📞

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Tổng thống Trump đang đứng trước cơ hội làm nên lịch sử

11:48 | 28/02/2019
Chưa ai biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ nhất trí những gì tại cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 diễn ra ở Hà Nội. Ông Trump đang đứng trước cơ hội làm được điều mà chưa người tiền nhiệm nào có thể làm được. Một thỏa thuận dù chỉ ở mức tương đối cũng sẽ đem lại những tác động to lớn nếu nó trở thành nền tảng cho những thay đổi và cải cách sau này. 

Cơ hội cần được nắm bắt

Kết quả của Hội nghị có thể sẽ là một chương trình nghị sự ở mức vừa phải nhằm thúc đẩy cả hợp tác và phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, đó cũng đã là một bước ngoặt lớn. Những chuyển biến, từ các tuyên bố mang tính đe dọa chiến tranh tới những hứa hẹn hòa bình, luôn được xem là thành quả to lớn đối với mọi chính quyền.

Hai nhà lãnh đạo cùng ăn tối tại Hà Nội ngày 27/2. (Ảnh: Reuters.)

Người ta sẽ hoan nghênh nhà lãnh đạo Mỹ thuyết phục thành công Triều Tiên đình chỉ các vụ thử hạt nhân và tên lửa, tính đến nay đã hơn 1 năm. Hơn thế nữa, việc khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên - vốn luôn “ẩn dật” tại Bình Nhưỡng - tiến hành cuộc gặp cấp cao thứ 9 chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm cũng đáng được xem là một điều kỳ diệu.

Người ta không nên quá vội vã tán dương và quên đi những thỏa thuận từng đổ vỡ trong quá khứ. Washington cần theo đuổi khả năng tạo dựng đột phá, dù chỉ ở mức tương đối, yếu tố có thể xoa dịu phần nào các căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, ngay cả khi người ta không thể hoàn thành mục tiêu giải giáp hạt nhân hoàn toàn.

Một thỏa thuận về việc ngay lập tức xúc tiến tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ là kết quả tuyệt vời nhất, song điều này rất khó xảy ra, nhất là trong ngắn hạn. Mỹ có lợi thế quân sự truyền thống vượt trội, và gần như không có đối thủ. Họ cũng từng tỏ rõ ý định dùng sức mạnh này để trấn áp mọi chế độ vì bất kỳ lý do gì.

Tuy nhiên, vũ khí hạt nhân lại là một công cụ răn đe và có thể đem lại sự cân bằng đáng kể. Triều Tiên rõ ràng đã nhận thức được những bài học và kinh nghiệm từ kết quả thảm khốc của việc từ bỏ sức mạnh răn đe này, giống như những gì từng diễn ra với nhà độc tài Libya Muammar al-Gaddafi năm 2011. Vì vậy, ngay cả khi ông Kim Jong-un sẵn sàng tiến tới thỏa thuận, đúng như những gì Tổng thống Trump tin tưởng, thì nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng khó có thể nhượng bộ và giao nộp vô điều kiện “thanh bảo kiếm” hạt nhân của mình.

Khả năng thành công là không lớn, song những tia hy vọng đang rõ ràng hơn rất nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Đây là cơ hội cần được nắm bắt, và Tổng thống Donald Trump đã đúng khi theo đuổi nó, bất chấp áp lực từ cả phe cánh tả và cánh hữu. 

Hy vọng rõ ràng

Những gì sẽ diễn ra sau hội nghị vẫn là điều chưa ai dám chắc, song theo nhà báo Alex Ward của Vox, có thể hai bên sẽ nhất trí thực hiện 4 bước tiến, cụ thể như sau:

1/ Thông qua tuyên bố hòa bình chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên;

2/Hợp tác trong việc hồi hương hài cốt các binh sỹ Mỹ từng thiệt mạng trong cuộc chiến;

3/ Thiết lập các văn phòng liên lạc tại Washington và Bình Nhưỡng;

4/Thúc đẩy Triều Tiên đình chỉ sản xuất nguyên liệu hạt nhân để đổi lấy sự ủng hộ của Mỹ trong việc dỡ bỏ một số đòn trừng phạt mà Liên hợp quốc áp đặt vốn cấm các dự án giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Cái bắt tay lịch sử giữa hai nhà Lãnh đạo tại Hà Nội ngày 27/2. (Ảnh: Tuấn Anh)

Nhà báo Ward cho rằng “thỏa thuận hiện hành giống như một chiến thắng to lớn đối với ông Kim Jong-un”, song lại “quá ít ỏi” đối với Mỹ. Theo ông, những gì đạt được sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore không phải một thỏa thuận quá giá trị đối với Mỹ và nếu được tiến hành, 4 bước tiến kể trên sẽ tạo nền tảng cho việc nhanh chóng tăng cường hợp tác và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mức độ chân thành của Triều Tiên sẽ thể hiện rõ khi thời hạn và các yêu cầu được đưa ra đàm phán cụ thể. 

Việc thay đổi cơ bản bối cảnh khu vực, với những biện pháp được đề cập tới ở trên, sẽ là cách để tạo điều kiện cho một thỏa thuận phi hạt nhân hóa toàn diện, với nội dung bao gồm cả việc trao đổi vũ khí và cuối cùng là tên lửa để đổi lấy những lợi ích khác cho Triều Tiên như dỡ bỏ trừng phạt, tham gia các tổ chức quốc tế và nhiều hơn nữa. Chỉ đơn cử việc Bình Nhưỡng chấp nhận đóng cửa tổ hợp Yongbyon cũng đã đủ được xem là một tiến triển quan trọng.

Trong khi đó, việc thay đổi một Triều Tiên thù địch và đối đầu, với một chương trình hạt nhân luôn trong trạng thái sẵn sàng và không ngừng mở rộng kho hạt nhân, thành một Triều Tiên hòa bình và hợp tác, với một chương trình vũ khí và kho hạt nhân kiềm chế, rõ ràng là thành quả rất đáng hoan nghênh. 

Bế tắc trên bán đảo Triều Tiên đã kéo dài hơn 7 thập kỷ. Mọi chuyện khó có thể chấm dứt chỉ sau 1 đêm. Việc cải thiện quan hệ, dù ở tốc độ rất chậm, cũng là điều khó khăn - một nhiệm vụ mà rất nhiều người tiền nhiệm của Donald Trump đã thất bại. 

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đang đứng trước cơ hội làm được điều mà chưa người tiền nhiệm nào có thể làm được. Một thỏa thuận dù chỉ ở mức tương đối cũng sẽ đem lại những tác động to lớn nếu nó trở thành nền tảng cho những thay đổi và cải cách sau này. 

(theo Nationalinterest)