Sau hai lần không được thông qua tại Thượng viện, dự luật kích thích kinh tế chống dịch Covid-19 trị giá 2.000 tỷ USD đã được thông qua tối ngày 25/3, theo giờ Mỹ. (Nguồn: AFP) |
Đây là dự luật hỗ trợ thứ 3 và là dự luật có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch Covid-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch; dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Donald Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.
Gói cứu trợ trên sẽ hỗ trợ tiền trực tiếp cho mỗi gia đình người dân Mỹ, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp mở rộng, các khoản vay và ưu đãi cho các doanh nghiệp và các nguồn lực y tế cho các bệnh viện, các bang và các vùng lãnh thổ. Ngoài ra, dự luật này yêu cầu các nhà cung cấp bảo hiểm phải chi trả các dịch vụ ngăn ngừa Covid-19.
Trước đó, dự luật này đã hai lần không được thông qua tại Thượng viện. Các nhà lập pháp đảng Dân chủ cho rằng dự luật không hỗ trợ đủ tiền cho các tiểu bang, các bệnh viện và thiếu khoản tiền hỗ trợ đầy đủ cho người Mỹ thất nghiệp và không bao gồm sự giám sát đầy đủ của một quỹ lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, sau nhiều giờ làm việc, các nhà lập pháp hai đảng đã đạt được sự thống nhất và giải quyết được bất đồng về một điểm quan trọng trong thỏa thuận, và nhất trí về các điều khoản giám sát nhiều hơn đối với khoản tiền đề xuất trị giá 500 tỷ USD nhằm giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Dự luật trên sẽ được chuyển tới Hạ viện và dự kiến được thông qua vào ngày 27/3 trước khi trình Tổng thống Trump ký ban hành. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump khẳng định: “Tôi sẽ ký ngay lập tức”, đồng thời cho rằng, đây sẽ là một ngày tuyệt vời cho người lao động Mỹ và các gia đình Mỹ.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh diễn biến tình hình dịch bệnh tại Mỹ đang ngày càng phức tạp. Theo hệ thống theo dõi của Đại học Johns Hopkins, đến ngày 26/3, số người tử vong do Covid-19 ở Mỹ đã lên tới 1.046 người trong khi số ca nhiễm trên toàn quốc đã lên tới 69.047 người. Mỹ hiện trở thành quốc gia có số người nhiễm cao thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Italy.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, Mỹ có nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới. Tổng thống Trump thừa nhận, Mỹ khó khăn trong việc đặt mua nguồn cung vật tư y tế thiết yếu chống dịch.