📞

Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Tia hy vọng bên bờ vực thẳm

Mỹ Châu 18:10 | 19/06/2021
Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo ngày 16/6 tại Thụy Sỹ đã mang tới tiến triển mới cho quan hệ Nga-Mỹ đang bên bờ vực. Song chừng đó liệu có đủ?

Chiều 16/6 tại Geneva (Thuỵ Sỹ) diễn ra Thượng đỉnh Nga-Mỹ đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Với nhiều chuyên gia, sự kiện này có tầm quan trọng đặc biệt, sánh ngang với các cuộc họp lịch sử trước đó trong quan hệ Nga-Mỹ như giữa ông Kennedy và ông Khruschev (1961), hay giữa ông Reagan và ông Gorbachev (1988).

Song liệu chừng đó có thể cứu vãn mối quan hệ “tuột dốc không phanh” giữa hai cường quốc?

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại biệt thự La Garange, Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: AP)

Hành trình trắc trở

Từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, Tổng thống Mỹ nào cũng mong muốn cải thiện quan hệ với Nga.

Khi nhậm chức, ông Bill Clinton (1993-2000) đã cam kết ủng hộ sự hội nhập của Nga và châu Âu vào các thể chế toàn cầu, thúc đẩy hợp tác song phương toàn diện. Dưới thời ông George W. Bush (2001-2008), Tổng thống Vladimir Putin là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện chia buồn và nhận lời hợp tác cùng Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong khi đó, ông Barack Obama (2009-2016) tuyên bố “cài đặt lại” quan hệ với Nga, thúc đẩy ký kết thoả thuận New START.

Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi, ông Donald Trump (2017-2020) luôn tìm cách thúc đẩy mạnh mẽ việc cải thiện quan hệ với Nga và cố gắng xây dựng mối quan hệ cá nhân lãnh đạo tốt đẹp với người đồng cấp Vladimir Putin.

Dù vậy, tất cả các nỗ lực kể trên đều thất bại.

Quan hệ Nga-Mỹ, như cả hai nhà lãnh đạo thừa nhận, đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, đặc biệt sau khi Moscow lẫn Washington lần lượt triệu hồi Đại sứ và trục xuất một số cán bộ ngoại giao để trả đũa lẫn nhau. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược là chủ đạo, kỳ vọng về Thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Thuỵ Sỹ là không nhiều.

Tia hy vọng

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ lịch sử tại biệt thự ven hồ thơ mộng La Grange ở Geneva vẫn mang đến một số thay đổi, dù nhỏ song lại hết sức hữu ích và quan trọng, giúp nhen nhóm triển vọng ổn định và cải thiện quan hệ Nga-Mỹ

Thứ nhất, cuộc gặp đã đáp ứng được kỳ vọng của cả hai phía.

Ngay từ đầu, cả Moscow và Washington đều xác định đây là cơ hội giao thiệp, nắm rõ ưu tiên, tránh động tới “giới hạn đỏ” của nhau. Từ đó, hai bên có thể thu hẹp bất đồng, thăm dò khả năng hợp tác trong các vấn đề có lợi ích chung.

Họp báo sau cuộc gặp cho thấy cả hai đều hài lòng với kết quả. Ông Biden và ông Putin thảo luận về nhiều nội dung, từ các vấn đề song phương như ổn định chiến lược, dân chủ - nhân quyền, kinh tế-thương mại, Ukraine, hoạt động của Nga tại Bắc Cực, tới thách thức toàn cầu như đại dịch Covid-19 và an ninh mạng.

Kết quả nổi bật từ Thượng đỉnh Nga-Mỹ là Tuyên bố chung về ổn định chiến lược. Bộ Ngoại giao hai nước sẽ chủ trì khởi động Đối thoại Ổn định chiến lược nhằm kiểm soát các hệ thống vũ khí phức tạp. Hai bên cũng nhất trí thành lập cơ chế tham vấn cấp chuyên gia về an ninh mạng. Dù mới là bước đầu, song nó vẫn thể hiện cam kết hợp tác của hai nước trong giải quyết các bất đồng.

Toàn cảnh phiên họp mở rộng giữa lãnh đạo và quan chức cấp cao Nga-Mỹ trong thượng đỉnh ngày 16/6. (Nguồn: TASS)

Quan trọng hơn, cuộc trao đổi giúp lãnh đạo Mỹ và Nga hiểu rõ quan điểm và giới hạn của nhau. Phát biểu tại họp báo, ông Putin nhấn mạnh đã nhận thức rõ hơn lập trường của Mỹ về “lằn ranh đỏ” trong quan hệ song phương, nhưng không chia sẻ chi tiết. Tương tự, theo ông Joe Biden, quan chức cấp cao hai bên sẽ tiếp tục làm việc để có hiểu biết cụ thể hơn về những giới hạn này.

Thứ hai, cả hai nhà lãnh đạo đều khẳng định cuộc gặp diễn ra thẳng thắn, hiệu quả và mang tính xây dựng. Ông Putin đã dành lời khen “ngoại giao” cho ông Biden, đồng thời đánh giá cao việc người đứng đầu Nhà Trắng sử dụng những câu chuyện cá nhân, gia đình để đối phương hiểu rõ hơn về con người của mình.

Đáng chú ý, trước hội nghị, ông chủ Nhà Trắng dự kiến quay trở về Mỹ rồi mới tổ chức họp báo vào cuối tuần. Tuy nhiên, ông đã tổ chức họp báo trong 40 phút ngay tại Geneva với tâm trạng vui vẻ, hứng khởi sau ông Putin. Điều này cho thấy kết quả hội nghị đã phần nào đáp ứng kỳ vọng của Tổng thống Joe Biden.

Trong khi đó, sau Thượng đỉnh Mỹ-EU (15/6), ông Biden đã để phóng viên đợi 3 tiếng, sau đó chỉ ra họp báo ngắn trong khoảng 10 phú với trạng thái mệt mỏi.

Thứ ba, về lễ tân, ông Putin, người thường đến muộn trong các cuộc họp, đã đến trước ông Biden. Hành động nhỏ này thể hiện sự tôn trọng của nhà lãnh đạo Nga với người đồng cấp Mỹ, cũng như thiện chí đàm phán từ phía Moscow.

Ông Biden đã tặng ông Putin tác phẩm điêu khắc pha lê về một con bò rừng Mỹ của Steuben Glass (Mỹ), một biểu tượng về sức mạnh, đoàn kết và kiên cường. Ngoài ra, ông còn tặng người đồng cấp Nga một cặp kính phi công do công ty Randolph (Mỹ) sản xuất.

Món quà thể hiện thiện chí của cá nhân Tổng thống Joe Biden, người có niềm đam mê mãnh liệt với những cặp kính râm.

Cặp kính râm Randolph được cho là món quà thiện chí của Tổng thống Mỹ Joe Biden dành tặng người đồng cấp Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AP)

Thứ tư, dù không được đề cập trực tiếp trong nội dung trao đổi, song Trung Quốc là nhân tố có tác động lớn đến nhu cầu cải thiện quan hệ của cả Nga và Mỹ.

Hiện quan hệ Mỹ-Trung đang trở nên ngày một căng thẳng và đã đi vào quỹ đạo cạnh tranh chiến lược không thể đảo ngược, trong khi Nga-Trung hiện đang có xu hướng kết nối chặt chẽ hơn để cùng đối phó với Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Mỹ nhận thấy nhu cầu giảm đối đầu với Nga để tập trung xử lý Trung Quốc, tránh dàn trải nguồn lực khi cùng lúc phải đối phó với hai đối thủ chiến lược, đồng thời ngăn chặn Nga-Trung tiếp tục kết nối ở mức độ cao hơn, đe dọa lợi ích của Mỹ.

Về phía Nga, một mặt, Tổng thống Putin mong ổn định quan hệ với Mỹ, thúc đẩy hợp tác về kinh tế-thương mại, nới lỏng sức ép cấm vận. Mặt khác, Moscow muốn tăng vị thế trong quan hệ với cả Washington và Bắc Kinh, thay vì chỉ bắt tay với bên này để chống lại bên kia.

Cải thiện quan hệ với Mỹ sẽ giúp ông Putin cân bằng linh hoạt giữa hai cường quốc, tận dụng cơ hội để phục vụ lợi ích của Nga.

Rào cản còn đó

Tuy nhiên, sau thượng đỉnh Nga-Mỹ, những thách thức cản trở mọi nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ song phương vẫn còn đó.

Thứ nhất, đó là câu chuyện dân chủ-nhân quyền. Ông Biden khẳng định Nga sẽ chịu hậu quả nặng nề nếu như chính trị gia Alexei Navalny chết trong tù.

Đáp lại, ông Putin nhấn mạnh nhân vật này này đã phạm luật và việc bắt giữ là hợp pháp. Đồng thời, Moscow chỉ trích Washington ủng hộ các tổ chức chống Nga và áp “tiêu chuẩn kép”, khẳng định sẽ không chùn bước hay nhượng bộ.

Thứ hai, ông Biden mang đến hội nghị danh sách 16 cơ sở hạ tầng thiết yếu của Mỹ mà ông không chấp nhận bị Nga tấn công mạng. Tuy nhiên, Moscow đã phủ nhận trách nhiệm, cho rằng chính mình cũng là nạn nhân của các vụ tấn công mạng từ xứ cờ hoa. Đồng thời, Nga cũng chỉ trích Mỹ không đáp ứng yêu cầu điều tra thủ phạm đằng sau những hành động này.

Thêm vào đó, dù nhất trí về tinh thần, song đối thoại về ngăn chặn tấn công mạng sẽ không đơn giản. Trên thực tế, bất chấp nỗ lực trước đó, đàm phán này thường vướng nhiều rào cản kỹ thuật và không đạt được kết quả như mong muốn.

Dù không được đề cập trực tiếp trong nội dung trao đổi, song Trung Quốc là nhân tố có tác động lớn đến nhu cầu cải thiện quan hệ của cả Nga và Mỹ.

Thứ ba là Ukraine, “giới hạn đỏ” của Nga. Moscow khẳng định sẽ không để yên nếu Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều này đặt Mỹ và châu Âu vào thế khó.

Một mặt, xác định không thể để Nga và các lực lượng hậu thuẫn chiếm ưu thế tại vùng Donbass, Washington và Brussels cam kết ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, hỗ trợ tài chính và quân sự cho Kiev chống Moscow.

Mặt khác, Mỹ và NATO cũng không muốn đáp ứng yêu cầu của chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky, tránh kích động điện Kremlin. Tuyên bố của Mỹ cùng Pháp và Đức ngay sau thượng đỉnh tại Brussels đã khẳng định điều đó.

Nhìn về tương lai

Về tổng thể, quan hệ Mỹ - Nga vẫn tồn tại nhiều rào cản lớn và việc cải thiện quan hệ chỉ sau một cuộc gặp là “bất khả thi”. Tuy nhiên, hai bên cũng có nhiều động lực trong xây dựng và duy trì một mối quan hệ “ổn định và có thể đoán định”. Cuộc gặp Nga-Mỹ vừa qua đã phản ánh rõ mong muốn định hướng này.

Trong bối cảnh đó, tông chủ đạo trong quan hệ Nga-Mỹ thời gian tới vẫn sẽ là cạnh tranh chiến lược. Tuy nhiên, thời gian tới, nhiều khả năng hai bên sẽ tìm cách kiểm soát bất đồng, duy trì các kênh đối thoại và can dự ngoại giao nhằm tính toán rủi ro. Ngoài ra, Moscow và Washington sẽ tăng cường tham vấn để hiểu biết lẫn nhau, khám phá hướng hợp tác trong các vấn đề cùng quan tâm như kiểm soát vũ khí, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, Syria, Libya, Afghanistan, Iran, hướng đến xây dựng và củng cố mối quan hệ “ổn định và có thể đoán định” mà ông Biden đề ra.