TIN LIÊN QUAN | |
“Mọc” thêm những quy định mới để làm gì? | |
Nhìn về "sản phẩm" giáo dục hôm nay |
Thưa bà, những ngày qua, dự thảo xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ GD&ĐT công bố đã gây ra những ý kiến trái chiều. Trong đó, có nội dung bị phạt tiền nếu xúc phạm người dạy học cũng như người học. Quan điểm cá nhân của bà ra sao về vấn đề này?
Thực ra, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục không phải là chủ trương mới. Việc xây dựng dự thảo nghị định mới lần này chỉ là nhằm bổ sung nhiều hành vi vi phạm và tăng mức xử phạt để răn đe. Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm trong môi trường giáo dục vốn đang bị đánh giá là khá nóng và gây nhiều bức xúc thời gian qua.
Đây là một trong những giải pháp của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục. Qua đó, nhằm giải quyết vấn đề dư luận băn khoăn về nguyên nhân dẫn tới những sai phạm trong giáo dục là do chế tài chưa đủ mạnh, thiếu tính răn đe.
Mặc dù vậy, tôi không đồng tình với giải pháp tăng xử phạt vi phạm hành chính, nhất là tăng mức xử phạt tiền nếu xúc phạm người dạy cũng như người học. Tôi nghĩ, đây không phải là giải pháp đúng và khó có hiệu quả. Thực tiễn những năm qua cho thấy, các nghị định về xử phạt hành chính trong giáo dục hầu như không có hiệu quả, ít tính khả thi. Theo tôi, cần cân nhắc việc quy định về phạt tiền nếu xúc phạm người dạy cũng như người học trong dự thảo nghị định này.
Vậy bà có thể nói rõ lý do vì sao không nên đặt ra những quy định này?
Trước hết, nếu để ngăn ngừa những hành vi sai phạm của nhà giáo và học sinh hẳn chúng ta không thiếu chế tài. Chẳng hạn như nhiệm vụ, quyền hạn của nhà giáo và người học được quy định trong Luật Giáo dục. Việc xử lý vi phạm của cán bộ quản lý và giáo viên được quy định bởi Luật công chức, Luật viên chức…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa. |
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã ban hành “Quy định về đạo đức nhà giáo”. Các Sở GD&ĐT và nhà trường còn có quy tắc ứng xử giáo viên, học sinh, các chế tài kỷ luật tương ứng. Ở mức độ vi phạm nặng hơn, gây thương tích cho nhà giáo hoặc học sinh từ 11% sẽ bị xử lý hình sự theo pháp luật. Nếu bây giờ đặt thêm quy định xử phạt hành chính là không cần thiết, thậm chí chồng chéo với luật.
Mặt khác, việc xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền hoàn toàn không phù hợp với tính chất đặc thù của lĩnh vực giáo dục. Trong môi trường này, quan hệ thầy - trò nên được điều chỉnh bởi chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Tôi nghĩ, không nên "luật hóa" các quy định, chế tài, nhất là chế tài về tài chính, tức là phạt tiền.
Do đó, hành vi "xúc phạm danh dự, nhân phẩm..." giữa thầy trò, đồng nghiệp nên xử lý theo quy chế, kỷ luật của ngành hơn là xử lý bằng phạt tiền. Bởi nếu “dân sự hoá” quan hệ thầy trò bằng hình thức phạt tiền, nâng mức phạt tiền, chắc chắn không đạt mục đích và hiệu quả giáo dục. Thậm chí, đến một lúc nào đó, e rằng quan hệ thầy – trò sẽ được điều chỉnh bởi đồng tiền, không còn là chuẩn mực đạo đức, văn hóa nữa.
Có ý kiến cho rằng, việc phạt tiền trong giáo dục sẽ "vật chất hóa” môi trường giáo dục và để lại nhiều hệ luỵ. Bà có nghĩ như vậy không?
Đúng là tôi băn khoăn nhiều về hiệu ứng ngược của quy định này.
Đứng về phía người học, gia đình người học, không phải cứ ngang nhiên xúc phạm nhà giáo rồi dùng tiền là có thể khắc phục được hậu quả. Đây không phải là cách ứng xử phù hợp của truyền thống tôn sư trọng đạo.
Nhìn lại, giáo viên hiện đang phải đối mặt với quá nhiều áp lực như yêu cầu đổi mới ngày càng cao khiến thầy cô "oằn mình" lập trình theo. Đồng thời, kỳ vọng của phụ huynh và học sinh lớn, điều kiện dạy học chưa bảo đảm, sĩ số lớp học quá đông đè nặng lên vai của nhà giáo…
Cũng xin nói thêm là làm giáo viên trong bối cảnh hiện nay rất khó. Muốn giáo dục, rèn luyện học sinh cần phải duy trì kỷ luật. Điều này có thể bị một bộ phận học sinh và phụ huynh phản ứng, quy chụp giáo viên hà khắc. Mặt khác, dư luận đôi khi vô tình thổi phồng sự việc. Vì vậy, nếu vì áp lực dư luận mà đặt ra những quy định gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người thầy là điều đáng phải suy nghĩ.
Làm sao để nhà giáo tâm huyết với nghề khi có quá nhiều áp lực đè nặng trên vai? (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Cùng với đó, câu chuyện lương giáo viên nhìn chung quá thấp. Nếu bây giờ thêm quy định nâng mức xử phạt tiền, thậm chí mức phạt rất lớn so với lương thu nhập; liệu giáo viên có còn động lực để làm việc? Làm sao để người thầy gắn bó với nghề, tâm huyết với công việc giáo dục học trò, hay sẽ thu mình lại, giảm nhiệt huyết, buông xuôi hoặc hời hợt trong giáo dục? Thậm chí có thể khiến nhiều người bỏ nghề, người trẻ không còn hứng thứ và đam mê với nghề giáo.
Trong nhà trường, tình thầy trò là mối quan hệ trong sáng dựa trên nền tảng đạo đức truyền thống. Điều đó chi phối tình cảm, hành vi giao tiếp, ứng xử giữa người thầy với học trò. Việc dùng biện pháp hành chính, tài chính can thiệp, chi phối mối quan hệ này có thể làm rạn nứt tình thầy trò và truyền thống tôn sư trọng đạo vốn rất cao đẹp.
Những năm gần đây, tình trạng bạo lực học đường, thầy đánh trò, trò đánh lại thầy, phụ huynh phạt quỳ giáo viên… khiến nhiều người cho rằng đó là thực trạng xuống cấp trong ứng xử giữa thầy và trò. Vậy theo bà, việc phạt tiền có phải cách răn đe nghiêm khắc, hiệu quả để giảm tình trạng bạo lực học đường, tạo môi trường giáo dục thân thiện và an toàn hay không?
Đúng là đang có tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hoá trong ứng xử giữa thầy và trò. Tôi hiểu việc đặt ra quy định xử phạt nói trên xuất phát từ ý tưởng tốt là tăng chế tài để hạn chế và ngăn chặn bạo lực học đường và những sai phạm diễn ra trong môi trường giáo dục. Theo những người soạn thảo, quy định nâng mức xử phạt tiền là nhằm “đánh” trực tiếp vào kinh tế. Qua đó, nhằm ngăn chặn hành vi không phù hợp của giáo viên với học sinh cũng như chiều ngược lại.
Tuy nhiên theo tôi, trong môi trường giáo dục, việc dùng hình thức thưởng tiền hay phạt tiền đều là hạ sách, thậm chí có thể dần tạo ra những hệ quả xấu. Chẳng hạn như hình thành tư tưởng dùng đồng tiền có thể giải quyết mọi việc. Mặt khác, việc vi phạm đạo đức trong môi trường giáo dục đôi khi xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó có thể do kỹ năng và phương pháp giáo dục của thầy cô, cha mẹ không phù hợp. Đó cũng có thể do sự phối hợp gia đình, nhà trường trong quản lý học sinh chưa chặt chẽ. Mặt khác có thể do sự can thiệp quá sâu hoặc thái độ thiếu trách nhiệm của một số phụ huynh đối với việc học của con…
Vì vậy, muốn giảm tình trạng bạo lực học đường, tạo môi trường giáo dục thân thiện và an toàn cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần tăng cường giữ kỷ cương của nhà trường, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để xây dựng môi trường giáo dục tốt nhất, an toàn nhất cho trẻ.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, sàng lọc để có đội ngũ giáo viên phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn giỏi, kỹ năng sư phạm cao. Đồng thời, tạo điều kiện làm cho nhân cách của nhà giáo lớn lên và phải có chế độ đãi ngộ tốt nhất để nhà giáo yên tâm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.
Xin cảm ơn bà!
Nguyệt Anh (thực hiện)
“Mọc” thêm những quy định mới để làm gì? Chia sẻ với Báo TG&VN, TS. Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên Đại học Sư Phạm Hà Nội) cho rằng, các nhà quản lý giáo ... |
Nhìn về "sản phẩm" giáo dục hôm nay Bằng kinh nghiệm của mình, Chuyên gia Giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (Trưởng dự án Giáo dục Emile Việt) cho rằng, bệnh thành ... |
Thi cử và đổi mới giáo dục Đầu năm học mới, trước những “hạt sạn” trong ngành giáo dục khiến dư luận hoang mang, TS. Hoàng Ngọc Vinh đã chia sẻ với ... |