Tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc ở khu vực giàn khoan Hải Dương-981 (Ảnh: Cảnh sát biển) |
Nghị quyết đã khẳng định Mỹ có “lợi ích an ninh quốc gia sâu sắc và lâu dài” ở Biển Đông và Hoa Đông trong việc duy trì tự do hàng hải, tự do biển, tôn trọng lợi ích quốc tế và thương mại hợp pháp không bị cản trở ở vùng biển này.
Đối với Biển Đông, Nghị quyết nêu rõ lập trường của Mỹ không phải là một bên đòi hỏi chủ quyền ở cả Biển Đông và Hoa Đông, nhưng có quan tâm tới các giải pháp ngoại giao hòa bình trong giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế; phản đối dùng vũ lực, cưỡng ép, hăm dọa, đe dọa; ủng hộ các nước cùng nhau hợp tác thông qua ngoại giao giải quyết các tranh chấp; Ủng hộ vai trò đa phương của ASEAN trong tranh chấp; ủng hộ các bên sớm đạt được COC;…
Trong Nghị quyết đã trực tiếp lên án các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, đề cập đến hành động của Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) hạ đặt giàn khoan HD 981 (Hải Dương – 981) ở lô 143 cách Việt Nam 120 hải lý, cùng với hơn 80 tàu hộ tống trong đó có 7 tàu quân sự, hung hăng tuần tra và hăm dọa tàu Cảnh sát biển Việt Nam; Nhấn mạnh Trung Quốc vi phạm Quy tắc quốc tế về ngăn chặn các vụ đụng độ trên biển (COLREGS 1972) của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) khi cố tình đâm và sử dụng vòi rồng đối với các tàu Việt Nam; Thiết lập vành đai có bán kính 3 dặm (khoảng 5 km) xung quanh giàn khoan HD 981 (Hải Dương – 981), vi phạm an toàn hàng hải và vi phạm các nguyên tắc đã được thừa nhận trong luật pháp quốc tế (LPQT), bao gồm UNCLOS 1982 (Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982); khẳng định các đòi hỏi chủ quyền và hành động theo đó để hỗ trợ hoạt động giàn khoan HD – 981 (Hải Dương – 981), do tiến hành đã không được làm rõ theo LPQT, là nỗ lực đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực và vi phạm DOC 2002 (Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông).
Nghị quyết kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 (Hải Dương – 981) và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực hiện tại, kiềm chế không có các hoạt động hàng hải vi phạm COLREGS và ngay lập tức đưa tình hình trở lại nguyên trạng như trước ngày 1/5.
Về vấn đề đang diễn ra trên Biển Đông, Nghị quyết kêu gọi các Bên không sử dụng vũ lực và đe dọa: (i) kiềm chế các hành động gây bất ổn bao gồm việc chiếm đóng bất hợp pháp cũng như các nỗ lực quản lý gượng ép phi pháp đối với các đòi hỏi đang tranh chấp; (ii) đảm bảo các tranh chấp được quản lý không để để xảy ra cưỡng ép, hăm dọa và sử dụng vũ lực, (iii) khuyến khích các Bên tranh chấp không thực hiện các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng từ khi có DOC 2002; (iv) khuyến khích đưa ra các cơ chế như đường dây nóng hay quy trình khẩn cấp để ngăn chặn các sự việc trên vùng nhạy cảm, quản lý sự việc nếu xảy ra; phòng tránh các tranh chấp leo thang, (v) hoàn toàn ủng hộ quyền của các Bên tranh chấp thực hiện các quyền về các cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình; (vi) khẳng định những bộ luật và hướng dẫn quốc tế, bao gồm Quy định Quốc tế về Phòng chống va chạm trên biển và COLREGS 1972 để đảm bảo sự an toàn hàng hải giữa Quân đội Mỹ và quân đội các nước, trong đó có Trung Quốc.
Đồng thời, Nghị quyết ủng hộ các vai trò và nỗ lực của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông trong đó có việc ASEAN và Trung Quốc tiến tới xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có hiệu quả; Ủng hộ sự phát triển của các tổ chức và cơ quan khu vực do ASEAN chủ trì, bao gồm cả diễn đàn khu vực ASEAN, ADMM+, EAS và các diễn đàn Biển mở rộng của ASEAN, để tạo ra sự hợp tác thiết thực trong khu vực và củng cố vai trò của luật pháp quốc tế.
Quang Chinh