Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dự Thượng đỉnh thường niên Nga-Ấn Độ tại New Delhi ngày 6/12. (Nguồn: AFP) |
Bối cảnh đặc biệt
Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông Vladimir Putin kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, với sự kiện duy nhất tại nước ngoài mà ông tham dự gần đây là thượng đỉnh cùng người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Geneve (Thụy Sỹ) hồi tháng 6 vừa qua.
Nhà lãnh đạo Nga đã từ chối tham dự trực tiếp Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng như Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Do đó, chuyên gia Nandan Unnikrishnan tại Quỹ nghiên cứu các nhà quan sát - ORF (Ấn Độ) nhận định, giữa dịch Covid-19, chuyến thăm New Delhi của ông Putin, dự Thượng đỉnh thường niên Nga-Ấn lần thứ 21 “mang tính biểu tượng cao”.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ leo thang căng thẳng vì xung đột ở Ukraine và nhiều vấn đề khác, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa giải quyết bế tắc về tranh chấp biên giới đã kéo dài hơn 18 tháng qua.
Một mặt, Nga hiểu rằng không thể ngăn cản hợp tác Mỹ-Ấn Độ tại châu Á-Thái Bình Dương. Mặt khác, New Delhi nhận thức rõ quan hệ đối tác chiến lược giữa Moscow và Bắc Kinh đang “chạm đỉnh lịch sử”. Vì thế, cả Nga và Ấn Độ đang học cách thích ứng tới thực tế này, duy trì sự ổn định mối quan hệ song phương. Thượng đỉnh ngày 6/12 giữa Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Narendra Modi là một nỗ lực như thế.
Giữa dịch Covid-19, chuyến thăm New Delhi của ông Putin, dự Thượng đỉnh thường niên Nga-Ấn lần thứ 21 “mang tính biểu tượng cao”. |
Quốc phòng làm trọng tâm
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã cam kết nâng thương mại song phương lên 30 tỷ USD năm 2025, đẩy mạnh hợp tác với 28 thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ năng lượng, khoa học tới công nghệ, giáo dục… Tuy nhiên, không khó để thấy trọng tâm đặc biệt trong thảo luận cấp cao này là hợp tác quốc phòng.
Trước hết, Moscow đã ký thỏa thuận cho phép New Delhi sản xuất hơn 600.000 súng trường AK-203 với trị giá gần 690 triệu USD. Theo đó, 20.000 khẩu AK-203 đầu tiên sẽ được nhập khẩu giá 1.100 USD/khẩu, thay thế súng INSAS trong quân đội Ấn Độ. Số còn lại sẽ do liên doanh Indo-Russia Rifles Private Limited, hai tập đoàn vũ khí Nga, Kalashnikov cùng Rosoboronexport, phối hợp sản xuất tại Ấn Độ.
Đồng thời, cả ông Putin và ông Modi đều cam kết sẽ tiếp tục thỏa thuận về hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, dự kiến bắt đầu chuyển giao cho Ấn Độ vào tháng 12/2021. Ngoài ra, Moscow cũng tỏ ý sẵn sàng cung cấp thêm các hệ thống tên lửa phòng không S-400 và trang thiết bị quốc phòng khác cho New Delhi, bất chấp mối đe dọa từ Đạo luật chống kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla mô tả thỏa thuận chuyển giao S-400 là hợp đồng đã được ký kết từ lâu, coi hợp tác với Nga là minh chứng cho chính sách ngoại giao độc lập của Ấn Độ.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận New Delhi và Moscow đã không thể hoàn tất thỏa thuận về cho phép quân đội của nhau sử dụng dịch vụ hậu cần tại các cảng, căn cứ quân sự của nhau - như cách Ấn Độ đã làm với Mỹ và một số đồng minh của Mỹ. Kế hoạch này sẽ được gác lại, chờ thảo luận tiếp.
Điều này cho thấy dù đẩy mạnh hợp tác quốc phòng sâu sắc với Nga, song Ấn Độ vẫn duy trì khoảng cách cần thiết, tránh tác động tiêu cực tới mối quan hệ với Mỹ.
Nga sẽ tiếp tục bàn giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Ấn Độ vào tháng 12/2021 như dự kiến. (Nguồn: Izvestia) |
Ấn Độ là một trong những đối tác quốc phòng lớn nhất của Nga: Trị giá các hợp đồng quốc phòng giữa hai nước mỗi năm đã tăng đến 10 tỷ USD, trong khi con số này năm 2017 chỉ là 3 tỷ USD. Con số này không chỉ cho thấy hợp tác quốc phòng song phương ngày càng khăng khít, mà còn phản ánh quan ngại của New Delhi về căng thẳng tại biên giới với Bắc Kinh, cũng như quan hệ trắc trở với Islamabad.
Một điểm đặc biệt khác đến từ quyết định loại bỏ đồng USD trong thanh toán hợp đồng mua bán vũ khí song phương. Theo ông Alexander Mikheev, Tổng Giám đốc Tập đoàn Rosoboronexport, đây là một xu hướng trên thị trường thế giới để tránh “đối mặt với rủi ro chậm thanh toán khi thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với đối tác”. Ông cũng cho biết Nga sẵn sàng chuyển giao cho Ấn Độ công nghệ sản xuất xe tăng lội nước hạng nhẹ Sprut-SDM1 trong khuôn khổ đấu thầu.
Động thái này cho thấy cả Nga và Ấn Độ đều muốn giảm sự phụ thuộc vào ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD, tránh trường hợp Mỹ tận dụng loại tiền tệ này để gây áp lực lên các giao dịch quốc phòng giữa hai nước.
Hai thông điệp
Cuối cùng, cả Nga và Ấn Độ đều mong muốn nhắn gửi thông điệp tới các đối tác và đối thủ của mình.
Với Moscow, đó là khẳng định, củng cố tầm ảnh hưởng với chính sách ngoại giao linh hoạt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương qua mối quan hệ vững chắc với cả New Delhi và Bắc Kinh, một là đối tác, một là đối thủ cạnh tranh của Washington.
Trong khi đó, Ấn Độ mong muốn khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, sẵn sàng mở rộng hợp tác cùng có lợi dù đó là Nga hay Mỹ, củng cố năng lực phòng thủ trước mối đe dọa đến từ khu vực biên giới Trung Quốc hay quan hệ trắc trở với Pakistan.
| Tin thế giới 7/12: Mỹ chính thức khai màn tẩy chay Thế vận hội; lý do Nga nói về 'sự cuồng loạn' trước Thượng đỉnh; Venezuela đón tin vui Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc liên quan việc tẩy chay Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022, quan hệ Nga-Mỹ và những đồn đoán trước ... |
| Nga-Ấn Độ bỏ đồng USD trong loạt hợp đồng vũ khí Tổng Giám đốc Tập đoàn Nga Rosoboronexport Alexander Mikheev cho biết, nước này và Ấn Độ đã từ bỏ đồng USD trong thanh toán các ... |