Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc gặp tại Sochi ngày 4/9. (Nguồn: Sputnik) |
"Số phận" của thỏa thuận ngũ cốc
Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Sochi (Nga) ngày 4/9 là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo từ sau chiến thắng của ông Erdogan trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng Năm.
Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Tayyip Erdogan cho rằng sẽ sớm có thể khôi phục thỏa thuận ngũ cốc mà Liên hợp quốc (LHQ) cho là đã giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng lương thực bằng cách đưa ngũ cốc Ukraine ra thị trường.
Tổng thống Erdogan, người trước đây đóng vai trò tích cực trong việc thuyết phục ông Putin thực hiện thỏa thuận, và LHQ đều đang cố gắng thuyết phục Tổng thống Putin quay lại với thỏa thuận.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo diễn ra trên tinh thần xây dựng cao, tuy nhiên, không có văn kiện nào được ký kết sau khi cuộc gặp kết thúc. |
Tuy nhiên, Tổng thống Putin ngày 4/9 cho biết một thỏa thuận mang tính bước ngoặt cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen trong bối cảnh xung đột sẽ không được khôi phục cho đến khi phương Tây đáp ứng các yêu cầu của Moscow về xuất khẩu nông sản của nước này.
Nhận xét của Tổng thống Putin đã dập tắt hy vọng rằng cuộc hội đàm ở Sochi có thể khôi phục thỏa thuận, được coi là quan trọng đối với nguồn cung lương thực toàn cầu, đặc biệt là ở châu Phi, Trung Đông và châu Á.
Nga đã từ chối gia hạn thỏa thuận vào tháng 7. Nga cho rằng những hạn chế về xuất khẩu đã cản trở hoạt động thương mại nông nghiệp của nước này, mặc dù Moscow đã xuất khẩu số lượng lúa mỳ kỷ lục kể từ năm ngoái.
Một trong những yêu cầu chính của Moscow được đưa ra trong cuộc đàm phán ngày 4/9 là Ngân hàng Nông nghiệp Nga được kết nối lại với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Liên minh châu Âu đã loại Nga ra khỏi SWIFT vào tháng 6/2022 trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt sâu rộng.
Tổng thống Putin cho biết Nga có thể quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc nếu phương Tây đồng thời thực hiện một bản ghi nhớ riêng đã được thống nhất với LHQ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu phân bón và lương thực của Nga.
“Chúng tôi sẽ sẵn sàng xem xét khả năng khôi phục thỏa thuận ngũ cốc và tôi đã nói với Tổng thống Erdogan về điều này một lần nữa hôm nay, chúng tôi sẽ thực hiện việc này ngay khi tất cả các thỏa thuận dỡ bỏ hạn chế nông sản xuất khẩu Nga được thực hiện đầy đủ”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Erdogan bày tỏ hy vọng sớm có đột phá. Ông cho biết Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ đã đưa ra một loạt đề xuất mới để giải quyết vấn đề này.
Trong cuộc họp báo ở Sochi, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã nói: “Tôi tin rằng chúng tôi sẽ đạt được một giải pháp đáp ứng các yêu cầu trong thời gian ngắn”. Rất nhiều thứ đang được thúc đẩy trong cuộc đàm phán. Ukraine và Nga là những nhà cung cấp lúa mì, lúa mạch, dầu hướng dương quan trọng cho các nước đang phát triển.
Chuyên gia an ninh lương thực Tim Benton tại tổ chức nghiên cứu Chatham House cho biết giá ngũ cốc đã tăng vọt sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận nhưng sau đó đã giảm trở lại, cho thấy thị trường hiện không có khủng hoảng lớn. Nhưng bức tranh dài hạn là không chắc chắn.
Sôi nổi các vấn đề song phương
Ngoài vấn đề Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, trước báo giới, Tổng thống Nga Putin đã ca ngợi chuyến thăm của Tổng thống Erdogan giúp nâng tầm mối quan hệ giữa hai nước.
Nhiều vấn đề song phương đã được hai nhà lãnh đạo thảo luận như việc Nga hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng nhà máy điện hạt nhân bên bờ Địa Trung Hải, giúp Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm trung chuyển khí đốt Nga ra quốc tế…
Hai nước hiện đang có kế hoạch tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, với việc Moscow và Ankara đang thảo luận về khả năng xây dựng một nhà máy điện mới ở thành phố Sinop của Thổ Nhĩ Kỳ - theo tiết lộ của Tổng thống Erdogan tại Sochi.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói: “Tôi đặc biệt muốn đề cập nhà máy điện hạt nhân Akkuyu. Như bạn đã biết, việc xây dựng nó đang được tiến hành. Tôi muốn nhấn mạnh bước thứ hai trong lĩnh vực này: ở thành phố Sinop của Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi đã thảo luận về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai với người bạn thân của chúng tôi. Với bước đi này, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ tạo ra bước đột phá mới”.
Ngoài ra, hai vị tổng thống cũng thảo luận về hợp tác song phương trên các vấn đề và các cuộc xung đột khác nhau trong khu vực, cụ thể là tình hình ở Libya, Syria, Tây Phi và Nam Kavkaz...
Tờ New York Times đưa ra nhận định rằng chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã xóa bỏ những đồn đoán cho rằng Ankara đang “xa rời” mối quan hệ thân thiết với Nga, sau loạt động thái chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO, thả binh sĩ Ukraine…
Sự xuất hiện của ông Erdogan ở Sochi cho thấy rõ ràng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn định vị mình là người ở giữa, lãnh đạo của một thành viên NATO nhưng vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với Nga khi ông tin rằng làm như vậy là vì lợi ích của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.