Nhỏ Bình thường Lớn

Tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường - an toàn và cần thiết đến mức nào?

Trong khi nhiều quốc gia đang triển khai tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường, một cuộc tranh luận cũng nổi lên xoay quanh sự cần thiết, công bằng, và hợp đạo đức hay không của việc tiêm mũi thứ ba này.
Tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ ba có thực sự an toàn và hiệu quả?
Người dân Singapore tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường tại một trung tâm tiêm chủng. (Nguồn: Asiaone)

Lâu nay, thông thường khi gặp nhau, người ta vẫn chào bằng câu hỏi cửa miệng: “Bạn có khỏe không”. Thế nhưng, hồi đầu năm nay câu chào đó đã được đổi thành "Bạn đã tiêm vaccine Covid-19 chưa?". Và rồi, hiện ở nhiều nước, lời chào phổ biến lại là "Bạn đã tiêm liều vaccine tăng cường (liều thứ 3) chưa?"

Thực tế thì một số quốc gia, trong đó có Singapore, Israel, Đức và Pháp, đã bắt đầu có chính sách tiêm liều vaccine tăng cường cho người già và những người bị suy giảm miễn dịch, vì các nghiên cứu cho thấy với việc tiêm 2 mũi vaccine thông thường, khả năng miễn dịch chống lại virus corona đã suy yếu theo thời gian sau những mũi tiêm ban đầu.

Động thái này đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc tiêm liều vaccine thứ ba có thực sự cần thiết hay không và liệu làm như vậy có hợp đạo đức và công bằng hay không.

Cuộc tranh luận có vẻ đã đi đến một bước ngoặt mới trong tuần này, khi các dữ liệu mới đã củng cố thêm những phát hiện trước đó - rằng hiệu quả của cả vaccine Pfizer và Moderna đều giảm sau vài tháng và việc tiêm thêm một liều Pfizer nữa có thể làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh tới 11 lần và giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng ở người cao tuổi tới 20 lần.

Có nhiều lập luận ủng hộ và cả chống lại việc tiêm mũi tăng cường, nhưng điều khiến các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia y tế quan tâm trước hết là: Liệu khoa học có chứng minh được việc tiêm mũi tăng cường là cần thiết hay không.

Khi xem xét vấn đề này, có ba vấn đề chính: Có đúng là mức độ miễn dịch đã thực sự giảm? Liệu các mũi tiêm bổ sung có thực sự hữu ích và chúng có an toàn không? Ý nghĩa rộng hơn của việc tiêm thêm mũi tăng cường cho những người đã được tiêm phòng là gì?

Kháng thể: Quan trọng là chất lượng

Các nhà khoa học thường coi số lượng kháng thể là một thước đo hiệu quả hoạt động của vaccine. Các nghiên cứu ban đầu chỉ ra số kháng thể do vaccine Covid-19 tạo ra giảm dần theo thời gian. Điều này hoàn toàn bình thường.

"Không có loại vaccine nào mà không diễn ra tình trạng kháng thể giảm theo thời gian", Giáo sư Rafi Ahmed nói với tạp chí khoa học Nature.

"Luôn luôn có sự sụt giảm này", nhà miễn dịch học, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Caccine Emory ở Mỹ cho biết.

Và các nhà khoa học cho rằng, điều quan trọng không phải là số lượng của các kháng thể này, mà là chất lượng của chúng. Liệu chúng có bảo vệ con người một cách hiệu quả trong việc chống các virus xâm nhập và tàn phá cơ thể hay không. Tuy vậy, làm thế nào để đo chất lượng của kháng thể thì không có những con số rõ ràng như đo số lượng kháng thể.

Tiến sĩ Jane O'Halloran, Phó Giáo sư Đại học Y khoa Washington ở St Louis cho biết: “Nếu bạn có lượng kháng thể cao đối với mọi mầm bệnh mà bạn bắt gặp, máu của bạn sẽ bị đóng cặn. Đôi khi, những thứ dễ đo lường không phải là thứ giúp chúng ta thấy rõ nhất về những gì đang diễn ra trong cơ thể."

Trong khi giới khoa học vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng về việc số lượng kháng thể có tỷ lệ thuận với khả năng bảo vệ cơ thể trước nguy cơ nhiễm bệnh cũng như giảm mức độ nghiêm trọng sau khi nhiễm bệnh hay không, các chuyên gia đã chuyển sang kiểm tra dữ liệu trong thế giới thực.

Một nghiên cứu mới do Moderna công bố trong tuần này cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm đối với những người tình nguyện ở Mỹ được tiêm các mũi vaccine cách đây 13 tháng là cao hơn so với những người được tiêm vaccine cách đây 8 tháng.

Nhà sản xuất vaccine này cũng thông tin về xu hướng giảm tỷ lệ ca mắc bệnh nặng trong số những người được tiêm chủng gần đây hơn, nhưng lại cho biết phát hiện này không phải là thống kê đáng chú ý.

Tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ ba có thực sự an toàn và hiệu quả?
Thủ tướng Lý Hiển Long tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3 tại Bệnh viện Đa khoa Singapore ngày 15/9. (Nguồn: Asiaone)

Các nghiên cứu gần đây ở Israel cũng chỉ ra, sau vài tháng, những người đã tiêm vaccine Pfizer có nhiều khả năng bị nhiễm virus Covid-19 hơn và thậm chí bệnh còn trở nặng.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra các yếu tố mới đang hiện hữu, chẳng hạn như sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn và thực tế là trong số những người đã được tiêm chủng có rất nhiều nhân viên y tế - lực lượng có xu hướng tiếp xúc nhiều hơn với virus hoặc những người bị suy giảm miễn dịch.

Dẫu vậy, các chuyên gia lưu ý số trường hợp nhiễm Covid-19 nặng của Israel – vốn tăng lên sau khi chủng Delta xuất hiện - đã ổn định trở lại, vài tuần sau khi việc tiêm mũi tăng cường được triển khai vào giữa tháng 8. Số ca nhập viện mới hàng tuần cũng đã giảm xuống còn khoảng 1.200, từ mức cao nhất là hơn 1.400 ca vào cuối tháng 8.

Rủi ro: Tác dụng phụ và suy giảm hệ miễn dịch

Có rất ít lập luận cho rằng các mũi tiêm tăng cường tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh hơn. Bản thân những liều tiêm đầu tiên cũng đã giúp cho hầu hết các ca nhiễm không phải nhập viện, do đó lợi ích của việc tiêm thêm một mũi tăng cường cũng có thể chỉ có tác động rất ít.

Các báo cáo cho thấy hồi tháng trước, tại Israel, cứ 6/10 bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện là người đã được tiêm chủng đầy đủ.

Điều này một phần là do tỷ lệ tiêm chủng cao của Israel - ở mức 62% toàn dân. Nhưng các dữ liệu cũng cho thấy khoảng 90% số người nhập viện là người trên 60 tuổi và mắc bệnh mãn tính.

Các chuyên gia lưu ý, một số người bị suy giảm miễn dịch chỉ đơn giản là không thể tạo ra lượng kháng thể cao một cách cần thiết ngay cả khi đã tiêm phòng đầy đủ.

Ngay cả khi nhận được liều tiêm chủng thứ ba, mức độ kháng thể của họ - mặc dù được cải thiện – vẫn có xu hướng thấp hơn mức thường thấy ở các nhóm tiêm chủng khác, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng trước trên Tạp chí Y học New England.

Những phát hiện này có thể trở thành dẫn chứng khoa học cho việc tiêm mũi tăng cường ở những người già và người người mắc bệnh lý kèm theo (sự hiện diện đồng thời của hai hoặc nhiều bệnh lý). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có kết luận đối với những người trưởng thành khỏe mạnh về việc có nên tiêm mũi thứ ba hay không.

Giáo sư Ahmed của Trung tâm Vaccine Emory cho biết, đến nay, các thử nghiệm cho thấy tác dụng phụ của một mũi tiêm bổ sung sẽ không quá khác biệt.

Với đa số người, các tác dụng phụ đều nhẹ, tuy nhiên một tỷ lệ nhỏ lại bị các vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như đông máu và viêm tim.

Mỗi mũi tiêm bổ sung cũng mang đến nguy cơ cạn kiệt miễn dịch, nghĩa là hệ thống miễn dịch "học cách" chịu đựng virus thay vì nhận ra đó là một mối đe dọa và tìm cách để tiêu diệt nó.

"Rõ ràng là có một số rủi ro khi liên tục cố gắng tăng cường phản ứng miễn dịch", Tiến sĩ Marion Pepper, nhà miễn dịch học và Phó Giáo sư tại Đại học Washington, nói với The New York Times. "Nếu chúng ta thực hiện việc này với chu kỳ sáu tháng một lần, có thể sẽ dẫn đến phản tác dụng."

Hàm ý rộng hơn

Về cơ bản, khi quyết định có nên tiêm mũi tăng cường hay không, các nhà hoạch định chính sách phải ghi nhớ mục tiêu cuối cùng: Đó là ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong, giảm lây nhiễm hay ngăn chặn hoàn toàn tình trạng nhiễm bệnh?

Tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ ba có thực sự an toàn và hiệu quả?
Một trung tâm tiêm chủng ở Israel. (Nguồn: Haaretz)

Cả ba mục tiêu đều là lý tưởng, nhưng mục tiêu nào quan trọng nhất?

Tất cả các loại vaccine đều không bao giờ cho hiệu quả loại bỏ khả năng nhiễm bệnh 100%. Những người đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm Covid-19. Vì vậy việc ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ nhiễm bệnh sẽ là một giấc mơ xa vời trong xã hội hiện đại, với biên giới mềm và con người có các hoạt động giao lưu xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, vẫn có hy vọng về việc giảm lây nhiễm, vì nghiên cứu cho đến nay đã chỉ ra rằng những người được tiêm chủng có thể ít bị nhiễm bệnh hơn và nếu họ bị nhiễm virus, họ có thể tạo ra tải lượng virus thấp hơn và do đó ít lây nhiễm sang người khác hơn.

Nếu các mũi tiêm tăng cường, nhằm tăng cường phản ứng miễn dịch, có thể giúp những người đã được tiêm vaccine giảm hơn nữa khả năng - dù ở mức thấp - bị nhiễm bệnh hoặc truyền bệnh, thì điều đó cũng đã mang lại sự bảo vệ tốt hơn đối với cộng đồng, đặc biệt là cho những người không thể tiêm phòng vì những ly do về y tế.

Giáo sư Michel Nussenzweig, nhà nghiên cứu miễn dịch học và bác sĩ cao cấp tại Đại học Rockefeller, Mỹ, cho biết: “Liều tăng cường rốt cuộc sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ người nhiễm bệnh phải đến bệnh viện, và sẽ có lợi cho đất nước”.

Các cố vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã khuyến nghị tiêm vaccine Pfizer liều tăng cường cho những người từ 65 tuổi trở lên và những người có nguy cơ cao bị bệnh nặng.

Nếu có nhiều dữ liệu hơn chứng minh rõ ràng hơn tính cần thiết và hiệu quả của việc tiêm mũi tăng cường, mọi người có thể yêu cầu được tiêm mũi này. Nhưng cho đến lúc đó, điều này không hẳn tốt cho tất cả mọi người.

Những người chỉ trích việc tiêm mũi thứ ba đang cho rằng đây là một việc ích kỷ và không công bằng, được các nước thực hiện với cái giá phải trả là hàng triệu người khác ở khắp nơi thế giới vẫn đang chưa được tiêm bất kỳ một mũi vaccine nào.

Rốt cuộc, việc xem xét tiêm liều thứ ba hay không không thể cấp thiết bằng việc giúp cho những người chưa được chủng ngừa được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Novavax nộp đơn xin phê duyệt khẩn cấp vaccine Covid-19, cung ứng chủ yếu cho các nước thu nhập thấp

Novavax nộp đơn xin phê duyệt khẩn cấp vaccine Covid-19, cung ứng chủ yếu cho các nước thu nhập thấp

Theo Guardian ngày 23/9, hãng dược Novavax của Mỹ thông báo đã nộp đơn lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để xin cấp ...

Covid-19 thế giới 24/9: Mỹ là 'kho vũ khí' vaccine; liệu pháp điều trị Covid-19 từng chữa cho ông Trump; sự kiện thay đổi cuộc chơi ở Nam Phi

Covid-19 thế giới 24/9: Mỹ là 'kho vũ khí' vaccine; liệu pháp điều trị Covid-19 từng chữa cho ông Trump; sự kiện thay đổi cuộc chơi ở Nam Phi

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận gần 231,4 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 4,74 triệu ca tử ...

(Theo Asiaone/Straits Times)