📞

Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Ông Biden thực sự nghĩ gì về ông Putin? *

Nhã Anh 06:00 | 12/06/2021
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ (ngày 16/6), Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như vẫn hoài nghi sâu sắc về người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như vẫn hoài nghi sâu sắc về người đồng cấp Nga Vladimir Putin. (Nguồn: The Economic Times)

Tháng 6/2001, Tổng thống Mỹ bấy giờ là George W. Bush gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin lần đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga ở Slovenia. Lúc ấy, ông Bush có vẻ rất thích thú khi mô tả nhà lãnh đạo Nga là người “rất thẳng thắn và đáng tin cậy”, thậm chí còn tuyên bố rằng ông “cảm nhận được tri kỷ của mình”.

Nhưng ông Joe Biden, khi đó là Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ của bang Delaware lại có một suy nghĩ rất khác. Ông nói: “Tôi không tin tưởng ông Putin. Hy vọng rằng Tổng thống Bush thấy đồng điệu với ông Putin về phong cách hơn là thực chất”.

20 năm sau

Cho đến thời điểm hiện tại, đánh giá của ông Biden lại càng được khẳng định hơn nữa mặc dù ông đã trở thành Tổng thống Mỹ và đang chuẩn bị gặp ông Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga lần đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga rơi vào vòng xoáy căng thẳng của những cáo buộc về sự can thiệp bầu cử, các cuộc tấn công an ninh mạng, những đòn “ăn miếng trả miếng” trong quan hệ ngoại giao và sự đối đầu tại nhiều điểm nóng.

Hội nghị này không phải là lần "chạm trán" đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo. Cách đây 10 năm khi còn là Phó Tổng thống Mỹ, ông Biden từng gặp ông Putin và nói với ông chủ Điện Kremlin rằng “người Nga dường như không có tâm hồn”.

Với những gì đã diễn ra, Thượng đỉnh Biden-Putin vào tuần tới tại Geneva (Thụy Sỹ) khó trở thành một cuộc gặp "đặc biệt thân thiện" giữa hai nhà lãnh đạo.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và các nhà quan sát cho rằng Washington không thể né tránh thỏa thuận với Điện Kremlin, bất kể ông Biden phải ngồi xuống đàm phán với một người mà ông từng cho rằng là “kẻ sát nhân”.

Cuộc gặp giữa hai Tổng thống diễn ra sau khi ông Biden tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 14/6 tại Brussels (Bỉ).

Trong bài viết trên The Washington Post cuối tuần qua, ông Biden cho hay, ông cùng các đồng minh châu Âu đang thống nhất cách giải quyết những thách thức của Nga đối với an ninh châu Âu, bắt đầu từ sự gây hấn của Moscow ở Ukraine.

Ông Biden nhấn mạnh: “Chắc chắn không phải nghi ngờ gì về quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ các giá trị dân chủ, thứ mà chúng ta không thể tách rời khỏi lợi ích của mình”.

Một điều dường như không thay đổi từ cuộc gặp Bush-Putin năm 2001: ông Biden không tin tưởng ông Putin!

Những bình luận công khai của ông Biden về ông Putin trong hai thập niên qua cùng những lời kể của các quan chức Mỹ hiện nay cũng như trước đây đều cho thấy rằng Tổng thống Mỹ hoài nghi sâu sắc và lâu dài đối với người đồng cấp Nga, vốn là cựu sĩ quan Ủy ban An ninh Quốc gia Nga (KGB).

Một cựu quan chức Mỹ chuyên về Nga nhận định: “Ông Putin chẳng có điểm gì khiến ông Biden thích. Ông Biden đánh giá về ông Putin là một người lý trí, một người không bị giới hạn bởi bất kỳ điều gì. Đó là những đánh giá thực tế, lạnh lùng về ông Putin”.

Quan hệ cá nhân

Ông Biden từng nói với các đồng nghiệp: “Tất cả các chính sách đối ngoại đều là sự mở rộng từ các mối quan hệ cá nhân”.

Theo những người thân cận với ông Biden, điều đó không có nghĩa là ông Biden tin tưởng hay thích tất cả những người mà ông ấy có mối quan hệ.

Vào tháng 2/2000, khi ông Putin còn là Quyền Tổng thống Nga và đang theo đuổi cuộc chiến ở vùng Chechnya, ông Biden từng nhận định: "Lợi ích của Washington là duy trì quan hệ chặt chẽ với Moscow, nhưng nếu chính phủ của ông Putin ở quá xa con đường dân chủ hoặc cố tình giúp các quốc gia khác phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt thì Mỹ phải đánh giá lại mối quan hệ này".

Hơn một năm sau, bình luận về Thượng đỉnh Bush-Putin, ông Biden một lần nữa bày tỏ sự dè dặt: “Cuộc gặp đầu tiên của Tổng thống Bush với người đồng cấp Nga Vladimir Putin có vẻ tích cực, mang tính xây dựng và là bước khởi đầu cho một chương mới trong quan hệ Mỹ-Nga".

Tuy nhiên, "tôi cảnh báo chính quyền Washington không nên lạc quan quá mức về ông Putin và ý định của ông ấy. Nga đã thể hiện một mô hình hành vi ít dân chủ và đáng lo ngại hơn kể từ khi ông Putin nhậm chức".

Năm 2004, ông Biden cùng với hơn 100 chuyên gia chính sách đối ngoại Mỹ đã ký một lá thư gửi Tổng thống Bush và các nhà lãnh đạo châu Âu cáo buộc ông Putin phá hoại tiến bộ dân chủ ở Nga dưới chiêu bài chống khủng bố.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News năm 2006, ông Biden đánh giá Nga đang ngày càng hướng tới một chế độ tài phiệt. “Putin đang củng cố quyền lực. Ông ấy đã làm điều đó trong 6 năm qua. Tôi nghĩ rằng Nga đang dần rời xa nền dân chủ chân chính cùng hệ thống thị trường tự do, và hướng tới một nền kinh tế chỉ huy với sự kiểm soát của một người duy nhất”.

Vào tháng 8/2008, khi ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Obama đang cân nhắc chọn ông Biden làm người đồng hành, ông Biden đã đến thăm đất nước Georgia.

Chuyến thăm nhằm hỗ trợ Georgia sau xung đột với hai nước cộng hòa đòi ly khai là Nam Ossetia và Abkhazia do Nga hậu thuẫn.

Kêu gọi Mỹ viện trợ khẩn cấp cho Georgia, ông Biden nói: "Tôi rời khỏi Georgia và tin rằng sự can thiệp của Nga vào Georgia có thể là một trong những sự kiện quan trọng nhất xảy ra ở châu Âu kể từ khi khối cộng sản chủ nghĩa sụp đổ”.

CTổng thống Mỹ Barack Obama từng hy vọng thiết lập lại quan hệ Nga-Mỹ trong cuộc gặp với ông Putin năm 2009. (Nguồn: AP)

"Ổn định chiến lược"

Một số đối thủ chính trị của ông Biden đã đặt câu hỏi về quyết định gặp nhà lãnh đạo Nga của chính quyền Mỹ.

Thượng nghị sỹ Cộng hòa bang Nebraska Ben Sasse phản ứng mạnh mẽ: "Chúng ta đang thưởng cho ông Putin một hội nghị thượng đỉnh hay sao?". Thượng nghị sỹ Sasse cho rằng Tổng thống Mỹ nên đối xử với người đồng cấp Nga theo cách khác thay vì "hợp pháp hóa hành động của ông Putin bằng một hội nghị thượng đỉnh".

Trong khi đó, các quan chức chính quyền Biden giải thích Thượng đỉnh Mỹ-Nga hoàn toàn là vì lợi ích quốc gia của Washington, nhưng cũng hạ thấp kỳ vọng của công chúng về cuộc gặp này. Thay vì trông đợi bất kỳ thỏa thuận lớn nào từ cuộc gặp gỡ chỉ vỏn vẹn trong một ngày, hai bên sẽ thảo luận về một loạt tranh chấp và các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.

Tổng thống Mỹ sẽ cho người đồng cấp Nga biết phản ứng của Washington nếu Moscow cố gắng làm suy yếu nước Mỹ thông qua can thiệp bầu cử hoặc các biện pháp khác.

Có lẽ, mục tiêu quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của Thượng đỉnh Mỹ-Nga là "ổn định chiến lược" thay vì “thiết lập lại” mối quan hệ - cụm từ từng được chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama sử dụng.

Nói cách khác là ông Biden không sẵn sàng bỏ qua mọi thứ và bắt đầu lại từ đầu. Thay vào đó, ông Biden sẽ tìm kiếm một mối quan hệ "ổn định và có thể đoán trước" với Nga.

“Đây không phải là năm 2009”, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết.

Theo vị quan chức này, chính quyền Washington của hiện tại không nuôi dưỡng bất kỳ ảo tưởng nào về sự hợp tác rộng rãi giữa hai quốc gia, mà xem hội nghị thượng đỉnh này như một công cụ quan trọng để xử lý một mối quan hệ khó khăn, dai dẳng.


* Bài viết của nhà báo chuyên về đối ngoại Nahal Toosi đăng trên tạp chí Politico ngày 9/6.

(theo Politico)