Chờ đợi gì từ bàn đàm phán?
Đã có rất nhiều đồn đoán về những kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội, bao gồm cả dự đoán tích cực lẫn nghi ngại. Tuy vậy, phần đông dư luận kỳ vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai này sẽ mang tới kết quả tích cực hơn Hội nghị lần thứ nhất.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Singapore. (Nguồn: AFP) |
Tại Singapore năm ngoái, hai nhà lãnh đạo đã cam kết hợp tác để hoàn toàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đó là kết quả cuối cùng, và có lẽ là tốt đẹp nhất mà các bên liên quan đều mong muốn. Nhưng để đạt được kết quả đó, nhìn vào thực tế, các bên liên quan mà trực tiếp là Mỹ và Triều Tiên còn phải trải qua một hành trình đàm phán rất dài.
Khả năng Mỹ và Triều Tiên đạt được một thỏa thuận hoàn toàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tại Hội nghị thượng đỉnh lần 2 là rất nhỏ, bởi một thỏa thuận như vậy đòi hỏi niềm tin rất lớn từ cả hai phía và tác động lớn đến quan hệ giữa những nước liên quan cùng môi trường an ninh khu vực.
Kết quả thiết thực nhất mà chúng ta có thể dự đoán, là một thỏa thuận mang tính biểu tượng cho thấy những tín hiệu tích cực và lạc quan từ cả Mỹ lẫn Triều Tiên. Một thỏa thuận ở mức độ vừa phải, như tuyên bố chấm dứt chiến tranh, sẽ là cái kết cho sự thù địch và tình trạng chiến tranh đã tồn tại trên bán đảo Triều Tiên gần 70 năm qua.
Không giống như một hiệp ước hòa bình chính thức, một tuyên bố kết thúc chiến tranh là một tài liệu không ràng buộc về mặt pháp lý và sẽ thể hiện như là biểu tượng cho sự chấm dứt của Chiến tranh Triều Tiên, vốn chỉ dừng lại ở một hiệp định đình chiến.
Một tuyên bố kết thúc tình trạng chiến tranh, có lẽ là một phần của những khuyến khích và nhượng bộ từ cả hai phía, có thể mang lại cho các nhà đàm phán động lực mới và một con đường mới để theo đuổi hòa bình và cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo.
Nhượng bộ từ hai phía
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói rằng, Mỹ và Triêu Tiên có nhiều vấn đề cần bàn bạc. Quá khứ đã cho thấy Triều Tiên sẵn sàng nhượng bộ. Tháng 9/2018, trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bày tỏ sẵn sàng cho phép thanh sát viên đến thị sát các cơ sở hạt nhân tại Yongbyon, thậm chí dỡ bỏ vĩnh viễn để đổi lấy những hành động tích cực tương xứng của Mỹ. Những biện pháp nhượng bộ khác có thể bao gồm việc tạm dừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa, cũng như chấm dứt sản xuất nhiên liệu hạt nhân cùng các hệ thống mang chở vũ khí.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, tháng 9/2018. (Nguồn: AFP) |
Rõ ràng, Triều Tiên cũng mong chờ những nhượng bộ tích cực từ phía Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump chưa cho thấy bất cứ dấu hiệu nào về khả năng gỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế. Do vậy, khả năng Mỹ chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế gần như không có. Mỹ sẽ phải tìm ra một giải pháp để đáp lại sự nhân nhượng từ phía Triều Tiên, và đó có thể là việc để cho Triều Tiên và Hàn Quốc tái thiết các mối quan hệ kinh tế, như việc mở lại khu công nghiệp Kaesong, kết nối lại đường sắt và đường bộ.
Lợi ích của các nước liên quan
Hàn Quốc, nước chịu tác động trực tiếp của quan hệ Mỹ - Triều đã ngỏ ý mở cửa và tái thiết lập quan hệ kinh tế với Triều Tiên. “Bật đèn xanh” cho sự cải thiện quan hệ liên Triều là phương án tốt để giảm bớt sức ép chính trị đối với chính quyền Tổng thống Trump về khả năng gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế dành cho Triều Tiên, vừa như là một bước đệm để Triều Tiên dần quay trở lại với các mối quan hệ kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, vai trò của Trung Quốc trong việc đưa Mỹ và Triều Tiên đến bàn đàm phán tại Singapore là không thể phủ nhận. Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thăm Trung Quốc 2 lần. Với việc di chuyển đến Việt Nam bằng đường sắt, phía Triều Tiên cho thấy sự tin tưởng rất lớn, ít nhất là về an ninh, đối với Trung Quốc. Và chắc chắn, phía Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai vì những lợi ích chiến lược của Trung Quốc
Thông điệp hướng tới tương lai
Phía trước khu vực khách sạn Melia, Hà Nội. |
Việt Nam được lựa chọn là điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. Với việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Việt Nam một lần nữa khẳng định với cộng đồng thế giới rằng Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, tích cực của tất cả các quốc gia trên thế giới, tái chứng minh sự đúng đắn của đường lối “đa phương hóa, đa dạng hóa” quan hệ quốc tế.
Việt Nam sẵn sàng tổ chức Hội nghị thượng định bởi Việt Nam có quan hệ tốt với cả Mỹ lẫn Triều Tiên, cũng hàm ý cho thấy việc hai nước có vấn đề trong quá khứ hoàn toàn có thể khép lại những trang sử cũ để đối thoại và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Đó cũng là một sự khẳng định niềm tin tuyệt đối của Mỹ và Triều Tiên đối với Việt Nam trong việc tổ chức một trong những cuộc gặp cấp cao đáng chú ý nhất thế giới vào thời điểm hiện tại.