Nguồn tin từ Quốc hội Mỹ cho biết, với 45 phiếu thuận và 55 phiếu chống, các Thượng nghị sĩ Mỹ đã bác bỏ dự luật do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul đệ trình, trong đó đề xuất Obamacare sẽ tự động hết hiệu lực trong vòng 2 năm và các nhà lập pháp nước Mỹ sẽ xây dựng một dự luật thay thế Obamacare trong giai đoạn này.
Có 7 Thượng nghị sĩ Cộng hòa và toàn bộ 48 Thượng nghị sĩ Dân chủ đã bỏ phiếu chống lại dự luật. Như vậy, trong vòng chưa đầy 24 tiếng kể từ khi dự luật AHCA được đưa ra tranh luận tại Thượng viện, đây là lần thứ hai các nhà lập pháp Mỹ bỏ phiếu chống lại các phiên bản dự luật thay thế chương trình Obamacare.
Người Mỹ không vừa lòng với những gì họ đang có, nhưng họ cũng không muốn ai cũng được đối xử ngang nhau. (Nguồn: AP) |
Trước đó, với 43 phiếu thuận và 57 phiếu chống (trong đó có 9 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu phản đối), Thượng viện Mỹ sáng 26/7 (theo giờ Việt Nam) cũng đã bác dự luật đầu tiên do phe Cộng hòa đệ trình nhằm thay thế chương trình chăm sóc sức khỏe tồn tại suốt 7 năm qua tại nước này.
Các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa tuyên bố “thất bại tạm thời” này sẽ không thể ngăn cản họ thúc đẩy các cuộc bỏ phiếu tiếp theo về một văn kiện luật thay thế Obamcare, theo cả hai hướng là “loại bỏ” và “loại bỏ - thay thế”. Tuy nhiên, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell thừa nhận mục tiêu cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe Mỹ “sẽ không dễ dàng”.
Theo luật định, phiên bản dự luật thay thế Obamacare của Thượng viện cần phải khớp với phiên bản luật do Hạ viện Mỹ phê chuẩn hồi tháng 5, hoặc được một ủy ban lưỡng viện tán thành, trước khi có thể trình Tổng thống Donald Trump ký ban hành. Giới quan sát nhận định đây là một quy trình rất phức tạp và sẽ kéo dài nhiều tháng.