Tôi thực sự bàng hoàng khi nghe tin nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từ trần. Ông là một nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, một lãnh đạo ngành Ngoại giao và là một nhà ngoại giao cự phách, thực sự tâm huyết, tài ba, trí tuệ, nhạy bén, sắc sảo, sáng tạo, bản lĩnh, có đóng góp to lớn đối với ngành Ngoại giao, với đất nước và nhân dân ta.
Nhà ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh
Tâm huyết, tài năng, bản lĩnh và cống hiến của ông Vũ Khoan nổi bật trên các lĩnh vực: nghiên cứu cơ bản, nhìn nhận, phân tích, đánh giá và dự báo tình hình trong và ngoài nước; tham mưu hoạch định và triển khai thực hiện đường lối, chính sách đổi mới về đối ngoại cũng như kinh tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bộ trưởng Bộ Thương mại, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế Vũ Khoan tại lễ đón Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm TP. Hồ Chí Minh trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 11/2000. |
Tên tuổi ông gắn liền với những thành tựu của đất nước trong cuộc phá bao vây, cấm vận và hội nhập quốc tế, bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước láng giềng ASEAN (gia nhập ASEAN, WTO, APEC, ASEM; đàm phán và ký kết Hiệp định khung với EU, Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ, các Hiệp định phân định biên giới trên bộ và Vịnh Bắc bộ với Trung Quốc, vùng chồng lấn trên biển với Thái Lan, Malaysia, Indonesia …).
Với ngành Ngoại giao, ông đã trực tiếp gắn bó, tận tụy làm việc và trưởng thành suốt hơn bốn thập niên, từ một phiên dịch tiếng Nga chuyên nghiệp trở thành Thứ trưởng thường trực mẫu mực, có nhiều cống hiến to lớn.
Nhà ngoại giao kiệt xuất Vũ Khoan cũng là một người anh lớn, một người thầy, một tấm gương sáng, toàn diện, có nhiều công lao trong xây dựng và phát triển ngành, đào tạo nên nhiều thế hệ đàn em xứng đáng. Ông là hình mẫu lý tưởng của một nhà ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, cả về nhân cách, đạo đức, cũng như về tài năng.
Đó là hoài bão, đam mê cháy bỏng, không ngừng học tập, tu dưỡng; là tư duy độc lập, luôn mới mẻ, tìm tòi, sáng tạo; là bản lĩnh, dũng cảm, không ngại khó, ngại khổ; là phương pháp khoa học và kinh nghiệm phong phú về các nghiệp vụ ngoại giao: nghiên cứu cơ bản, phân tích, đánh giá, tổng hợp và dự báo tình hình động thái, cũng như, chính sách, chiến lược ngoại giao, chính trị, kinh tế… toàn diện; là tham mưu, hoạch định và tổ chức thực hiện, từ biện pháp, đối sách cụ thể tới chủ trương, chính sách, đường lối chiến lược; là nghệ thuật tiếp xúc và đàm phán; là các nghiệp vụ dịch thuật, lãnh sự, lễ tân, tuyên truyền, báo chí, văn hóa; là kinh nghiệm viết các loại văn bản cũng như cách nói, báo cáo, thuyết trình; là kinh nghiệm làm việc, ứng xử của một cán bộ ngoại giao, cũng như của một cán bộ quản lý đơn vị, một lãnh đạo ngành.
Với cá nhân, tôi mãi mãi ghi nhớ, tri ân nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan về tình cảm, sự giúp đỡ chân tình của ông cũng như những gì đã học hỏi được từ ông.
Đầu năm 2000, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Vũ Khoan được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thương mại. Được phân công tiếp nhận vị trí cùng trách nhiệm ông để lại, nghĩ mình chưa đủ khả năng, tôi đã từ chối, nhưng không được chấp nhận. Lo lắng, tôi đã đến thăm ông tại nhà để học hỏi kinh nghiệm. Ông đã nói chuyện với tôi thật chân tình như một người anh. Sau đó, ông đã trở thành Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại. Tôi đã có thể thực hiện được nhiệm vụ Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao, đặc biệt là Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) - một phần rất quan trọng cũng là nhờ có người lãnh đạo tài năng và đức độ như ông.
Những kỷ niệm với người anh lớn
Có rất nhiều kỷ niệm với người anh lớn, người thầy tôi thực sự kính trọng và ngưỡng mộ này. Tôi chỉ xin kể lại vài kỷ niệm là quá trình thai nghén và ra đời Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị - nghị quyết công khai đầu tiên của cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng về công tác đối với cộng đồng NVNONN.
Đầu năm 2000, sau khi nhận quyết định của Thủ tướng Phan Văn Khải bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban về NVNONN, tôi khẩn trương tìm hiểu công việc, nắm các tư tưởng chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước để định hướng cho mình và xây dựng chương trình công tác tổng thể cho nhiệm vụ này.
Tôi nghiên cứu lại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII) về công tác đối với cộng đồng NVNONN, ban hành hơn 6 năm trước (29/11/1993). Tôi thấy tình hình trong nước, cộng đồng cũng như thế giới đã có nhiều điểm rất mới. Chính thực tế này đã làm cho tôi nảy sinh ý tưởng cần kiến nghị Bộ Chính trị ra một nghị quyết mới và công khai, bởi để có thể làm tốt công tác đối với cộng đồng NVNONN trong thời kỳ mới thì, điều kiện đầu tiên, quan trọng nhất và quyết định nhất là phải tạo được một nhận thức chung, thực sự đổi mới, đúng đắn và thống nhất.
Không chỉ cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp và các đảng viên mà toàn bộ hệ thống chính trị cũng như toàn thể nhân dân ta và cả cộng đồng NVNONN cũng phải được biết, hiểu và quán triệt tư duy đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực này.
Hơn nữa, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng NVNONN là quang minh, chính đại, không hề có gì trái với lợi ích của các nước nơi bà con ta đang làm ăn, sinh sống; mà ngược lại còn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các nước đó với nước ta. Bởi vậy, cũng rất cần phải tuyên truyền rộng rãi chủ trương, chính sách đó cho thế giới hiểu.
Sau khi đạt được nhất trí tại cơ quan về chương trình công tác dài hạn "Đề án tăng cường công tác vận động cộng đồng", tôi đã "tranh thủ" trình trước hai Ủy viên Bộ Chính trị là ông Nguyễn Mạnh Cầm, Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại và ông Trương Tấn Sang, khi đó là Trưởng Ban kinh tế Trung ương để cho ý kiến.
Rất mừng tôi đã được cả hai ông "bật đèn xanh". Ông Trương Tấn Sang còn khen là đề án tốt. Tôi rà soát kỹ lại, sửa sang lần chót văn bản và ngày 28/7/2000 đã ký Tờ trình Đề án lên Thường vụ Bộ Chính trị (Khóa VIII, Trung ương Đảng không còn Ban Bí thư) và Thủ tướng Chính phủ.
Đầu tháng 10/2001, tôi thật vui mừng nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với "Đề án tăng cường công tác vận động cộng đồng" là "Ban cán sự Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị Đề án trình Bộ Chính trị có Nghị quyết (hoặc Chỉ thị) về lĩnh vực công tác này".
Thế là tôi trực tiếp cùng các cán bộ hữu quan của Uỷ ban bắt tay vào xây dựng dự thảo Đề cương, rồi Đề cương chi tiết và cuối cùng là văn kiện mà chúng tôi vẫn kiên trì kiến nghị là "Nghị quyết công khai của Bộ Chính trị".
Trong suốt quá trình này, chúng tôi đã tiến hành trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc và các Bộ, cơ quan, ban, ngành hữu quan.
Ngày 20/5/2002, tôi ký Tờ trình dự thảo Nghị quyết lên Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, tiếp đó lại là những tháng ngày cố gắng thúc đẩy việc xem xét kiến nghị này.
Ngày 12/3/2003, Hội nghị toàn thể lần thứ VII, Trung ương Đảng khóa IX ra Nghị quyết về "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Tôi mừng quá: Thời cơ đã đến để làm sống lại kiến nghị mà tôi đã thai nghén, kiên trì xây dựng, đeo đuổi và thúc đẩy suốt ba năm qua.
Tôi đã gặp Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trình bày ý kiến của tôi: Nay là thời điểm rất thích hợp để Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới công khai mà chúng tôi đã trình vì đó chính là để triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương VII đối với cộng đồng NVNONN, một bộ phận không thể tách rời của toàn dân tộc Việt Nam. Tôi sẽ rà soát lại văn bản và trình lên, đề nghị ông ủng hộ và cho ý kiến chỉ đạo. Thật là mừng ông đã đồng ý.
Sau khi rà soát lại kỹ dự thảo đã trình, ngày 14/4/2003, tôi ký một tờ trình mới lên Bộ Chính trị, nói rõ bối cảnh và yêu cầu mới như đã nói với ông Vũ Khoan.
Cho đến thời điểm ấy, tôi đã dẫn đầu một số đoàn của Ủy ban chúng tôi thăm cộng đồng người Việt ở một số nước. Tôi nghĩ, để có thêm cơ sở thúc đẩy Bộ Chính trị xem xét, ban hành nghị quyết đã trình, cần kiến nghị một đoàn liên ngành, gồm lãnh đạo một số cơ quan, ngành Trung ương quan trọng, đặc biệt phải có đại diện có vị thế của miền Nam, đi thăm, nắm tình hình cộng đồng mới nhất ở Hoa Kỳ và Canada, là hai địa bàn quan trọng nhất, để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư rõ.
Kiến nghị được chấp thuận. Nửa đầu tháng 6/2003, tôi đã được cử dẫn đầu đoàn liên ngành đó.
Sau chuyến đi, tôi đã làm báo cáo tường tận kết quả lên Bộ Chính trị, Ban Bí Thư và trực tiếp gặp, báo cáo ông Vũ Khoan những nét rất mới về tình hình cộng đồng vừa nắm được. Tôi nói sẽ rà soát lại, cập nhật dự thảo nghị quyết và đề nghị ông trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo để hoàn chỉnh và thúc đẩy Bộ Chính trị xem xét ban hành. Tôi rất mừng đã được ông đồng ý.
Thế là lại một lần nữa, tôi trực tiếp cùng anh chị em cán bộ hữu quan của Uỷ ban khẩn trương rà soát, chỉnh lý lại văn bản đã trình trước đây.
Ngày 25/6/2003, tôi lại ký Tờ trình mới lên Bộ Chính trị lần này với niềm hy vọng lớn hơn bao giờ hết. Thật là may mắn, ông Vũ Khoan đã dành thời gian đích thân đọc và cho ý kiến chỉ đạo trực tiếp vào văn bản.
Vào thời điểm đó, tôi đã có quyết định của Lãnh đạo cấp cao cử làm Đại sứ nước ta tại Pháp. Tôi đặt mục tiêu: phải hoàn thành bằng được công việc then chốt này mà tôi đã tâm huyết, trăn trở thai nghén, kiên trì xây dựng, đeo đuổi và thúc đẩy từ khi nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm UBVNVNONN.
Theo ý kiến chỉ đạo rất cụ thể của ông Vũ Khoan, tôi đã dành thời gian, công sức cùng anh chị em cán bộ Uỷ ban hoàn chỉnh dự thảo, rồi lại lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban, ngành hữu quan một lần nữa.
Tôi rất vui đã thực hiện được mục tiêu đề ra: hoàn chỉnh lần cuối cùng các văn bản và kịp trình Dự thảo Nghị quyết lên Bộ Chính trị trước khi tôi lên đường đi Paris nhận nhiệm vụ mới vào đầu tháng 12/2003.
Hơn ba tháng sau, tôi vô cùng sung sướng nhận được tin và toàn văn Nghị quyết số 36-NQ/TW, bản Nghị quyết công khai đầu tiên của Bộ Chính trị về cộng đồng NVNONN, ban hành ngày 26/3/2004.
Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin và nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại cuộc họp mặt gần đây nhất của nhóm cựu cán bộ ngoại giao vào ngày 31/10/2022. |
Trở lại câu chuyện về chuyến đi của đoàn liên ngành thăm cộng đồng người Việt ở một số nước, tôi mừng là kiến nghị của tôi về thành phần đoàn đã được đáp ứng. Khi họp đoàn trao đổi ý kiến về chuyến đi, tôi nghĩ nếu chỉ triển khai theo tinh thần Đề án ban đầu thì chuyến đi sẽ không thể đem lại kết quả mong muốn.
Bởi vậy, tôi xin gặp ông Vũ Khoan, để trực tiếp trình bày ý kiến của tôi xin được triển khai với tinh thần mới thực sự chủ động, tiến công, cởi mở. Cụ thể là cho phép thăm dò, nếu được thì cho gặp gỡ một số nhân vật nguyên là lãnh đạo chính quyền Sài Gòn cũ như ông Nguyễn Cao Kỳ và một số bất đồng chính kiến nổi bật. Và nếu thấy thuận thì có thể lấy danh nghĩa Chủ nhiệm Ủy ban về NVNONN mời họ về thăm đất nước.
Tôi rất mừng là những đề xuất cụ thể đó đã được Vũ Khoan chấp thuận ngay. Tôi đã quán triệt trong toàn đoàn tinh thần mới đó và điện chỉ đạo các cơ quan đại diện ta tại Hoa Kỳ tiến hành thăm dò và bố trí các cuộc gặp. Kết quả chuyến đi thật rất đáng mừng, vượt quá điều mong đợi. Tôi là quan chức cấp cao đầu tiên gặp, đối thoại thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần đồng bào với một số nhân vật nguyên là lãnh đạo chính quyền Sài Gòn cũ hoặc bất đồng chính kiến nổi bật.
Sự kiện này đã gây xôn xao dư luận, tác động mạnh mẽ đến cộng đồng NVNONN và cả dư luận quốc tế.
Chỉ còn 9 tháng nữa là kỷ niệm 20 năm Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Nghị quyết lịch sử này đã và đang tiếp tục được thể chế hóa, đi vào cuộc sống, bằng rất nhiều chính sách đổi mới cụ thể của Nhà nước ta đối với cộng đồng NVNONN đã được ban hành, được bà con kiều bào cũng như dư luận quốc tế nhiệt liệt hoan nghênh, góp phần thiết thực thực hiện hòa hợp, đoàn kết dân tộc, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nước ta với các nước nơi bà con cư trú, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
* Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.