TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc lần đầu công khai tên lửa của máy bay tàng hình J-20 | |
Những vũ khí Trung Quốc lần đầu công bố tại diễu binh |
Global Times ngày 12/11 đưa tin Trung Quốc (TQ) lần đầu công khai tên lửa của tiêm kích tàng hình J-20 hay còn gọi là “Rồng dũng mãnh” tại Triển lãm Hàng không TQ 2018 ở TP. Chu Hải - triển lãm hàng không, vũ trụ lớn nhất nước này.
Theo tờ báo, 2 tiêm kích J-20 đã mở các cửa sổ khoang tên lửa khi đang cùng đoàn bay trình diễn ngày 12/11. Global Times cũng dẫn lời chuyên gia quân sự Song Zhongping nói thêm, 4 tên lửa tầm xa không đối không trong thân máy bay, trong khi ở cánh là 2 tên lửa tầm ngắn dùng cho tác chiến trên không.
J-20 là máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên của TQ, cũng là chiến cơ thế hệ 5 đầu tiên của nước này. J-20 được tập đoàn Chengdu Aerospace phát triển và thử nghiệm từ 2011 trước khi đưa vào hoạt động tháng 3/2017 với 9 nguyên mẫu và 2 mẫu không số hiệu. Vài chục chiếc J-20 đã được biên chế cho quân đội TQ.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc. (Nguồn: The Diplomat) |
Theo Reuters, TQ lần đầu công khai J-20 mà nước này kỳ vọng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách quân sự với Mỹ là tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2016. Tại đó, người phát ngôn Lực lượng Không quân TQ Shen Jinke nhấn mạnh: “Đây là lần xuất hiện đầu tiên của một máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới do TQ tự sản xuất”. Ông cũng cho biết tiến độ chế tạo J-20 diễn ra đúng kế hoạch và sẽ góp phần nâng cao sức mạnh của lực lượng không quân nước này.
Trước đó, Lầu Năm Góc từng nói rằng việc TQ phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5, gồm J-20 và J-31, là bước đi quan trọng để giúp Không quân nước này nâng cấp từ lực lượng với sứ mệnh chủ yếu là bảo vệ lãnh thổ thành lực lượng có khả năng tiến hành các chiến dịch vừa tấn công, vừa phòng thủ linh hoạt.
“Giống nhau giật mình”
Theo tạp chí quân sự Kanwa Defense Review có trụ sở tại Canada, J-20 của TQ chỉ là hư danh. Không có động cơ đủ mạnh, J-20 không thể được xem là chiến đấu cơ thế hệ 5 như quảng cáo. J-20 sử dụng AL-31F, là động cơ dùng cho chiến đấu cơ thế hệ 4 như Su-27 của Nga. Với động cơ cũ này, J-20 không thể đạt được vận tốc siêu âm hoặc khả năng vận hành ưu việt như các chiến đấu cơ thế hệ 5. |
Chuyên gia hàng không của Nga Dmitry Drozdenko, Phó Tổng biên tập tạp chí quân sự Arsenal of the Fatherland, nói rằng J-20 mà ông nhìn thấy tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2016 giống mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5 MiG 1.44 của Nga từng được trình làng năm 2015.
Tập đoàn máy bay MiG của Nga đã bắt đầu thiết kế máy bay chiến thuật đa năng thế hệ 5 năm 1983 để cạnh tranh với Mỹ. Thời gian này, hãng Sukhoi cũng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5. Su-57 đã có chuyến bay đầu tiên năm 1997 và mở đường phát triển chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 - T-50 cho không quân Nga. Năm 2000, MiG 1.44 được bí mật cất cánh, nhưng phải tới Triển lãm Hàng không Quốc tế Moscow MAKS 2015 mới ra mắt.
MiG 1.44 được thiết kế để tránh bị phát hiện, sử dụng một loạt công nghệ tiên tiến giúp giảm sự phản xạ hay phát xạ tín hiệu radar. Công nghệ tàng hình tiên tiến bậc nhất này có thể làm cho radar nhận dạng MiG 1.44 như chim. Động cơ kép AL-41F cho phép MiG 1.44 đạt tốc độ hành trình siêu âm.
Ông Drozdenko không phải là nhà phân tích đầu tiên phát hiện ra sự giống nhau giữa MiG 1.44 và J-20 của TQ.
So sánh 2 nguyên mẫu thế hệ 5, trang tin Defense Aviation đã phát hiện ra “sự giống nhau giật mình giữa J-20 và MiG 1.44 của Nga”. Tuy nhiên, nhà phân tích Cavin Dsouza cũng nhận xét: J-20 không được tối ưu hóa cho chiến đấu như MiG 1.44, mặc dù cả hai “đều được thiết kế theo hình tam giác và có phần đuôi hình chữ V”.
Đọ sức với “Chim ăn thịt”
Hãng tin Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin nói rằng, khi báo chí TQ viết về J-20, điều tập trung đầu tiên là về khả năng xạ tốc nhanh của vũ khí, tính năng tàng hình, kể cả khi tiếp dầu trên không… Điều đáng nói là, hầu hết các máy bay thế hệ mới đều sẽ có những bài viết như vậy. Còn nhớ hơn 10 năm trước, một số chuyên gia từng nói rằng máy bay FC-1 của TQ-Pakistan sẽ là “sao sáng” trên thị trường vũ khí toàn cầu và sẽ thay thế MiG-29 của Nga. Nhưng Nga vẫn liên tục xuất khẩu MiG-29 những năm qua. |
Tờ SCMP dẫn lời một số chuyên gia cho rằng bề ngoài của J-20 cũng khá giống máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-22 có biệt danh “Chim ăn thịt” của Mỹ.
F-22 do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất riêng cho Không quân Mỹ, không xuất khẩu, cốt bảo vệ công nghệ tàng hình. F-22 thực hiện chuyến bay đầu tiên tháng 9/1997 và hoạt động từ tháng 12/2005. Năm 2011, việc chế tạo F-22 tạm dừng do chi phí cao và cũng chưa có máy bay nào có thể thách thức sự thống trị của F-22. Mỹ đã dành 62 tỷ USD phát triển dự án F-22, tương đương 339 triệu USD/máy bay, trong khi TQ đầu tư cho J-20 hơn 30 tỷ NDT (khoảng 4,4 tỷ USD), từ 100-110 triệu USD/máy bay.
Về thiết kế, J-20 và F-22 đều có trọng lượng 19.000kg và kích cỡ gần tương đương. J-20 dài 20,3m và độ rộng sải cánh 12,9m, trong khi F-22 dài 19m và độ rộng sải cánh 13,6m. Theo giới chuyên gia, kích cỡ lớn hơn của J-20 có thể giúp bay xa hơn và ít phụ thuộc hơn vào máy bay tiếp dầu trên không khi hoạt động ở những khu vực rộng lớn.
F-22 di chuyển với tốc độ Mach 1.82 nhờ động cơ phản lực cánh quạt đẩy có buồng đốt phụ F119-PW-100. Trong khi đó, động cơ là điểm yếu nhất của J-20. TQ vẫn chưa tự chế tạo được động cơ riêng, mà phải mua động cơ AL-31FM2/3 của Nga. Điều này ảnh hưởng tới khả năng cơ động và năng lực tàng hình của J-20 khi bay ở tốc độ siêu thanh. Giới phân tích cho rằng khả năng tàng hình của J-20 kém hơn F-22, dễ bị radar phát hiện hơn từ phía sau. Ngoài ra, J-20 được cho là không phủ sơn tránh radar như máy bay Mỹ và cũng không được trang bị hệ thống cảm biến điện tử hiện đại như F-22.
Nếu so sánh về khoang chứa vũ khí, F-22 “lép vế” hơn. Để duy trì khả năng tàng hình, cả hai đều thiết kế khoang chứa vũ khí trong thân. J-20 tuy mang 6 tên lửa, ít hơn F-22 nhưng nhờ khoang vũ khí lớn hơn nên J-20 có thể mang các tên lửa lớn hơn, tầm xa hơn và cả bom dẫn đường LS-6. F-22 mang 8 tên lửa, pháo M61 Vulcan, nhưng có tới 4 điểm treo bình xăng dưới cánh cho phép nó mang thêm nhiên liệu hoặc tên lửa.
Đài Shenzhen TV đưa tin hệ thống radar AESA của J-20 “hoàn toàn tương tự” hệ thống AN/APG-77 của F-22, cho phép phát hiện nhiều mục tiêu trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào.
Lên cân cùng “Tia chớp”
Khác với J-20 và F-22 không dành cho xuất khẩu, tiêm kích F-35 mệnh danh “Tia chớp” của Mỹ có thể xuất khẩu, nên được xem như một công cụ ngoại giao để tăng cường mạng lưới an ninh của Mỹ. Phó Chủ tịch Lockheed Martin Orlando Carvalho cho hay, F-35 được đánh giá là động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ cũng như thúc đẩy quan hệ an ninh giữa Mỹ và các nước. Theo SCMP, Israel đã mua 33 chiếc F-35 với giá hơn 5,5 tỷ USD và Tel Aviv đã quyết định tăng số lượng đặt hàng lên 50 chiếc.
F-35 có chuyến bay đầu tiên ngày 15/12/2006 và phi đội tiêm kích F-35A đầu tiên đã sẵn sàng chiến đấu ngày 2/8/2016. Theo quan chức không quân Mỹ Mark Shackelford, F-35 được chế tạo để trở thành “sát thủ tên lửa đất đối không, được trang bị công nghệ xử lý tiên tiến, radar tổng hợp và nhận diện mục tiêu cao cấp”. Tập đoàn Lockheed Martin khẳng định F-35 sở hữu khả năng không đối không tầm xa ưu việt, hơn cả máy bay F-22.
Một trong những tính năng chủ chốt của F-35 là tàng hình. Nó có khả năng tàng hình trong mọi điều kiện thời tiết. Nó được làm bằng vật liệu tránh radar, bền hơn và ít phải bảo dưỡng hơn các thế hệ trước. Tuy nhiên, giống các máy bay tàng hình khác, F-35 vẫn dễ bị phát hiện bởi radar tần số thấp như radar của các cơ quan hàng không dân dụng. May mắn là radar tần số thấp không cung cấp đủ toạ độ cho tên lửa dẫn đường nên nguy cơ F-35 bị tấn công được giảm thiểu. Trong khi đó, theo Công ty nghiên cứu quốc phòng Air Power Australia, khả năng tàng hình của J-20 chưa tốt ở mặt bên và mặt sau, dễ bị radar phát hiện.
Nói chung, theo giới chuyên gia, còn quá sớm để đánh giá tiêm kích thế hệ thứ 5 nào mạnh nhất. Hãng tin Sputnik mới đây dẫn lời chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho rằng chưa đủ thông tin về tiêm kích thế hệ 5. J-20 chưa cất cánh tại bất kỳ nước nào ngoài TQ. F-22, F-35 và Su-57 nhiều thông tin hơn, đều đã tham gia tác chiến ở Trung Đông, như Su-57 của Nga với vũ khí tiên tiến đã được kiểm nghiệm ở chiến trường Syria. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một chiếc tiêm kích thế hệ 5 nào phải đối đầu với hệ thống phòng không tầm xa hiện đại hay máy bay đối phương, cũng chưa có cơ hội thực hiện nhiều đợt cất cánh cả ngày lẫn đêm như các máy bay thế hệ trước từng làm những năm 1980.
Tóm lại, tiêm kích thế hệ 5 của Nga, Mỹ và TQ đều chưa rõ ràng trong nhiều vấn đề, nhưng J-20 rõ ràng là một mốc quan trọng phản ánh nỗ lực của TQ trong việc phát triển những công nghệ quân sự tiên tiến.
Cổng thông tin điện tử Defense Research Wing của Ấn Độ (19/5/2018) đưa tin, từ không phận của mình, radar máy bay Su-30MKI của Không quân Ấn Độ đã phát hiện các máy bay J-20 của TQ đang diễn tập ở Tây Tạng, gần biên giới Ấn Độ. Sự việc xảy ra từ tháng 1 năm nay. Tư lệnh Không quân Ấn Độ Arup Shaha cho biết: “Radar của Sukhoi có thể nhìn thấy chúng. Các máy bay chiến đấu đời mới này của TQ không hề tàng hình. Chúng tôi không cần đến bất cứ công nghệ đặc biệt nào để phát hiện J-20, mà chỉ cần các radar thông thường”. |
Mỹ trừng phạt quan chức quân đội Nga và cơ quan quân sự Trung Quốc Ngày 20/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phê chuẩn việc bổ sung 33 quan chức quốc phòng và tình báo Nga vào danh sách ... |
Hàn Quốc cáo buộc máy bay quân sự Trung Quốc tiến vào KADIZ Ngày 29/1, quân đội Hàn Quốc cáo buộc một máy bay quân sự của Trung Quốc đã tiến vào Vùng Nhận dạng phòng không Hàn ... |
Nhật Bản tuyên bố Trung Quốc cáo buộc sai sự thật Chính quyền Nhật Bản cho rằng, cáo buộc chiến đấu cơ Nhật Bản đã có hành động gây nguy hiểm cho các máy bay quân ... |