đầu tiên Tuyên bố chung đề cập vấn đề Đài Loan khi kêu gọi duy trì hòa bình, ổn định xuyên eo biển Đài Loan.

Kế hoạch hơn 40.000 tỷ USD của G7 chính là nhằm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Quyết định cung cấp không điều kiện gần 1 tỷ liều vaccine và hỗ trợ 100 tỷ USD cho các quốc gia gặp khó khăn trong đối phó với Covid-19, được xem là nhằm giành lại thế đi đầu trong chính sách “ngoại giao vaccine”.

Đặc biệt, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu mới chính là nhằm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Các tiêu chí “dân chủ”, “minh bạch”, “chống cưỡng ép”, “hướng tới các giá trị” trong “xây dựng thế giới mới tốt đẹp hơn” do Mỹ và phương Tây nêu ra cũng nhằm ám chỉ mặt trái trong chính sách của Trung Quốc.

Tuyên bố chung cũng chỉ trích Nga là mối đe dọa cấp bách, liên tục; sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ của G7 (ám chỉ các vụ “đầu độc” nhân vật đối lập, cựu điệp viên); đòi Nga chấm dứt việc “đàn áp có hệ thống” phong trào dân chủ. Cáo buộc Nga “chứa chấp” và yêu cầu giải thích về những hành động tiến công mạng…

Như vậy, Mỹ và các lãnh đạo G7 đã nỗ lực thực hiện tuyên bố chứng tỏ cho Nga, Trung Quốc thấy phương Tây đang củng cố một “liên minh toàn cầu mang diện mạo mới”.

Dấu ấn và phong cách mới của Tổng thống Mỹ

Trong nhiều quyết định của Hội nghị thượng đỉnh G7 đều có bóng dáng, dấu ấn của Mỹ. Mỹ đóng góp hơn 50% trong gần 1 tỷ liều vaccine covax và hỗ trợ xây dựng kế hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng để vaccine đến với người dân. Đề xuất dự án “xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” với kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu mới cũng là của Mỹ.

Ban đầu, đề xuất của Mỹ, Anh, Canada về chỉ trích Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tân Cương; kêu gọi hình thành, cách tiếp cận thống nhất, lập trường chung đối với các thách thức từ Trung Quốc, Nga không được Thủ tướng Đức và lãnh đạo EU đồng tình.

Trải qua các buổi thảo luận, nhiều đề xuất của Mỹ được Hội nghị thượng đỉnh G7 nhất trí, đưa vào Tuyên bố chung. Thủ tướng Anh đánh giá kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu mới là quyết định mang tính lịch sử và ca ngợi “Mỹ đã thực sự trở lại”.

Kết quả đó chứng tỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ và phong cách của Tổng thống Joe Biden, người đã có kinh nghiệm 50 năm lăn lộn trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, dư luận cũng cho rằng ông chủ Nhà Trắng chỉ tạm hài lòng về vấn đề củng cố quan hệ đồng minh chặt chẽ, hình thành một mặt trận thống nhất trong Hội nghị thượng đỉnh G7.

Đồng điệu trong sự khác biệt?

Dư luận quốc tế quan tâm Hội nghị thượng đỉnh G7 và trông chờ các chính sách, quyết định và sự phối hợp hành động của 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là về kinh tế.

Trong lịch sử, không ít lần Thượng đỉnh G7 được đánh giá là “căng thẳng”, “u ám”, thậm chí “thất bại” bởi “những khác biệt về quan điểm không thể hòa giải”.

Hội nghị năm 2017 ở Ytalia vấp phải tranh cãi liên quan đến việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị năm 2018, Tổng thống Donald Trump từ chối ký Tuyên bố chung do bất đồng về việc Washington áp thuế cao đối với các sản phẩm thép, nhôm của EU và Canada.

Chính vì thế, Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này được nhiều nước xem là có kết quả quan trọng. Cộng đồng vẫn hy vọng các quyết định hỗ trợ tài chính của Nhóm G7 thực sự không phải là “món hàng bán kèm”; đồng thời nghiền ngẫm các tiêu chí về “xây dựng thế giới mới tốt đẹp hơn” của Mỹ và phương Tây.

Tuy nhiên, tính toán khác nhau của từng lãnh đạo G7 cũng dẫn đến một số hạn chế. Anh không đạt được kỳ vọng tìm lại vị thế tích cực hậu Brexit và vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland gây nhiều tranh cãi. Có sự khác biệt nhất định giữa Mỹ, Anh… với một số nước EU trong quan hệ với Trung Quốc và Nga…

Do vậy, có học giả cho rằng Thượng đỉnh G7 năm nay chưa có nhiều chính sách lớn. Việc hình thành lập trường chung, chính sách đối ngoại thống nhất cao giữa Mỹ và EU vẫn còn là vấn đề.

Thái độ của Trung Quốc và Nga đối với Hội nghị cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng. Bắc Kinh tất nhiên không bằng lòng với nhiều nội dung của Tuyên bố chung. Ngay trước thềm Hội nghị, quan chức cấp cao Trung Quốc đã chỉ trích việc duy trì hệ thống, trật tự thế giới “dựa trên lợi ích của một nhóm nhỏ” và khẳng định “thời kỳ một nhóm nhỏ quốc gia quyết định các vấn đề toàn cầu qua lâu rồi”.

Bắc Kinh đã thông qua chính sách đối phó với trừng phạt, can thiệp từ bên ngoài và sẽ tiếp tục hợp tác với Nga, Iran và các đối tác khác để đối trọng với Mỹ và phương Tây.

Nga nhận xét quan điểm “xây dựng quan hệ ổn định và dễ dự đoán” của Mỹ được mở rộng ra EU và sẵn sàng đối phó với mọi tác động; đồng thời sẽ đưa các vấn đề liên quan vào Thượng đỉnh Nga-Mỹ sau đó vài ngày.

Một số học giả cho rằng Thượng đỉnh G7 đưa ra nhiều tuyên bố nhưng ít hành động thực tế, nên không gây nhiều lo lắng cho Trung Quốc và Nga. Mỗi người một góc nhìn. Hãy chờ xem.