Nhỏ Bình thường Lớn

Thượng đỉnh Mỹ - Triều Hà Nội: Giữ “lửa” đối thoại Mỹ - Triều, nâng tầm Đối ngoại Việt Nam

 Thiếu tướng, PGS. TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công An) tin tưởng rằng, Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội sẽ là cơ hội "ngàn năm có một" để Việt Nam nâng tầm đối ngoại, thể hiện rõ vai trò và vị thế mới của đất nước trên chính trường quốc tế.
TIN LIÊN QUAN
giu lua doi thoai my trieu nang tam doi ngoai viet nam Việt Nam: Nhân tố kiến tạo hòa bình trong quan hệ Mỹ - Triều
giu lua doi thoai my trieu nang tam doi ngoai viet nam Cơ hội tốt phát huy vai trò ngoại giao hoà giải của Việt Nam

Thiên thời địa lợi

Về việc Mỹ và Triều Tiên chọn Hà Nội làm địa điểm tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, ông Cương cho rằng thông tin này là không quá bất ngờ về mặt chiến lược, vì Việt Nam vẫn là địa điểm thuận lợi nhất cho cả hai bên.

Theo ông, điều kiện tiên quyết của sự kiện này là đảm bảo công tác về mặt an ninh, an toàn. Đây là điều mà Đại sứ quán Mỹ, trong quá trình làm việc với phía Việt Nam, đánh giá rất cao. Chính đơn vị này đã tham mưu và đóng góp ý kiến để Mỹ lựa chọn Hà Nội làm điểm dừng chân cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. 

Ngoài ra, Việt Nam có mối quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên. Kể từ khi bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, quan hệ Việt – Mỹ đã có những bước tiến vượt bậc. Trong khi đó, quan hệ Việt – Triều sau 66 năm hình thành và phát triển tiếp tục được duy trì.

giu lua doi thoai my trieu nang tam doi ngoai viet nam
Thiếu tướng, PGS. TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công An. (Ảnh: Đình Tuệ)

Lý giải về việc tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai vào cuối tháng 2/2019, chỉ 8 tháng sau khi diễn ra Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng đây là bước đi chủ động đến từ phía Mỹ. Theo đó, tuyên bố phi hạt nhân hóa tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều tháng 6/2018 chủ yếu mang tính chính trị - hai bên cam kết sẽ hợp tác để “biến giấc mơ thành sự thực”.

Song việc thiếu vắng lộ trình, điều khoản cụ thể đã khiến cả tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên chỉ dừng lại ở các hành động thiện chí nhằm duy trì ngọn lửa đối thoại như Bình Nhưỡng dỡ bỏ một số cơ sở hạt nhân, trao trả hài cốt lính Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên, Washington dừng tập trận chung với Seoul gần lãnh thổ Triều Tiên...

Một khi kéo dài, tình trạng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nói chung, và uy tín của ông Donald Trump trong bối cảnh bầu cử Tổng thống 2020 đang đến gần. Điều này ít nhiều khiến Mỹ chủ động nối lại đàm phán với Triều Tiên và thúc đẩy tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai ngay đầu năm 2019.

Bước khởi đầu của một "Tiến trình hòa bình" Hà Nội?

Về kết quả sắp tới của Thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng dựa trên tuyên bố chính trị tại Singapore, đây sẽ là dịp để Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp mặt và bàn thảo về những vấn đề cụ thể.

Tuy nhiên, tìm kiếm giải pháp và đi đến đồng thuận sẽ đòi hỏi các bên cần thay đổi nhận thức về nhau. Theo đó, sau Thượng đỉnh lần đầu tại Singapore, Mỹ đòi hỏi Triều Tiên phải lập tức đơn phương tiến hành phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, trong khi chính quyền của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục duy trì quan điểm về việc Washington tiến hành gỡ bỏ cấm vận, rút quân, ngừng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) và “ô hạt nhân”, song song với lộ trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Thay đổi nhận thức, tìm kiểm điểm chung nhằm tạo đồng thuận, xây dựng một lộ trình phi hạt nhân hóa đáp ứng nhu cầu của cả đôi bên sẽ là nhiệm vụ hàng đầu của Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai này.

giu lua doi thoai my trieu nang tam doi ngoai viet nam
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore ngày 12/6. (Nguồn: AP)

Về khả năng Mỹ và Triều Tiên ký kết hiệp ước hòa bình về Chiến tranh Triều Tiên, tướng Cương cho rằng điều này khó có thể xảy ra, bởi đây là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với Washington. Một khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt bút ký vào một hiệp ước như vậy, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ yêu cầu Nhà Trắng rút 28.000 quân cùng tất cả các khí tài quân sự khỏi Hàn Quốc, ảnh hưởng tiêu cực tới chiến lược của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á. Do đó, khả năng ký kết một hiệp ước hòa bình chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên tại Hà Nội là rất thấp.

Tuy nhiên, tướng Cương cũng cho rằng Mỹ chắc chắn sẽ chủ động trong quá trình đàm phán với Triều Tiên nhằm đạt được một số thành tựu, để ông Donald Trump có thể bước vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 trong tâm thế của một người thắng cuộc. Khi đó, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ yêu cầu Chủ tịch Triều Tiên có động thái cụ thể như không tiến hành thử tên lửa/vũ khí hạt nhân, phá hủy một vài cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân, cho phép các thanh sát viên của Tổ chức Năng lượng và Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào kiểm tra…

Triều Tiên ý thức rõ ràng được thực tế này và có thể chấp nhận một số yêu cầu từ phía Mỹ. Đổi lại, Washington sẽ xem xét dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Các vấn đề cụ thể về ký kết hiệp ước hòa bình, chi tiết về tiến trình phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ cấm vận sẽ được thảo luận kỹ lưỡng hơn giữa cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và chuyên viên cấp cao của hai nước.

Theo tướng Cương, nếu kịch bản này thành hiện thực, xét trên phương diện đóng góp cho hòa bình ổn định ở Đông Bắc Á, đây sẽ là một kết quả thành công với cả Mỹ và Triều Tiên. Hà Nội khi đó sẽ được nhắc tới không chỉ với tư cách là nơi để hai bên thảo luận và tìm kiếm một lộ trình cho các bước đi lớn trong tương lai, mà còn góp phần “giữ lửa” đối thoại.

Tuy nhiên, tướng Cương cũng cho rằng hai hội nghị Thượng đỉnh là quá ít để giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng giữa hai quốc gia thù địch nhau 66 năm, thậm chí tưởng chừng có lúc tới gần bờ vực của chiến tranh và gần như chắc chắn số lần của Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ không dừng lại ở con số hai. Song ông Cương cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng công bố của một “Tiến trình hòa bình Hà Nội”, với thủ đô nước Việt Nam trở thành điểm đến của lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên cho các lần thượng đỉnh sắp tới.

Cơ hội cho Việt Nam

Về phía Việt Nam, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng Thượng đỉnh Mỹ - Triều được tổ chức tại Hà Nội là cơ hội không thể tốt hơn để nâng cao vị thế đất nước. Việc thủ đô của Việt Nam trở thành điểm gặp gỡ của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ khiến cái tên Việt Nam trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế những ngày tới.

giu lua doi thoai my trieu nang tam doi ngoai viet nam
Biểu tượng bắt tay thể hiện thông điệp hoà bình của cuộc gặp gỡ Mỹ - Triều xuất hiện cùng với lá cờ của Mỹ, Triều Tiên và Việt Nam dọc các tuyến phố chính Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Âu Cơ...

Đây là cơ hội để các Bộ, ban, ngành đẩy mạnh chiến dịch quảng bá về Hà Nội nói riêng và hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển và thân thiện nói chung, góp phần lan tỏa sức mạnh mềm của Việt Nam.

Tướng Cương đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của Việt Nam bởi ngay sau khi nhận được tin Mỹ chọn Hà Nội làm địa điểm tổ chức, công tác hậu cần và an ninh trật tự đã được triển khai một cách bài bản và khẩn trương. Sau đó một tuần, Mỹ đã cử đoàn chuyên gia sang làm việc và chuẩn bị cùng lực lượng an ninh Việt Nam. Trong thời gian qua, Việt Nam đã liên tục tiếp hàng chục đoàn chuyên gia Mỹ; Cục Hàng không đã phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam để đảm bảo công tác vận chuyển hàng hóa bằng hàng không được thông suốt.

Ngoài ra, lực lượng an ninh của Việt Nam đã chú trọng công tác bảo vệ an ninh, an toàn tuyệt đối cho phóng viên quốc tế, tạo điều kiện tối đa cho họ tác nghiệp.

Về phần mình, Tướng Lê Văn Cương khẳng định, Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, với sự góp mặt của một lượng lớn phóng viên quốc tế đến từ các hãng truyền thông lớn của thế giới, là cơ hội vô cùng thuận lợi cho truyền thông Việt Nam. Ông cho rằng truyền thông Việt Nam nên chủ động xây dựng những diễn đàn hẹp, hội thảo ngắn ngày với sự tham dự của phóng viên quốc tế để làm cho họ hiểu và yêu quý Việt Nam hơn, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tuyên truyền là làm cho những người đã yêu quý thì yêu quý chúng ta hơn; những người chưa hiểu đúng thì hiểu đúng và đi đến yêu quý chúng ta, thậm chí làm cho những người chống đối chúng ta thì bớt hung hăng đi.”

giu lua doi thoai my trieu nang tam doi ngoai viet nam ​Nga đề nghị HĐBA LHQ nới lỏng và dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt Triều Tiên

Ngày 25/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, Triều Tiên đang thực thi nghĩa vụ ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, ...

giu lua doi thoai my trieu nang tam doi ngoai viet nam Tổng thống Mỹ: Chừng nào không có thử nghiệm vũ khí, chừng đó chúng tôi còn hạnh phúc

Ngày 25/2, truyền thông đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông chưa có kế hoạch dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên và ông ...

giu lua doi thoai my trieu nang tam doi ngoai viet nam Ngoại trưởng Nga: Cơ chế đàm phán 6 bên về Triều Tiên có thể được khôi phục

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 25/2 cho biết định dạng đàm phán 6 bên, bao gồm Triều Tiên, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc ...

Minh Quân